Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bị hỏi về 'mua chứng chỉ', GĐ 'soi' phóng viên tới từng centimet

Người nhận tiền "ngu phí" của chúng tôi nói: Giáo viên chỉ đóng 500 nghìn thì được chứng chỉ loại Trung Bình, thêm 100 nghìn nữa được loại Khá, 200 nghìn được loại Giỏi.
Lộ phao thi có 1-0-2 'ai am tít chờ' của giáo viên Ninh Bình
‘Ngu phí’ giúp giáo viên trình tiếng Anh hạng zero vượt ‘ải vũ môn’
Lộ đường dây thầy cô giáo trình độ 'a bờ cờ' đi mua chứng chỉ

 

Như kỳ trước báo Người đưa tin đã phản ánh, có một “đường dây” làm chứng chỉ Tin học, tiếng Anh tại tỉnh Ninh Bình do Trung tâm Tin học - Ngọai ngữ và Hướng nghiệp (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình) mà chỉ cần đóng tiền là đỗ. Phóng viên đã thâm nhập và mục sở thị kỳ thi có một không hai này.

Sau một thời gian ngắn thi, chúng tôi gọi điện cho ông Tuấn – người nhận trách nhiệm đảm bảo cho người không biết tiếng Anh như chúng tôi sẽ thi đỗ và có chứng chỉ chỉ với 500 nghìn đồng.

Lúc này, tôi nhận được thông báo, đã có chứng chỉ cách đấy vài ba ngày. Để mục sở thị chứng chỉ mà mình đã “kì công” có mặt tại địa điểm để thi, phóng viên báo Người Đưa Tin hẹn ông Tuấn (cán bộ của trung tâm, người trực tiếp đứng ra nhận tiền của PV để làm chứng chỉ) lấy chứng chỉ vào ngày 19/5/2016.

Hẹn chúng tôi tại nhà một người thân nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Ninh Bình, ông Tuấn đưa cho tôi chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B1 xếp loại Trung bình. Theo xác nhận của người đàn ông này, chứng chỉ của chúng tôi đã có từ 2 tuần trước nhưng bị ông... quên.

Chứng chỉ có dấu đỏ Trung tâm cùng chữ ký của ông Nguyễn Xuân Cảnh - Giám đốc trung tâm.

 
bai2 chungchi3 1464745496 1465786518
 Các thí sinh chuẩn bị tài liệu trước giờ thi.
 

Sau khi nhận chứng chỉ, chúng tôi tỏ vẻ hốt hoảng vì thấy xếp loại của chứng chỉ là trung bình, ông Tuấn cười giải thích: “Tại sao các em không nói trước với anh. Hôm ấy anh hỏi là các em muốn lấy chứng chỉ loại gì thì các em lại bảo loại nào cũng được. Nếu em muốn lấy chứng chỉ loại khá, thì phải nói trước, loại khá thì cộng thêm 100 nghìn đồng, loại giỏi cộng thêm 200 nghìn đồng. Nếu lấy loại khá thì giám thị họ phải sửa bài của em ít hơn, loại giỏi thì họ phải sửa hầu hết. Tất cả những việc này do giám đốc trung tâm chỉ đạo”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi giữa phóng viên và ông Tuấn trước khi diễn ra kì kiểm tra tra tiếng Anh, trả lời câu hỏi về “chứng loại gì”, ông Tuấn chỉ mập mờ trả lời: Chứng chỉ tiếng Anh B1.

Ngoài việc trả tiền với mức phí 500 nghìn đồng/chứng chỉ, một việc nữa thí sinh phải làm đó là phải có mặt trong phòng thi. Theo ông Tuấn thì nhất định thí sinh phải có mặt để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giấy tờ lưu trữ sau này.

Một thông tin khác ông Tuấn cho biết, đợt thi này có 2/3 thí sinh đỗ trong tổng số những người dự thi: “Những người bị trượt là những thí sinh thi tự do, họ không chạy tiền trước. Vậy nên các em có ai thì cứ giới thiệu qua chỗ anh, đảm bảo là sẽ đỗ”.

Và sau những phản ánh về thực trạng “mua” chứng chỉ Tin học, tiếng Anh tại tỉnh Ninh Bình với mức “ngu phí” 500 nghìn đồng/chứng chỉ trung bình dù trình là số 0 cũng sẽ đỗ, chúng tôi đã có buổi làm việc với các lãnh đạo thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cũng như lãnh đạo của Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ và Hướng nghiệp của tỉnh này.

 
bai3 chungchi2 1464745590
 Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ và Hướng nghiệp tỉnh Ninh Bình.
 

Chiều 19/5, chúng tôi có mặt tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh liên hệ công tác nhưng các cán bộ chủ chốt đều đi họp để chuẩn bị công tác bầu cử toàn dân diễn ra vào ngày 22/5.

Trong khoảng thời gian chờ đợi lãnh đạo Sở đi họp về, chúng tôi tới gặp ông Nguyễn Xuân Cảnh - Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ và Hướng nghiệp tỉnh Ninh Bình.

Trả lời Phóng viên Báo Người Đưa Tin xung quanh vấn đề “mua chứng chỉ” như phản ánh của độc giả và thực tế ghi nhận của phóng viên, ông Cảnh cho biết:

“Vấn đề này chúng tôi chưa nhận được phản ánh gì. Mọi việc chúng tôi làm đã trình đầy đủ lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình. Cho đến thời điểm này chưa thấy một vấn đề gì xảy ra cả”.

Khi phóng viên nói rằng trong số những giáo viên tham gia thi, có rất nhiều giáo viên không có trình độ tiếng Anh nhưng vẫn đỗ và nhận chứng chỉ bình thường, ông Cảnh gay gắt: “Sao bạn lại nói là giáo viên họ không biết gì nhỉ? Bạn căn cứ vào điều gì mà bạn lại nói họ như vậy?”.

Nhận được lời giải thích và quá trình thâm nhập của phóng viên bằng kì thi “hiếm có khó gặp” trước đó, ông Cảnh vẫn từ chối không trả lời vào vấn đề với lý do ông phải được đối chứng với người viết đơn. Hơn nữa, theo ông Cảnh, trong việc này phóng viên chưa làm đúng quy trình.

“Các bạn làm việc phải có kế hoạch rõ ràng, việc có đơn thư phản ánh hay không thì các bạn phải hỏi ý kiến của Sở xem họ có cho phép chúng tôi trả lời hay không?”, ông Cảnh vẫn tỏ ra khá gay gắt.

 
bai3 chungchi 1464745590
 Ông Nguyễn Xuân Cảnh - Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ và Hướng nghiệp tỉnh Ninh Bình
 

Nhắc lại vấn đề liên quan đến việc làm chứng chỉ tại trung tâm, ông Cảnh khẳng định: “Trước khi thi và kiểm tra chúng tôi đều tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cho tất cả những người tham gia dự thi. Tất cả các bước chúng tôi làm đều đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi kỳ thi, chúng tôi đều có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình và được sự đồng ý của cấp trên, chúng tôi mới tổ chức thi”.

Trao đổi về lá đơn gửi tòa soạn về việc tổ chức thi cũng như cấp chứng chỉ tiếng Anh, Tin học có phần dễ dãi, ông Cảnh nói: “Nếu là đơn thư đích danh thì các bạn phải gọi họ đến đây đối chất đàng hoàng, đơn thư bây giờ nhiều thư vớ vẩn, nặc danh lắm. Hơn nữa, bây giờ, nếu các bạn lấy được giấy giới thiệu của Sở Giáo dục và Đào tạo về đây thì tôi tiếp các bạn”.

Và đương nhiên ông Cảnh cũng không quên đặt ra cho chúng tôi câu hỏi: “Thư gửi tới các bạn là thư đích danh hay nặc danh?”.

 
anh3chungchi 1464745590
 Thí sinh thoải mái chép bài còn giám thị thì... ngắm mưa
 

Nói rồi, vị Giám đốc này vẫn không hề hạ giọng và lại xoay sang “soi xét” tờ giấy giới thiệu được báo Người đưa tin cấp cho phóng viên đi làm việc:

“Các bạn nói các bạn là phóng viên bên báo chí, nhưng tôi làm sao biết được các bạn có phải là nhà báo hay không? Cái dấu trong giấy giới thiệu này tôi cũng không dám khẳng định có phải là giấy giới thiệu thật hay không nữa? Tôi cũng không thể kiểm chứng được, nên tốt nhất các chị hãy đến gặp Sở Giáo dục và Đào tạo và xin ý kiến của lãnh đạo Sở. Nếu lãnh đạo Sở đồng ý thì tôi sẽ tiếp các chị”.

Khi phóng viên trình bày, Giám đốc có thể kiểm chứng xem con dấu trong giấy giới thiệu là thật hay giả, ông này trả lời: “Tôi không có chức năng, nhiệm vụ đi kiểm tra con dấu là thật hay giả”.

(Còn nữa)

Tác giả bài viết: Hải Nguyên – Thiên Minh Vũ