Bộ Giáo dục giải thích tại sao VN nhiều đại học, ít bằng sáng chế
- 16:16 16-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng ngày 16/6, trả lời phỏng vấn tại Hội nghị Đối thoại Giáo dục Toàn cầu đang diễn ra tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết các trường đại học Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong nghiên cứu nhưng vẫn chưa đủ để có những phát minh, sáng chế đăng ký quốc tế.
Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hay kỹ năng nghề nghiệp: Hợp tác trường đại học và doanh nghiệp hướng tới kinh tế phát triển bền vững”, Hội nghị Đối thoại Giáo dục Toàn cầu diễn ra trong hai ngày 16 và 17/6 tại TP.HCM.
Gần 130 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học, cùng các nhà nghiên cứu và học giả đến từ Vương quốc Anh, Việt Nam và các nước ASEAN đã thảo luận những phương thức đổi mới để thúc đẩy hợp tác giữa trường Đại học và Doanh nghiệp hiệu quả hơn trong cả việc tạo ra những cử nhân có trình độ lẫn thúc đẩy sáng tạo.
Gần 130 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học, cùng các nhà nghiên cứu và học giả đến từ Vương quốc Anh, Việt Nam và các nước ASEAN đã thảo luận những phương thức đổi mới để thúc đẩy hợp tác giữa trường Đại học và Doanh nghiệp hiệu quả hơn trong cả việc tạo ra những cử nhân có trình độ lẫn thúc đẩy sáng tạo.
Quang cảnh Hội nghị Đối thoại Giáo dục Toàn cầu
Trước việc Việt Nam có 6.3% những người trong độ tuổi 15 đến 25 đang thất nghiệp, 1 trong 5 người thất nghiệp ở Việt Nam có bằng đại học hoặc thạc sỹ trong khi 62% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng (theo số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra) Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever bình luận “Thách thức này cần cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn, để đẩy mạnh hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp, hướng tới việc xây dựng một lực lượng lao động có năng lực và kỹ năng”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng nhận xét rằng “Doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào quá trình đào tạo nhân lực nên kiến thức của sinh viên trong nhà trường thường cách xa thực tiễn. Nhà trường đôi khi vẫn cần trả tiền cho doanh nghiệp để sinh viên thực tập thay vì doanh nghiệp trả tiền cho sinh viên như ở nước ngoài”. Ông Ga hy vọng quan niệm đó sẽ được thay đổi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Tại hội nghị, trả lời phỏng vấn về việc Việt Nam có 450 đại học và cao đẳng nhưng ít bằng sáng chế và thành tựu khoa học, ông Ga cho rằng: “Muốn có những phát minh, sáng chế đăng ký quốc tế, chúng ta cần phải có nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Hiện nay, đầu tư cho nghiên cứu khoa học cho các trường đại học rất hạn chế. Trong những năm vừa qua, nhờ sự hỗ trợ của nhiều nguồn, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong nghiên cứu nhưng vẫn chưa đủ để chúng ta thực hiện những công trình nghiên cứu lớn.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu trong các trường đại học, xem nó là công tác bắt buộc với tất cả giảng viên. Chỉ có như vậy chúng ta mới hy vọng có thể có nhiều hơn các phát minh hay sáng chế bởi phần lớn các công trình sáng tạo trên thế giới đều xuất phát từ các trường đại học”.
Tác giả bài viết: Ngân Anh