Bất an vì nhà máy giấy của Trung Quốc
- 15:04 22-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khẩn cấp việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của Nhà máy Giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang.
Mỗi năm, xả khoảng 28.500 tấn xút
Nhà máy Giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) được xây dựng tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD, nhà máy này được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong tốp 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.
Thế nhưng, dự án lại không nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010”. Hay “Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020” cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL nhưng dự án vẫn được chấp nhận triển khai.
Năm 2007, khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án gắn với việc thành lập Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản xin ý kiến từ các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Tài nguyên và Môi trường… và được chấp thuận.
Thế nhưng, sau nhiều lần khởi công rồi tạm dừng vì vướng việc giải tỏa đền bù, đến cuối tháng 3-2015, dự án mới chính thức được khởi công trở lại trên khu đất hơn 80 ha và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8 tới.
Nhà máy Giấy Lee & Man sẽ hoạt động vào tháng 8-2016 Ảnh: ĐÔNG BÌNH
Biết thông tin trên, nhiều hộ dân đã gửi đơn đến các cơ quan báo chí bày tỏ lo ngại trước việc nhà máy này sẽ xả thải một lượng chất xút (NaOH) khổng lồ ra môi trường, đặc biệt là sông Hậu. Với công suất thiết kế, khi đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 420.000 tấn giấy cứng, bột giấy và bao bì cao cấp các loại. Song song đó, nhà máy cũng sẽ xả khoảng 28.500 tấn xút mỗi năm ra sông Hậu. Do đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi, tổn hại lớn đến nguồn lợi thủy sản của nhiều địa phương ở ĐBSCL.
Ông Nguyên Văn Tài, một hộ dân ở thị trấn Mái Dầm, lo ngại: “Có doanh nghiệp lớn về đầu tư ở địa phương thì chúng tôi mừng lắm vì nó sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người nhưng nghe qua thông tin nhà máy giấy này sẽ xả ra sông Hậu lượng nước thải nguy hại khổng lồ thì ai cũng lo. Không khéo thì sớm muộn gì sông Hậu cũng bị đầu độc như sông Thị Vải ngày trước”.
Bà Trần Thị Tuyết Mai (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho rằng các ngành chức năng ở tỉnh và trung ương cần sớm can thiệp để nhà máy giấy này không còn là nỗi bất an đối với cuộc sống của người dân.
Ảnh hưởng rất xấu đến nuôi trồng thủy sản
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam từng có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án gửi đến các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, do đây là dự án có sự ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nên UBND tỉnh đã có văn bản gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường nhờ hỗ trợ. Sau đó, bộ đã thành lập hội đồng thẩm định tác động môi trường của dự án.
Với 3 dự án khác để phục vụ cho nhà máy giấy gồm: nhà máy xử lý nước cấp, bến cảng chuyên dùng quốc tế và nhà máy nhiệt điện, Công ty TNHH Giấy Lee & Man đã lập báo cáo ĐTM và được UBND tỉnh Hậu Giang thẩm định, phê duyệt trong các năm 2014 và 2015.
Theo VASEP, dây chuyền sản xuất của nhà máy này lạc hậu nên rất đáng lo ngại về môi trường bởi với các dây chuyền sản xuất hiện đại thì lượng nước thải chỉ ở mức 10-20 m3/tấn thành phẩm; còn dây chuyền của Nhà máy Giấy Lee & Man lại thải đến 200-300 m3/tấn thành phẩm, mà chủ yếu là xút. Hóa chất này tác động rất lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản ở vùng ĐBSCL.
Một đại diện của VASEP cho biết trong quá trình sản xuất, các nhà máy giấy thường sử dụng hàng loạt hóa chất như: Thiosulfat natri, hydro peroxit, hypocloric natri… Vì thế, nếu không xử lý tốt thì môi trường sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Đối với Nhà máy Giấy Lee & Man, việc xả thải ra môi trường là rất đáng lo ngại vì hiện khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm bảo đảm yêu cầu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho rằng Nhà máy Giấy Lee & Man được đánh giá tác động môi trường từ năm 2007. Dù vậy, trước sự tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt trong thời gian gần đây thì đánh giá tác động môi trường trước đó đã trở nên lạc hậu, cần thay đổi. “VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ tướng Chính phủ cần có những chỉ đạo kiểm tra, rà soát nhằm siết chặt quản lý nước thải khi nhà máy này đi vào hoạt động” - ông Hòe nói.
Trước việc người dân và các hiệp hội tỏ ra bất an về nguy cơ xả thải của nhà máy giấy, ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, từng phát biểu rằng công ty đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo đúng giấy phép đầu tư và báo cáo ĐTM đã được UBND tỉnh Hậu Giang thẩm định và phê duyệt.
Tỉnh đã 2 lần kiểm tra |
Tác giả bài viết: Công tuấn