Lá đơn chưa ráo mực của cô học trò chết đuối
- 10:32 14-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lá đơn Phạm Thị Hồng Nhung, học sinh Trường THCS Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh) gửi xin hỗ trợ kinh phí học tập còn thơm mùi mực. Em đi ước mơ còn bỏ dở, 3 đứa em côi cút sống với ông ngoại già yếu.
Lá đơn chưa ráo mực
Căn nhà cấp 4 nằm ở rìa đường của mẹ con chị Trần Thị Viên, trú tại xóm 7, xã Hà Linh (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) mấy ngày gần đây nhuốm màu tang thương. Mọi người chưa hết bàng hoàng sau khi tìm thấy thi thể Phạm Thị Hồng Nhung, sinh năm 2004, học sinh Trường THCS Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh) dưới ao gần nhà.
Em mất đột ngột, để lại nỗi đau cho người mẹ cùng 3đứa em thơ, và ông bà ngoại già yếu. Ước mơ có tiền học phí sau lá đơn xin hỗ trợ gửi Hội khuyến học còn bỏ dở.
Căn nhà cấp 4 nằm ở rìa đường của mẹ con chị Trần Thị Viên, trú tại xóm 7, xã Hà Linh (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) mấy ngày gần đây nhuốm màu tang thương. Mọi người chưa hết bàng hoàng sau khi tìm thấy thi thể Phạm Thị Hồng Nhung, sinh năm 2004, học sinh Trường THCS Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh) dưới ao gần nhà.
Em mất đột ngột, để lại nỗi đau cho người mẹ cùng 3đứa em thơ, và ông bà ngoại già yếu. Ước mơ có tiền học phí sau lá đơn xin hỗ trợ gửi Hội khuyến học còn bỏ dở.
Đơn xin học bổng của Hồng Nhung
Ai cũng rớt nước mắt khi kể về hoàn cảnh của gia đình em Nhung. Bố em là anh Phan Quốc Ái (SN 1975) bị tai nạn lao động mất khi hai đứa em sinh đôi của Nhung vừa tròn 17 ngày tuổi. Khi vừa vượt cạn chưa đầy tháng, mẹ Nhung là chị Trần Thị Viên (SN 1985) đã phải quấn tang cho chồng.
Từ ngày bố em mất, cuộc sống gia đình càng túng quẫn. 5 mẹ con em đã phải dắt nhau về sống nhờ ở nhà ông bà ngoại, rau cháo nuôi nhau.
Vài đồng tiền lẻ từ gánh đồng nát của chị Viên không đủ nuôi 4 đứa con. Chị đành gửi lại con thơ cho ông bà để vào Nam kiếm tiền. Thế nhưng, chị đi chưa đầy hai tháng thì ở nhà nỗi đau lại ập đến trước cái chết của đứa con gái đầu lòng.
Còn ít tuổi, là chị cả trong nhà, Nhung rất chăm ngoan, và học giỏi. Một cán bộ phụ nữ xã Hà Linh cho biết: “Ngoài giờ học ra, em ấy còn đi gặt và phụ gia đình thu hoạch mùa màng, đi chợ và trông em. Mỗi lần đi chợ ai cũng thương, vì trong người chỉ có 2 nghìn đồng mua đậu phụ”.
Chăm chỉ học hành, nên năm học vừa rồi em Nhung đạt học sinh giỏi huyện môn tiếng Anh.
Hoàn cảnh khó khăn không có tiền đóng học, Nhung đã viết đơn xin hỗ trợ kinh phí học tập gửi xuống Hội khuyến học tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng viết lá đơn gửi đi thì sự việc không may lại đến với em và gia đình.
Cả làng gom tiền mua quan tài chôn cất em
Ngồi bên bàn thờ cháu, ông Trần Đình Viêm (65 tuổi,ông ngoại em) buồn rầu: “Cháu nó đậu học sinh giỏi huyện, không có tiền đóng học cho năm tới, nên mọi người khuyên em làm đơn gửi xin học bổng cho nó. Nhưng chưa đầy tháng nó gửi đơn đi thì nó lại chết đuối. Đau lòng lắm!”.
Bà ngoại của Nhung bị tai biến nằm liệt giường mấy năm nay. Hàng ngày, Nhung phụ ông chăm bà, vệ sinh cá nhân cho bà, và chăm 3 đứa em thơ vắng mẹ.
Chiều ngày 9/6, sau khi tắm cho hai đứa em xong thì mọi người không thấy Nhung. Cả làng đi tìm thì phát hiện thi thể em dưới ao gần nhà.
Căn nhà của ông bà ngoại Nhung
Trong nhà không còn tiền nên ông Viêm đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm. Dân làng góp tiền để sắm quan tài chôn cất cho Nhung.
Hai ngày nay, đứa em gái kế Nhung cứ khóc ngặt gọi tên chị. “Chị Nhung mất rồi! Chị về với em, mẹ buồn, em cũng buồn”. Giọt nước mắt của đứa em gái cứ lăn dài và mếu máo khi có người nhắc đến chị mình.
Trong căn nhà trống không tài sản gì có giá trị ngoài chiếc giường rách nát. 3 đứa em thơ thiếu chị chăm sóc, một mình ông ngoại vừa phải chăm ba đứa trẻ vừa phải chăm bà tai biến. Gia cảnh ngặt nghèo khiến ai đến viếng Nhung cũng ứa nước mắt thương cảm.
Ông bà ngoại già yếu và 3 đứa em thơ của Nhung đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Hi vọng rằng, các em của Nhung là Tuyết, Nam và Hải sẽ có tiền theo học để nối tiếp ước mơ còn bỏ dở của người chị gái đáng thương của mình.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Ông Trần Văn Viêm (ông ngoại Nhung) xóm 7, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Tác giả bài viết: Thiện Lương