Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trẻ em ngủ như thế nào thì tốt

Người lớn nên ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày, trẻ 1-2 tuổi cần đến 11-14 tiếng còn lứa tuổi 13-18 tuổi được khuyên nghỉ ngơi 8-10 tiếng.
 Trẻ thiếu ngủ có nguy cơ mắc hàng loạt vấn đề về tinh thần và thể chất, thậm chí một số bệnh nghiêm trọng. Theo CBS News, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đã công bố hướng dẫn mới về giấc ngủ của trẻ em, được thực hiện bởi 13 chuyên gia y tế.

Cụ thể:

Trẻ 4-12 tháng: Ngủ 12-16 tiếng mỗi ngày (bao gồm ngủ trưa).

Trẻ 1-2 tuổi: Ngủ 11-14 tiếng mỗi ngày (bao gồm ngủ trưa).

Trẻ 3-5 tuổi: Ngủ 10-13 tiếng mỗi ngày (bao gồm ngủ trưa).

Trẻ 6-12 tuổi: Ngủ 9-12 tiếng mỗi ngày.

Trẻ 13-18 tuổi: Nngủ 8-10 tiếng mỗi ngày.

Người lớn từ 18 tuổi trở lên: Ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày.

Không có khuyến nghị cho trẻ dưới 4 tháng tuổi bởi thời gian nghỉ ngơi của các bé trong giai đoạn này rất đa dạng và chưa có đủ nghiên cứu để kết luận.

 
sleepbaby 3987 1465873984
Ảnh: eattoperform.com.

Tiến sĩ Lee Brooks từ Bệnh viện Nhi Philadelphia cho biết trẻ em được ngủ đầy đủ sẽ ứng xử, tập trung, học tập, ghi nhớ, điều hòa cảm xúc tốt hơn. Ngược lại, thiếu ngủ dẫn đến chấn thương, tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, trầm cảm cùng nhiều vấn đề khác.

Ngày nay giấc ngủ của chúng ta bị ảnh hưởng bởi công nghệ hiện đại. Viện Hàn lâm Y học Giấc ngủ Mỹ khuyến cáo không dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ ít nhất 30 phút và cha mẹ nên bỏ hết tivi, máy tính, điện thoại di động ra khỏi phòng ngủ của trẻ bởi ánh sáng từ màn hình kích thích sự tỉnh táo. Điều này không hề dễ dàng bởi thanh thiếu niên ngày nay đã quá quen với các thiết bị điện tử, song cha mẹ cần tích cực đàm phán với con. "Nếu trẻ cần nghe nhạc trước khi ngủ, hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định bên ngoài phòng ngủ", Brooks gợi ý. Tương tự như vậy với các trò chơi trực tuyến.

Hãy tạo dựng thói quen ngủ lành mạnh cho con bạn ngay từ khi còn nhỏ bằng cách đánh răng, đọc sách cùng trẻ và đi ngủ vào một giờ cố định. Hãy nhớ rằng chỉ khi ngủ, cơ thể cùng tâm trí mới thực hiện được một số chức năng rất quan trọng. "Chúng ta nên bỏ ngay quan niệm ngủ là lười biếng. Đó là điều không thể thiếu và chúng ta cần tôn trọng giấc ngủ", Brooks kết luận.

Tác giả bài viết: Minh Nguyên