Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phí xuất khẩu lao động: Nhiều doanh nghiệp thu gấp đôi quy định

Nhiều thực tập sinh (TTS) Nhật Bản phản ánh với báo Phụ Nữ, họ đã phải đóng mức phí quá cao so với quy định. Không ít trường hợp đã nộp nhiều khoản phí nhưng không được ra nước ngoài làm việc.

Mới đây, bộ LĐ-TB-XH đã có công văn quy định về mức phí, hình thức thu phí, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) không thực hiện.

Từ tháng 4/2016, Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn 1123 yêu cầu các DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản phải tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động và đào tạo TTS. Công văn quy định, các khoản phí DN thu từ TTS không quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200USD/ người/hợp đồng một năm. DN chỉ được thu các khoản phí sau khi TTS đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và DN đã ký hợp đồng đưa TTS sang thực tập tại Nhật. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với TTS. Về học phí đào tạo tiếng Nhật, không quá 5,9 triệu đồng/ khóa, tương ứng với khoảng 520 tiết học. Quy định là vậy nhưng các DN thực hiện ra sao?

 

Nhân viên CT N.H.K. đang tư vấn cho PV báo Phụ Nữ


Trong vai người lao động (NLĐ) có nhu cầu đi Nhật, chúng tôi đến chi nhánh Công ty (CT) nhân lực quốc tế N.B (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) xin tư vấn. Tiếp chúng tôi là nữ nhân viên tên H.Y. Khi biết người bạn gái đi cùng tôi muốn làm ngành cơm hộp ở Nhật, Y. đon đả: “Đơn hàng này đi theo dạng TTS, lương mỗi tháng 25-29 triệu đồng, làm việc 40 giờ/tuần, nếu tăng ca sẽ có thu nhập cao hơn. Học phí đào tạo tiếng Nhật ba triệu đồng/ba tháng, nếu ở ký túc xá của công ty thì chị phải đóng thêm 1,5 triệu đồng. Ngoài số tiền này, học viên (HV) phải đặt cọc 10 triệu đồng (gọi là tiền để xếp vào đơn hàng).

Chi phí đi từ 6.500 -7.000USD”. “Nếu đăng ký thì bao lâu NLĐ sẽ được phỏng vấn?” chúng tôi hỏi. Y. trả lời: “Có HV học một tháng đã được phỏng vấn, đậu ngay, phía Nhật phỏng vấn rất đơn giản, chỉ cần giới thiệu bản thân với thông tin đơn giản là sẽ được nhận”. Thep H.Y., sau khi phỏng vấn đạt, NLĐ sẽ đóng 50% phí đơn hàng (khoảng 3.500 USD), và được làm hợp đồng tạm thời. Hợp đồng này gửi sang Nhật để làm hợp đồng chính thức. NLĐ có thể mang hợp đồng về địa phương vay 40-50 triệu đồ ng, nếu muốn vay nhiều hơn thì cần có tài sản thế chấp. Thời gian này cũng là thời gian HV học tiếng Nhật trong vòng 4-6 tháng. 50% số tiền còn lại, NLĐ đóng lúc CT thông báo đã có visa, sổ chấp nhận lưu trú tại Nhật, thường là trước 10 ngày khi HV đã hoàn thành tất cả hồ sơ, thủ tục để sang Nhật.

Tại CT TNHH N.H.K (Q.10), chúng tôi được một nhân viên tên R.M. tư vấn đơn hàng TTS may mặc và thực phẩm sang Nhật, thời gian ba năm. Hai đơn hàng này không cần kinh nghiệm, lương 26 triệu đồng/tháng. M. cho biết, học phí tiếng Nhật sá u tháng, CT thu 10 triệu đồng. Sau khi học tiếng Nhật khoảng 2-3 tháng, NLĐ có thể giao tiếp cơ bản thì xếp lịch phỏng vấn.

“Tổng chi phí bên em là 4.500 USD, nếu đậu phỏng vấn, NLĐ chỉ cần đóng 20 triệu đồng thôi. Sau khi đóng tiền, HV sẽ ký với bên Nhật thỏa thuận về mức lương, công việc, thời gian cụ thể phải làm, các điều kiện ăn ở… Số tiền còn lại, NLĐ phải đóng khi được ký hợp đồng chính thức, thường là khoảng hai tuần trước khi bay”, M. khẳng định. Khi chúng tôi hỏi, vì sao quy định chỉ thu 3.600USD, nơi đây lại thu 4.500USD, R.M. cho biết: “900USD là phí dịch vụ visa và phí làm thủ tục tư cách lưu trú”. Vậy 3.600USD là phí gì? R.M. nói: “Không thể trả lời được”.

Rõ ràng, các DN trên đã thu tiền trước của NLĐ, lại còn thu gấp đôi so với quy định. “DN Nhật khi phỏng vấn tuyển dụng cực kỳ kỹ lưỡng. Họ kiểm tra nhiều tiêu chuẩn như tay nghề, tiếng Nhật, độ tuổi, ngoại hình, trình độ, kỹ năng… Thực tế cho thấy, sáu học viên chỉ chọn được một, nên NLĐ cần thận trọng, tránh mất tiền oan”, đại diện một doanh nghiệp XKLĐ cảnh báo. Theo một cán bộ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, NLĐ cần tìm đến những DN có uy tín nhằm tránh bị thu sai quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi. “Sở sẽ báo cáo và phối hợp cùng Cục Quản lý lao động ngoài nước để thanh kiểm tra các đơn vị, kịp thời xử lý”, vị này nói.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ về thực trạng trên, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) Tống Hải Nam cho rằng: việc DN thu tiền học hàng chục triệu đồng, NLĐ cần hỏi rõ học những gì, vì sao phải “đặt cọc”. Bộ đã có quy định chi tiết, cụ thể. DN chỉ được thu các khoản phí sau khi TTS đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và DN đã ký hợp đồng đưa TTS sang thực tập tại Nhật. “Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin báo Phụ Nữ cung cấp và xử lý nghiêm các DN cố tình vi phạm quy định”, ông Tống Hải Nam nói.

Tác giả bài viết: Quỳnh Mai - Hoài An