Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phụ nữ khi có gia đình nên biết "nép sau lưng chồng"

Khi có gia đình rồi thì người phụ nữ nên “nép sau lưng” người đàn ông của mình một chút. Cái “nép vào” đó, chẳng những không làm họ mất mát gì mà trái lại, còn được rất nhiều.
Liên quê ở Bình Định, tốt nghiệp ĐH Sư phạm, đi làm bốn năm thì lập gia đình, chuyển vào TP.HCM sống, đang làm việc tại một trường cấp III ở Bình Chánh. Chỉ cách nhau hai căn nhà, qua lại cũng thân thiết nên tôi biết rõ về gia đình Liên. Chồng Liên - Sang, là kỹ sư xây dựng, công ty đóng ở Bình Dương, hiền lành, chỉ có điều không hề “mó tay” vào việc nhà. Nhà ở Gò Vấp nhưng đi dạy tận Bình Chánh nên nhiều buổi trưa, quá 12 giờ, Liên mới về đến nhà; rất mệt vì đường xa, nắng nôi.

Ăn qua loa gói mì hay cơm nấu cho chồng hồi khuya còn lại, xong là Liên dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng… Liên làm tất bật không nghỉ, thoắt cái đã thấy đến giờ đi đón hai con (đó là chưa kể những hôm buổi chiều có giờ dạy Liên càng phải vội vã hơn vì đến hơn 17 giờ mới có mặt ở nhà, con phải nhờ hàng xóm đón). Tắm rửa cho con xong, Liên vừa chấm bài, vừa dạy đứa lớn học, trông đứa nhỏ chơi ngoài sân. Có khi ngẩng lên không thấy con đâu, Liên phải buông bút chạy tìm, sợ con ra ngoài đường nguy hiểm.

 
nep sau lung chong 151015169
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khoảng 7, 8 giờ tối, Sang về nhà cửa đã tươm tất, con cái sạch sẽ, cơm nước sẵn sàng. Chủ nhật là ngày Liên đi chợ mua thức ăn cho cả tuần. Sang ngoài giờ đi làm, chỉ đọc báo, xem ti vi, chăm sóc mấy lồng chim kiểng hoặc uống trà với hàng xóm. Hàng ngày, 4 giờ sáng Liên đã phải dậy nấu cơm, sau đó đánh thức hai con, lo cho các con vệ sinh, chuẩn bị các thứ để đưa đi học, rồi mới tất bật tới trường cho kịp giờ, trong lúc Sang vẫn còn yên vị trên giường. Vậy mà chưa bao giờ nghe Liên cằn nhằn sao chồng không dậy phụ mình một tay…

Với Liên, tất cả những việc ấy là bình thường như nó vốn như thế. Khi tôi hỏi: “Vợ chồng không lúc nào giận nhau sao?”. Liên cười cười: “Thấy anh ấy có vẻ bực là con tránh chỗ khác, cô à”. Có lẽ nhờ vậy mà hai vợ chồng về đây ở hơn 10 năm nhưng trong nhà không hề có tiếng cãi nhau; với lối xóm cũng chẳng mích lòng ai. Cha mẹ Liên là nông dân mà nuôi dạy được một cô con gái như thế là quá tuyệt vời.

Phương (chị em bạn dâu với con gái tôi), làm kế toán cho một công ty chế biến thức ăn gia súc, đi làm ở quận 10 nhưng nhà tận Hóc Môn, nên ngày nào cũng phải 6 giờ tối mới về đến nhà. Vì thế, Phương phải thuê người đón con mỗi tháng hết 600.000đ; sau đó đứa lớn (lớp 2) trông chừng đứa nhỏ (lớp lá) chờ mẹ về tắm rửa, cho ăn. Gần hai tiếng đồng hồ không có người lớn, hai đứa trẻ phải tự lo cho nhau trong buổi chiều chập choạng. Lúc trước Phương nuôi gà, đêm đến rắn từ khu vườn bên cạnh bò vào chuồng bắt gà, sợ rắn cắn con, Phương không dám nuôi nữa.

Chồng Phương làm kế toán cho một công ty gỗ, mỗi tháng đưa vợ vài triệu, nhưng có khi còn “mượn lại” và không biết công việc thế nào mà tận 8, 9 giờ tối mới về đến nhà. Vậy mà khi con tôi khuyên: “Phương hiền quá như vậy là không được, phải có ý kiến với chồng để thay đổi thôi”, Phương chỉ cười: “Kệ anh ấy muốn làm gì thì làm, nói ra mắc công gây lộn”. Phương hiền lại ít nói, nên trong nhà luôn êm thắm. Con Phương đã tám tuổi mà hai vợ chồng chưa một lần cãi nhau.

Hòa - cũng là bạn thân của con tôi, cha mẹ làm nghề nông nuôi bốn chị em Hòa ăn học. Hòa tốt nghiệp ĐH Kinh tế, làm ở một siêu thị lớn tại quận 1, lương cao, hoàn toàn đủ điều kiện để ăn xài chưng diện cho bõ những ngày khó khăn nhưng Hòa không như vậy, vẫn quần tây áo thun đơn giản. Ai nhìn cũng sẽ nghĩ đó là một cô công nhân chớ không phải kế toán trưởng của một công ty lớn. Hết giờ làm, Hòa về nhà với con, dạy con học, làm thêm ngoài giờ. Nhờ chi xài hợp lý, tính toán giỏi, hiện cô đã có ba căn nhà ở thành phố, cuộc sống đầy đủ.

Ba người em của Hòa cũng đều có nhà cửa, có của ăn của để, nhờ bàn tay dẫn dắt, hỗ trợ của Hòa. Hòa còn làm từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật. Mặc cho ai kêu gọi bình đẳng nam nữ, cô có cách chứng tỏ riêng: lẳng lặng làm tốt công việc của mình. Cách sống có ích cho mình và cho những người xung quanh đó của Hòa, một cô gái bề ngoài có vẻ mộc mạc, hiền lành - bao nhiêu đấng nam nhi có thể làm được? Chồng Hòa là một nhà báo có tiếng, đẹp trai, có điều kiện để “cô này cô nọ”, nhưng gia đình Hòa rất đầm ấm. Con lớn của Hòa đã học cấp III mà hai vợ chồng vẫn “tương kính như tân”.

Thực tế đã cho thấy, nhiều quý bà có địa vị xã hội, đảm trách những vị trí quan trọng ở nơi làm việc nhưng về nhà vẫn là người vợ đảm, mẹ hiền, vẫn đổ mồ hôi tự tay lo bữa cơm cho chồng cho con, chăm sóc nhà cửa. Đó là thiên chức của phụ nữ, mà dù có kêu gọi bình đẳng giới thế nào thì tôi chắc chắn, trong xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều người như Liên, như Hòa, như Phương. Đó là tính cách của người phụ nữ Việt Nam, bao đời nay vẫn vậy.

Có chăng là bây giờ đời sống đã khá lên, phụ nữ có điều kiện nhờ người giúp việc để đỡ vất vả, có thể ra ngoài giải trí cho thong thả một chút. Vai trò của mỗi người không giống nhau, đàn ông không thể là đàn bà và ngược lại. Đành rằng ai cũng phải ra ngoài xã hội kiếm tiền, nhưng đồng thời người vợ phải gánh thêm việc nhà và chăm sóc con cái thì cũng là những gì tốt nhất họ làm cho gia đình, vì tình thương yêu.

Tôi nghĩ, khi có gia đình rồi thì người phụ nữ nên “nép sau lưng” người đàn ông của mình một chút. Cái “nép vào” đó, chẳng những không làm họ mất mát gì mà trái lại, còn được rất nhiều. Đó là sự yên ấm, tình yêu, hạnh phúc, là sự quý trọng của gia đình, con cái và mọi người xung quanh - những điều ai cũng muốn đạt được trong cuộc sống. Đương nhiên, nếu người chồng không chỉ ghi nhận công sức của vợ mà còn chung tay góp sức thì gia đình sẽ càng đầm ấm, hạnh phúc hơn! Phải không quý ông?

Tác giả bài viết: Kim Oanh