Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ông Trương Đình Tuyển:"Lãi suất huy động đang tăng tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh"

Tại một hội thảo kinh tế chiều qua (19/6) tại Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói: Lãi suất huy động đang tăng sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển:"Kinh tế 2016 vừa có lực đẩy và lực cản lớn"


69% lý do doanh nghiệp phá sản là do năng lực người đứng đầu

Phát biểu tại Hội thảo "Kinh tế 2016 – 2017, tự chủ vượt thử thách và đón đầu xu thế dịch chuyển kinh doanh" diễn ra chiều qua (19/6), ông Nguyễn Tất Thịnh, Hiệu trưởng Trường đào tạo doanh nhân PTI nhận định, năm 2017 sẽ là giai đoạn thử thách với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, tồn tại hay không tồn tại. Điều này phụ thuộc vào người đứng đầu.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý rằng, hiện có tình trạng, người Việt không mua hàng Việt, không ưu tiên sản phẩm, thương hiệu Việt mà lại mua hàng nước ngoài với giá cao, hoặc mua hàng Trung Quốc với mức giá cực rẻ. Đây là một thách thức không hề nhỏ với những DN trong nước.

Ở góc nhìn của mình, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, với áp lực hội nhập, cạnh tranh trong nền kinh tế sẽ diễn ra quyết liệt trên cả 3 cấp độ: cạnh tranh về sản phẩm, DN và cạnh tranh về chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh giữa các nước, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Trong đó, thách thức về chất lượng nguồn nhân lực (bao gồm cả nhân lực quản lý nhà nước, quản trị DN, chuyên gia và công nhân kỹ thuật, chuyên gia pháp lý…) từ trình độ chuyên môn, phong cách làm việc cho đến ngoại ngữ), thác thức về năng lực thực thi sẽ khiến một bộ phận người lao động mất việc, gây sức ép về mặt xã hội.

"Đặc biệt, khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương. Nếu sản phẩm không cạnh tranh được và nếu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì dù thuế suất nhập khẩu được đưa về 0%, sản phẩm Việt cũng không xâm nhập được vào thị trường các nước có FTA với Việt Nam. Trong khi đó, sản phẩm của nước ngoài lại dễ dàng thâm nhập thị trường Việt", ông Tuyển nói.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Triệu Văn Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PTI nhận xét, AEC hình thành vào cuối năm 2015 thì thời gian vừa qua đã chứng kiến hàng loạt thương vụ thâu tóm trong thị trường bán lẻ ra như Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại BigC, hay TCC mua lại Metro Việt Nam…

Ông Dương lo ngại, tới đây, hàng loạt DN Thái Lan, Indonesia sẽ ngày càng xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Họ sử dụng công nghệ, sản phẩm của họ nhưng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, dùng chính Việt Nam là nơi sản xuất để xuất khẩu các nhãn hàng của họ đi khắp thế giới.

“Sự dịch chuyển này không chỉ đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…. mà đến từ ngay trong ASEAN. Đến một ngày nào đó chúng ta sẽ sử dụng nguồn nhân lực trong cộng đồng ASEAN…. thậm chí, osin cũng có thể là người Lào”, ông Dương phân tích.

Chủ tịch PTI đánh giá: “Sự dịch chuyển nền kinh tế thế giới đang diễn ra hàng ngày, trong từng sản phẩm mà hầu như chúng ta không hiểu vì sao DN của mình lại khó khăn, phá sản. Nhiều người đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế, tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn… nhưng trên thực tế, 69% lý do DN phá sản là do năng lực người đứng đầu, người quản trị”.

 

Nhiều vụ thâu tóm đình đám đã diễn ra trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam


"Tốc độ quan trọng hơn quy mô, tư duy mạnh hơn kinh nghiệm"

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng lưu ý rằng, “cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó không biến thành sức mạnh trên thị trường mà phải thông qua chủ thể của nền kinh tế”.

Trước hàng nghìn doanh nhân tham gia hội thảo, ông Tuyển nói:"Nếu tận dụng tốt cơ hội, sẽ đẩy lùi được thách thức, tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Tương tự, thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng tác động đến đâu còn tuỳ thuộc vào khả năng phản ứng của chủ thể".

“Năm 2016 vừa có lực đẩy lại vừa có lực cản đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Từ năm 2017, lực đẩy sẽ mạnh hơn còn lực cản sẽ phụ thuộc vào nỗ lực giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế, nhất là thực hiện tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, ông Tuyển nhìn nhận.

Ông cũng tỏ ra lo ngại, khi lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các tổ chức tín dụng và ở tất cả các kỳ hạn, rất khó giữ mặt bằng lãi suất cho vay như năm 2015. “Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ”, ông Tuyển nhận xét.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Tuyển cho rằng, DN cần nghiên cứu kỹ các FTA thế hệ mới, trong đó TPP và Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tập trung vào các cam kết của Việt Nam và các đối tác thuộc lĩnh vực kinh doanh của DN.

“Cần nhận thức rằng, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, chiến lược tăng trưởng của DN về bản chất là chiến lược nâng cao sức cạnh tranh. Từ đó, lựa chọn phương thức cạnh tranh: Cạnh tranh trong thị trường đã có đối thủ cạnh tranh hoặc trong thị trường chưa có đối thủ cạnh tranh”, vị chuyên gia đưa ra khuyến nghị.

Ngoài ra, DN cũng cần tập trung nâng cao năng lực đổi mới và sáng tạo, trên cơ sở ứng dụng và phát triển công nghệ để tăng năng suất lao động. Do đó, DN cần tái cấu trúc một cách tổng thể với một chương trình được mô tả chi tiết để dễ dàng đo lường, quản lý.

Nhắc lại quan điểm của mình đã nêu cách đây 20 năm và tới giờ vẫn còn giữ nguyên giá trị, ông Tuyển nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, quy mô không phải quan trọng, tốc độ quan trọng hơn quy mô. Tư duy mạnh hơn kinh nghiệm, tư duy ở đây là sự kết hợp giữa tư duy logic và trừu tượng.

“Nhà quản trị DN phải có tầm nhìn toàn cầu, nhưng hành động địa phương. Phải có tầm nhìn thời đại, nhưng bước đi phải xuất phát từ thực tiễn, không thể ảo tưởng. Tính bất định và độ rủi ro tăng lên nên khả năng phản ứng linh hoạt với chính sách và quản trị DN là yêu cầu với bất kỳ một nhà lãnh đạo DN nào”, ông Trương Đình Tuyển nói.

Tác giả bài viết: Bích Diệp