Lập trường Biển Đông bị phản ứng từ trong nước của Trung Quốc
- 09:32 22-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều học giả Trung Quốc lên tiếng chỉ trích hành động của nước này bác bỏ thẩm quyền của tòa quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Thẩm phán PCA lắng nghe luận điểm của Philippines trong phiên điều trần hồi tháng 7. Ảnh: Rappler
Trong một hội thảo gần đây tổ chức ở Bắc Kinh về yêu sách ở Biển Đông của Trung Quốc, các quan chức ngoại giao nước này mời một chuyên gia về luật pháp và quan hệ quốc tế lên phát biểu, với đề xuất "cứ thoải mái nêu ý tưởng", theo SCMP.
Học giả Trung Quốc đó, không để lãng phí thời gian, lập tức nêu lên ý kiến bất đồng.
"Tôi cho rằng ta không có khả năng thắng vụ kiện bằng con đường pháp lý vì hiện tại ta nắm rất ít cơ hội xoay xở trong tay bởi lập trường bác bỏ thẩm quyền của tòa mà chính quyền theo đuổi", ông nói. "Với tư cách một chuyên gia pháp lý, tôi chỉ có thể nói rằng nếu bạn từ chối xuất hiện trước tòa, bạn sẽ có rất ít cơ hội thắng".
Ông tiếp tục đề xuất chính quyền nên bắt đầu lên phương án giải quyết những hệ quả sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết mà nhiều khả năng không có lợi cho Trung Quốc.
Và đó là lần cuối ông được mời đến một cuộc hội thảo như thế. "Chắc tôi đã làm phật lòng những người một mực bênh vực cho chính sách ngoại giao bắt nguồn từ các lãnh đạo hàng đầu", ông nói.
Không lâu sau hội thảo, Bắc Kinh phát động một cuộc vận động ngoại giao chưa từng có để thu hút sự ủng hộ nhằm chống lại vụ kiện của Philippines cũng như bác bỏ phán quyết của PCA.
Suốt ba tháng qua, hàng chục nhà ngoại giao Trung Quốc, từ đương chức đến về hưu, không ngừng nghỉ đăng tải các bài viết hay trả lời phỏng vấn nêu quan điểm phản đối phán quyết của PCA. Bắc Kinh tuyên bố đã có 60 nước ủng hộ lập trường về Biển Đông của họ. Song nhiều quốc gia trong liên minh mà Trung Quốc nêu, ví dụ như Slovenia và Fiji, nhanh chóng phản bác, khẳng định họ không đứng về bên nào trong vấn đề trên.
Mặc dù cam kết thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng Trung Quốc lại gọi vụ kiện là "một màn kịch" do Philippines cùng các quốc gia phương Tây dàn dựng nhằm phá hoại "chủ quyền" của nước này.
Đánh mất uy tín
Giới phân tích nhận định chiến dịch vận động quy mô lớn mà Bắc Kinh thực hiện cho thấy tính chất quan trọng của vụ kiện. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bị kiện lên một tòa án quốc tế liên quan đến việc áp dụng UNCLOS từ năm 1949 đến nay.
"Đứng trên góc độ pháp lý, phán quyết từ tòa sẽ là yếu tố thay đổi cục diện cuộc chơi", ông Ling Bing, chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Sydney, bình luận. "Những lời cáo buộc chói tai không thể giúp Trung Quốc thuyết phục cộng đồng quốc tế đứng về phe mình trong vụ kiện. Nó chỉ tạo nên ấn tượng rằng Trung Quốc dường như sẽ phải hứng chịu thất bại nặng nề".
Dù phán quyết của tòa có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cán cân quyền lực khu vực, các nhà phân tích cảnh báo rằng hình ảnh quốc tế cũng như uy tín của Bắc Kinh sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.
Một số nhà phân tích dẫn lời các nhà ngoại giao cấp cao cho hay Bắc Kinh cũng ngầm thừa nhận rằng họ không thể xuất hiện trước tòa và thua kiện bởi sức ép từ làn sóng cảm tình dân tộc đang trào dâng trong nước.
Nhiều quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc giấu tên còn tiết lộ Bắc Kinh có nghĩ tới việc thuê một đội ngũ luật sư hàng đầu hòng đánh bại Philippines tại tòa nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng những luật sư chuyên về tranh chấp trên biển tốt nhất đã được đối thủ thuê.
Từ khi Manila đâm đơn kiện Bắc Kinh hồi năm 2013, hàng loạt cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra ở Trung Quốc. Nhiều người nghi ngờ cách mà chính quyền nước này xử lý vụ việc, phàn nàn rằng chính trị dường như được coi trọng hơn khía cạnh pháp lý quốc tế.
Theo họ, Trung Quốc không nên vắng mặt tại tòa để tránh một thất bại đáng xấu hổ. Bằng cách từ chối tham gia vụ kiện, Trung Quốc đã đánh mất quyền lựa chọn trọng tài viên, vốn có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lớn tới phán quyết cuối cùng.
Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, thì lo lắng về những tác dụng phụ nảy sinh từ động thái tìm kiếm đồng minh của Trung Quốc. Ông hoài nghi về tính hiệu quả của việc lôi kéo đồng minh khi mà nó chủ yếu chỉ hướng tới các quốc gia nhỏ bé và kém phát triển.
James Chieh Hsiung, giáo sư chính trị tại Đại học New York, đánh giá nỗ lực muộn màng của Bắc Kinh trong việc vừa lôi kéo đồng thuận từ quốc tế vừa tìm mọi cách để vô hiệu hóa phán quyết sắp tới của PCA chỉ cho thấy sự thiếu tự tin của nước này.
"Việc Trung Quốc cố gắng níu kéo sự ủng hộ từ các quốc gia khác sẽ chỉ khiến người ta nghi ngờ và đặt câu hỏi vì đâu mà Bắc Kinh nghĩ mình cần làm vậy", ông Hsiung nhận xét. "Thái độ tự hoài nghi bản thân rõ ràng đang khiến những tuyên bố của Trung Quốc suy yếu đi".
Một số học giả cũng kêu gọi chính quyền Trung Quốc từ bỏ lập trường mơ hồ vướng nhiều chỉ trích liên quan đến động thái tuyên bố chủ quyền phi lý đối với các vùng biển tranh chấp. Ông Xu Xiaobing, giáo sư luật tại Đại học Jiao Tong, Thượng Hải, cho rằng thay vì lôi kéo ủng hộ, Trung Quốc nên công bố bằng chứng để củng cố lập luận về cái gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này vẽ nên.
Bên cạnh đó, theo học giả Ling, việc Trung Quốc phản đối vụ kiện còn xô đổ cả những nỗ lực bấy lâu nay của nước này trong việc xây dựng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm.
"Đã đến lúc Trung Quốc cần nghiêm túc tôn trọng luật pháp quốc tế", Ling nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Vũ Hoàng