Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tiết lộ bất ngờ về Hoa khôi Diệu Ngọc

Như một quy luật “bất thành văn”, với các cuộc thi nhan sắc, kết quả top 3 luôn thu hút nhiều tranh cãi. Cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam - Đường tới vương miện Hoa hậu Thế giới 2016 cũng không ngoại lệ. Vừa đăng quang ngôi vị cao nhất, Hoa khôi Diệu Ngọc đã trở thành chủ đề gây tranh cãi về độ tuổi, nhan sắc khi cô sẽ đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Thế giới 2016.
Hoa khôi Áo dài Việt Nam Diệu Ngọc. Ảnh: TL

Hoa khôi là một…phượt thủ!

Sở hữu chiều cao 1,8m với số đo 3 vòng: 86 - 64 - 95cm, người đẹp đến từ Đà Nẵng Trương Thị Diệu Ngọc từng thử sức nhiều cuộc thi nhan sắc trong nước trước khi đăng quang Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2016. So với hình ảnh có phần nhạt nhòa ở các cuộc thi sắc đẹp trước đây, trở lại với cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2016 khi đã 26 tuổi, Diệu Ngọc tạo được dấu ấn trong lòng công chúng nhờ sự nỗ lực từ những vòng thi đầu tiên. Trước đêm Chung kết, nhiều chuyên gia sắc đẹp không ngần ngại đặt cược cho chiến thắng của Diệu Ngọc, dù thời điểm đó nhiều đối thủ khác của cô đang sở hữu lượng fan đông đảo. Bởi vậy, ngay khi tên của Diệu Ngọc được xướng lên, đã có những ý kiến phản đối ngay tại hàng ghế khán giả và sau đó là nhiều khen - chê trái chiều chủ yếu nhằm vào độ tuổi bị coi là “cứng”, khuôn mặt chưa thực sự ấn tượng.

Trước băn khoăn của dư luận về đại diện Việt Nam sẽ dự thi Hoa hậu Thế giới 2016, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thúy Nga - Tổng Giám đốc Công ty Elite - đơn vị giữ bản quyền cử đại diện Việt Nam dự thi Miss World. Bà Thúy Nga cho biết: “Mỗi nhan sắc đăng quang thu hút nhiều tranh luận có lẽ vì cái đẹp là điều gì đó khá trừu tượng, không rõ ràng như công thức 1+1= 2. Cái đẹp của người Việt khác với châu Âu, châu Mỹ hay châu Phi và còn phụ thuộc thẩm mỹ ở mỗi người. Ở cuộc thi này, chúng tôi chọn thí sinh theo đúng tiêu chí của hầu hết những cuộc thi sắc đẹp khác, tức là đánh giá qua những điều căn bản như: Ngoại hình, dáng vóc, kỹ năng tỏa sáng, bản lĩnh sân khấu, trình độ... Bên cạnh đó, một điều cực kỳ căn bản, quan trọng mà BTC cuộc thi luôn tuân thủ là bám sát tiêu chí từng cuộc thi quốc tế để có thể chọn lựa thí sinh phù hợp với cuộc thi đó”.

Bà Thúy Nga chia sẻ thêm, dựa vào tiêu chí cuộc thi Hoa hậu Thế giới - cuộc thi yêu thích vẻ đẹp hài hòa, tri thức, ngọt ngào kèm theo trình độ học vấn là điểm cộng lớn cho thí sinh, thì Diệu Ngọc là ứng viên khá hài hòa. “Đó là cô gái hơi lạ trong lĩnh vực nghệ thuật. Ở cô ấy vẫn giữ sự trong sáng, hiền hòa, điềm đạm, không có sự phô trương ồn ào. Vì vậy, nhiều người khá ngạc nhiên khi biết trình độ tiếng Anh của Diệu Ngọc đạt IELTS 6.5. Nhiều người rất bất ngờ khi biết cô ấy là dân phượt khá chuyên nghiệp. Trước khi tham dự Hoa khôi Áo dài, cô dành 3 tháng để đi du lịch bụi, khám phá Tây Tạng và có rất nhiều trải nghiệm. Ngoài hình thể đẹp, chuẩn (rất ít thí sinh Việt Nam có được hình thể cao, cân đối như thế!), người ta còn thấy ở Diệu Ngọc vẻ đẹp tri thức, đằm thắm. Cô ấy có sự quyến rũ từ ánh mắt, môi cười, thu hút từ dáng đi uyển chuyển, cách nói chuyện dịu dàng, nồng hậu. Có lẽ tất cả những yếu tố đó đã giúp Diệu Ngọc đạt được danh hiệu vinh dự này”, bà Thúy Nga nói.

Đừng áp đặt về vẻ đẹp “thuần Việt”

Trước tranh cãi về gương mặt Hoa khôi Diệu Ngọc chưa thực sự thu hút theo kiểu “khuôn trăng đầy đặn” như Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, hoặc sắc sảo, cá tính như Hoa hậu Phạm Hương, bà Thúy Nga bày tỏ: “Từ lâu, tôi vẫn băn khoăn với khái niệm đẹp thuần Việt, nhưng chưa ai cho tôi biết thế nào là vẻ đẹp thuần Việt. Và tôi cũng băn khoăn, nếu nước nào cũng tung hô thí sinh của mình đẹp theo kiểu thuần Việt như ở ta (ví dụ thí sinh Mỹ đẹp kiểu thuần Mỹ hay Nga đẹp kiểu thuần Nga, Đức đẹp kiểu thuần Đức…) thì lấy vẻ đẹp thuần gì làm tiêu chuẩn? Bởi vậy tôi nghĩ rằng, khi chúng ta đến với cuộc thi quốc tế thì phải chấp nhận luật chơi của họ. Tiêu chí cuộc thi là gì, họ đề cao cái gì… thì chúng ta đem đến cái đó với phong cách riêng của mình, nhưng phải thật sự xuất sắc, thuyết phục. Ví dụ, cuộc thi Hoa hậu Thế giới có thông điệp: Sắc đẹp vì mục đích cao cả. Đề cao vẻ đẹp nhân ái, trí tuệ, gương mặt hài hòa, đường nét ngọt ngào, duyên dáng thì thí sinh Việt Nam cần hướng đến tiêu chuẩn này”.

Theo đại diện Elite, ngoài những tiêu chí thế giới đã đặt ra, thí sinh cần hiểu về văn hóa, lịch sử của đất nước mình, có lòng tự hào dân tộc và thể hiện những kiến thức, trình độ trong cuộc thi thông qua trang phục, những hoạt động, tài năng đặc trưng dân tộc… Đó chính là sự khẳng định “Tôi là đại diện Việt Nam”, chứ không nhất thiết phải có ngoại hình đặc trưng thuần Việt. Ngoài ra, thí sinh cần kinh nghiệm trong lĩnh vực biểu diễn để có thể làm chủ sân khấu và biết cách tỏa sáng, bởi tiêu chí của các cuộc thi quốc tế đều thích sự rạng rỡ, linh hoạt thay vì vẻ e ấp, thụ động như người Việt vốn thích.

Bà Thúy Nga chia sẻ, các thí sinh quốc tế hầu như đều có chiều cao tốt, thể hình săn chắc do tập luyện và yếu tố hình thể đặc trưng. Bên cạnh đó, phần thi tài năng của thí sinh quốc tế cũng rất đa dạng. Họ thể hiện tài năng như những nghệ sĩ thực thụ chứ không chỉ là hát kiểu... karaoke. “Hiện các thí sinh của chúng ta ít nhiều đã học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nên chủ động hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có kế hoạch đào tạo bài bản, lâu dài và tổ chức cuộc thi chuyên nghiệp thì giải cao trong những cuộc thi quốc tế vẫn chỉ là giấc mơ dài lâu”, bà Nguyễn Thúy Nga khẳng định.

 
Trước Hoa khôi Diệu Ngọc, không ít đại diện Việt Nam khi mới “chân ướt chân ráo” dự thi quốc tế đã bị dư luận “tổng tấn công”. Ví dụ, Hoa hậu Biển Nguyễn Thị Loan bị cho là “cứng” tuổi, “bon chen” thi thố nhiều. Hoa khôi Lan Khuê bị chê gương mặt góc cạnh, không “đẹp thuần Việt” bất chấp cô sở hữu nhiều ưu điểm như: Hình thể, kĩ năng trình diễn, chơi piano, thông thạo nhiều ngoại ngữ. Mãi đến khi Lan Khuê lọt top 11 Hoa hậu Thế giới 2015 thì những luồng ý kiến trái chiều này mới tạm lắng xuống.

Tác giả bài viết: Thùy Phương