Mỹ "bắn cảnh cáo” Trung Quốc, hai mẫu hạm rầm rộ thị uy Biển Đông
- 09:23 21-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thông điệp trong cuộc tập trận của hai cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ là không thể nhầm lẫn và là thời điểm được tính toán kỹ lưỡng, một quan chức giấu tên nắm rõ kế hoạch tập trận cho biết, nhật báo Mỹ New Yorrk Times nhận định.
Mỹ đang gửi một thông điệp mạnh mẽ và không thể nhầm lẫn đến Trung Quốc
Trong một động thái mạnh mẽ trước khi Tòa án quốc tế ra phán quyết về yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã phái cùng lực hai cụm tác chiến tàu sân bay tới tập trận ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Hai mẫu hạm John C. Stennis và Ronald Reagan đã hải hành sát cánh với nhau trên biển Philippines trong cuộc tập dượt phòng không và giám sát biển huy động 12.000 thủy binh, 140 máy bay và 6 chiến hạm khác, Hạm đội Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết.
“Chúng tôi phải tận dụng những cơ hội để thực hành các kỹ năng chiến đấu đòi hỏi để giành ưu thế trong các chiến dịch tác chiến hải quân hiện đại”, đô đốc John D. Alexander cho biết.
Cuộc tập trận diễn ra ở phía đông Philippines, tại một khu vực nằm sát Biển Đông, một phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương cho biết. Trung Quốc tìm cách thống trị phía tây Thái Bình Dương như một phần trong chiến lược dài hạn của nước này, các nhà chiến lược Mỹ cho biết.
Thông điệp trong cuộc tập trận của hai cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ là không thể nhầm lẫn và là thời điểm được tính toán kỹ lưỡng, một quan chức giấu tên nắm rõ kế hoạch tập trận cho biết.
Theo New York Times, Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế tại The Hague đang xem xét vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” ngang ngược ở Biển Đông của Trung Quốc năm 2013 và phán quyết của tòa được trông đợi sẽ công bố trong vài tuần tới.
Trung Quốc tự vẽ ra cái gọi là “đường 9 đoạn” bất chấp luật pháp quốc tế và biện bạch một cách nực cười rằng đó là lãnh thổ của nước này từ thời xa xưa và Biển Đông đã trở thành một công cụ để thổi bùng chủ nghĩa dân tộc của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chỉ trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đã ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với các đường băng quân sự tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Trong thông cáo về cuộc tập trận của hai cụm tác chiến tàu sân bay, Hạm đội Thái Bình Dương nêu rõ: “Với tư cách một quốc gia thuộc Thái Bình Dương và một lãnh đạo khu vực Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì an ninh và thịnh vượng, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thương mại theo luật pháp không bị cản trở và tôn trọng triệt để tự do hàng hải và hàng không trên phạm vi khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương”.
Hồi đầu tuần, tàu sân bay Stennis cũng đã tiến hành tập trận chung với hải quân Nhật Bản và Ấn Độ ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Trung Quốc đã điều tàu do thám bám sát cuộc tập trận hải quân giữa ba nước Mỹ-Ấn-Nhật. Sau đó, mẫu hạm Stennis đã gặp tàu sân bay Reagan, hiện đóng trú thường xuyên tại căn cứ ở Nhật Bản.
Hồi đầu tháng 6 này, thượng nghị sĩ quyền lực John McCain, chủ tịch ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ đã báo trước cuộc diễn tập của hai tàu sân bay trong bài diễn văn tại Singapore, nói rằng đó là một phần trong sự cảnh giác ngày càng tăng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Mỹ sẽ sớm có hai tàu sân bay hoạt động cùng nhau trên Thái Bình Dương, đó là một thông điệp mạnh mẽ về cam kết bền chặt của Mỹ đối với an ninh khu vực”, ông McCaine nói.
Cũng trong tuần này, Mỹ đã điều động 4 máy bay tác chiến điện tử Growlers cùng với 120 nhân viên quân sự tới căn cứ không quân Clark tại Philippines. Trong một cuộc họp báo mới đây do tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng Global Times tổ chức tại Bắc Kinh, một số nhà phân tích đã cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực tây Thái Bình Dương.
“Phía Trung Quốc cương quyết tăng cường sức mạnh của mình còn Obama cương quyết bảo vệ vị thế của Mỹ”, ông Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân Bắc Kinh nói. Cả quân đội Mỹ và Trung Quốc cần thận trọng ở Biển Đông. Bất cứ một sự hiểu lầm nào cũng có thể dẫn tới một thảm họa giữa hai nước”, Teng Jianqun, vụ trưởng vụ nghiên cứu Mỹ thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc cảnh báo.
Máy bay trên mẫu hạm Stennis
Theo AP, tàu chiến và chiến đấu cơ của Mỹ ngang dọc vùng Biển Đông và biển Nhật Bản đã trở thành “chuyện bình thường mới” trong mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương bất chấp mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc và Nga.
Việc Bắc Kinh cho xây dựng và phát triển các hòn đảo tại Biển Đông đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ trong khu vực, bao gồm cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Hầu hết các nước đều lo ngại rằng Bắc Kinh, với các công trình xây dựng sân bay và đặt các hệ thống vũ khí trên các hòn đảo nhân tạo, sẽ sử dụng các cơ sở này để mở rộng phạm vi hoạt động quân sự và có thể để hạn chế hoạt động hàng hải trong khu vực.
Ba lần trong vòng 7 tháng qua, chiến hạm của Mỹ đã cố tình tiến sát vào một trong những hòn đảo nhân tạo trên để thực thi quyền tự do hàng hải và thách thức những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Đáp lại, Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ và chiến hạm để theo dõi và cảnh báo các tàu của Mỹ, đồng thời cáo buộc hành động của Mỹ là khiêu khích.
Chỉ trong năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã 2 lần đến thăm tàu sân bay của Mỹ ở Biển Đông trước sự có mặt của phóng viên. Hành động này nhằm truyền tải thông điệp rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ về các quyền hàng hải. Ông còn quay lại khu vực để dự diễn đàn an ninh Shangri-La tại Singapore.
Trong buổi lễ tốt nghiệp của Học viện Hải quân Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ: “Trung Quốc đã thực hiện một số hành động bành trướng chưa từng có tại vùng Biển Đông, tăng cường đòi hỏi chủ quyền quá đáng, trái với luật pháp quốc tế. Hậu quả là các hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến việc nước này tự xây dựng một bức trường thành cô lập”. Các nước trong khu vực, từ đồng minh, đối tác và các nước trung lập, đang bày tỏ mối quan ngại ở cấp độ cao, dù là công khai hay chỉ riêng giữa hai nước.
Washington khẳng định sứ mệnh của mình là bảo vệ quyền của Mỹ cũng như của các nước khác được qua lại những khu vực tự do, đồng thời ngăn chặn bất kỳ nỗ lực của quốc gia nào trong việc mở rộng ranh giới hoặc chủ quyền lãnh thổ một cách bất hợp pháp.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, đô đốc John Richardson phát biểu Mỹ đang thiết lập “một mức hoạt động bình thường mới hoặc tương tác” với chiến lược “quay lại cạnh tranh quyền lực” của Nga và Trung Quốc. Ông cũng cho biết hàng năm, các hoạt động tự do hàng hải vẫn được Mỹ tiến hành vài trăm lần trong sân sau của bạn bè và kẻ thù: “Chúng tôi vẫn làm việc này để phản đối những yêu sách quá đáng”, ông Richardson tuyên bố.
Tác giả bài viết: Thục Ninh