Tấn bi hài kịch trong 'sáng kiến kinh nghiệm' của nghề giáo
- 07:35 19-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng năm, đến hẹn lại lên, nhiều giáo viên “than trời” về việc họ phải có “sáng kiến kinh nghiệm” (SKKN) trong dạy học. SKKN như một tấn bi hài kịch để đảm bảo điều kiện thi GV dạy giỏi hay để xét chiến sĩ thi đua.
Sáng kiến kinh nghiệm trong nhà trường để làm gì khi toàn sao chép, cũ mòn và trở thành gánh nặng của giáo viên?
Sáng kiến kiểu: “Em quay đít xe, phóng thẳng...”
Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của người giáo viên nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng trong việc giảng dạy, quản lý. Nhưng chỉ ở mặt lý thuyết, còn thực tế việc giáo viên (GV) viết SKKN như một tấn bi hài kịch để đảm bảo điều kiện thi GV dạy giỏi hay để xét chiến sĩ thi đua.
Nhiều GV viết SKKN chỉ để đối phó vì nhiều lý do như bí đề tài, không có thời gian đầu tư, có sáng kiến nhưng hạn chế khả năng viết. Và đặc biệt hơn ai hết, họ hiểu rõ việc viết SKKN thực chất là cần thiết nhưng lại chỉ là hình thức.
TS Hoàng Ngọc Hùng - ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, mỗi năm chúng ta có hàng ngàn SKKN của GV “trùm mền” nhờ các chiêu như “xào”, “nêm” lại của người khác; biến tấu từ các sáng kiến cũ của mình...
Hài kịch nằm ở chỗ: Sáng kiến mang tính hình thức, cóp của người khác còn phần nào hiểu được nhưng đến kinh nghiệm cũng cop của người khác thì hết nói. Chưa kể, việc đánh giá SKKN cần có hội đồng khoa học.
Trong khi GV lao đầu vào viết SKKN nhưng nhiều trường lại chưa có hội đồng này. Có những trường có hội đồng khoa học lại không đáp ứng được vì những người đánh giá trái ngành, trái chuyên môn. Ở cao hơn là cấp phòng, cấp sở cũng không tránh được tình trạng đó.
Một thầy giáo cho biết: “Có những trường có một hiệu trưởng và một hiệu phó, nhưng khi thành lập Hội đồng chấm SKKN thì tự phân công ông hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng, ông hiệu phó làm Phó Chủ tịch Hội đồng và bắt thêm ông kế toán làm Thư kí Hội đồng…
Hỡi ôi! Các vị học môn Sử, Địa… thì làm sao chấm được Tiếng Anh, Toán, Lí, Hóa… làm sao biết được các quy tắc, các thì, các định luật, định nghĩa chuyên ngành…”.
Thêm vào đó, tháng 9 năm 2015, Nghị định 56 của Chính phủ được ban hành. Nghị định này được áp dụng cho toàn bộ cán bộ công nhân viên chức, trong Nghị định này đã nêu rõ là mỗi người trong năm phải có một đề tài, đề án, một sáng kiến được áp dụng có hiệu quả… mới được xét công chức từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Nếu không có thì xếp không hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, mà trong trường học không chỉ giáo viên viết SKKN mà bảo vệ, văn thư, kế toán, y tế học đường… cũng đều viết SKKN trong khi nhiều người viết câu, chữ chưa rành.
Nhiều cuộc họp được giao viết biên bản mà không dám viết, có người viết mà loay hoay mãi không xong, không đúng với trình tự của một văn bản hành chính công vụ (đây loại văn bản này dễ viết nhất) thì làm sao có thể thực hiện một SKKN với hàng chục trang giấy và vô vàn những đề mục bắt buộc của một văn bản khoa học.
Thế nên, không chỉ ở bậc phổ thông mà ngay cả khối đại học cũng có những sáng kiến “ cười đau ruột”. Tại một học viện khối kinh tế, một anh trong tổ lái xe viết sáng kiến thật như bịa thế này: “ Trước đây, khi cho xe vào chuồng, em đâm thẳng đầu vào. Giờ em có sáng kiến, khi cất xe, em quay đít xe vào. Lúc lấy xe, em chỉ việc phóng vù đi”.
Còn tổ văn phòng thì viết SKKN về việc không phải dùng USB để cóp tài liệu văn bản nữa, mà có thể gửi thẳng email, vừa tiện lợi, vừa đỡ vi rút...
Thế là phải... “ chém gió” thôi
Thời gian gần đây, đã có nhiều thày cô gửi thư tới tân Bộ trưởng về vấn đề này: “Giáo viên chúng tôi hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực, thưa Bộ trưởng. Và một trong những áp lực đó là việc yêu cầu giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm. Mới đầu năm học, chúng tôi còn chưa biết học sinh giỏi, dở ra sao, sức học như thế nào thì đã phải đăng ký đề tài sáng kiến kinh nghiệm (đến cuối học kỳ 1 mới phải nộp báo cáo).
Thế nên phải nghĩ đại ra một đề tài gì đó cho xong. Có năm tôi cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, cuối học kỳ 1 tôi xin đổi đề tài SKKN cho phù hợp với đối tượng học sinh mình đang dạy. Nhưng không được duyệt. Thế là phải “chém gió” thôi ”.
Một hiệu trưởng của trường THCS ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: “Bản thân tôi cũng cảm thấy có nhiều bất cập, cũng biết có nhiều giáo viên chép tài liệu trên mạng, thậm chí ra tiệm photocopy thuê người ta làm để có sáng kiến nộp nhưng tôi cũng cố lơ đi, không gây thêm áp lực cho thầy cô. Từ người viết đã không viết những vấn đề của thực tế, đến người chấm cũng không có thời gian thẩm định một cách nghiêm túc nên SKKN viết ra rồi nhét vào tủ chứ không thể nhân rộng là vì vậy”.
Đánh giá về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, “sáng kiến kinh nghiệm” của giáo viên thực sự vô bổ, còn thi “giáo viên dạy giỏi” thì dạy học sinh nói dối. Tuy nhiên, những hình thức trớ trêu này lại là tiêu chí để đánh giá một giáo viên giỏi. Bởi, quy trình đánh giá giáo viên hiện nay trước hết dựa trên số học sinh giỏi, khá trong lớp; sau đó là bài giảng trong tiết giảng mẫu, hay còn gọi là thi giáo viên dạy giỏi; cuối cùng là các sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên.
Và việc sử dụng SKKN, bởi người ta nghĩ rằng một giáo viên tâm huyết với nghề sẽ có rất nhiều kinh nghiệm và sáng kiến, nên cần chia sẻ cho đồng nghiệp. Tuy nhiên, sự việc xảy ra không đúng như vậy. Bởi để cho số lượng học sinh giỏi, khá của lớp cao, giáo viên đã có rất nhiều chiêu trò, chính xác là nói dối. Đây là sự thật và hậu quả chúng ta phải chịu đựng suốt bao nhiêu năm trời.
Thế nên, theo TS Thu Hương, để chống bệnh thành tích, lãnh đạo ngành giáo dục nên “vi hành” kiểm tra đột xuất, không phải cái gì cũng báo trước. Điều này mới làm giáo viên “sợ”. Tuy nhiên, không nhất thiết tuần nào cũng xuống như thế mà đột xuất một ngày nào đó. Cho nên giáo viên và nhà trường phải cẩn thận vì không biết ngày nào lãnh đạo xuống. Điều này không quá vất vả và người phụ trách hoàn toàn tùy hứng, sau đó báo cáo kết quả lên.
Giáo viên là người dạy trẻ hay để nghĩ ra sáng kiến? “Ngày nào, tháng nào, năm nào cũng phải có SKKN thì đến một lúc nào đó giáo viên sẽ cạn và sáng kiến sẽ lặp đi lặp lại. Với người này là mới, nhưng người khác là cũ. Nhưng đã là “sáng kiến” thì phải mới, do đó giáo viên không còn cách nào khác là phải đi copy. Phần lớn SKKN không được sử dụng. Như vậy, việc đó thực sự vô ích, gây áp lực cho giáo viên. Giáo viên là người được giao trọng trách dạy trẻ chứ không phải để nghĩ ra SKKN. Nhưng nếu không có SKKN, giáo viên lại không được công nhận dạy giỏi, xét thi đua… Nên vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn” - TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội bức xúc phát biểu. |
Tác giả bài viết: Uyên Na