Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xước kẽ ngón chân, BS da liễu kê đơn... dưỡng da toàn thân?

“Xước kẽ ngón chân mà phải tắm cả người?”, "Có nhiều loại thuốc công dụng tốt hơn, giá rẻ hơn, việc gì phải bỏ tiền mua loại này", người nhà bệnh nhân bức xúc.
Ngày 31/5, anh N.T.L (Kim Sơn, Ninh Bình) đưa con gái là N.L.M.N (9 tuổi) vào khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương do bé N. bị vết xước dạng vảy ở kẽ ngón chân cái bên trái. Theo miêu tả của anh L., vết xước chỉ bằng đầu ngón tay cái.

Khi vào khám bệnh, anh L. được bác sĩ tư vấn đưa con đi xét nghiệm lấy mẫu nấm. Khi có kết quả xét nghiệm không có nấm, bé N. được đưa trở lại gặp Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tiến Thành – Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Bệnh viện Da liễu Trug ương).

“Bác sỹ Thành nhẹ nhàng, từ tốn hỏi thăm vài câu rồi gõ phím kê đơn. Sau khi in ra 2 tờ kết quả, vị bác sỹ này chủ động ghim lại với nhau đưa cho tôi và nói con tôi bị viêm da cơ địa, đi mua thuốc theo đơn.

Nghe lời bác sỹ, tôi cầm hai tờ này xuống quầy thuốc bệnh viện. Tôi giật mình khi nghe nhân viên ở đây cho biết, giá đơn thuốc của tôi là 905 nghìn đồng. Tất cả vì sức khỏe của con nên tôi nhận thuốc và trả tiền. Về kiểm tra lại thấy có 2 loại chai dưỡng da giá đã hơn 600 nghìn đồng.

“Xước mỗi tí kẽ ngón chân mà phải tắm cả người?”, đó là câu hỏi của vợ tôi khi nhìn công dụng của hai chai “dưỡng da” tôi mua về cho con theo đơn bác sỹ kê”, anh L. kể lại.


Vết xước ở chân bé N.

Anh L. cũng đặt ra thắc mắc: “Theo như khuyến cáo của đơn tư vấn thuốc “sản phẩm này không có tác dụng chữa bệnh, không phải thuốc...” mà bác sĩ lại kê cho bệnh nhân và còn dặn dò bằng chữ “dùng thuốc theo đúng...”. Có rất nhiều loại thuốc công dụng tốt hơn, giá lại rẻ hơn thì việc gì phải bỏ tiền mua loại này?”.

Để làm rõ hơn câu chuyện, phóng viên báo Người đưa tin đã liên hệ trực tiếp với bác sỹ Thành theo số điện thoại được kê trong đơn thuốc.

Theo bác sỹ Thành, bệnh nhân có tổn thương bong da và ngứa ở vùng bàn chân. Xét nghiệm nấm cho kết quả âm tính. Chẩn đoán của bác sỹ hoàn toàn là viêm da cơ địa.

“Không phải như miêu tả là có 1 vết xước, bệnh nhân có 1 tổn thương ngoài vùng cơ và da chân. Tôi đã tư vấn cho bệnh nhân mua thuốc và tự bôi”, Th.s Thành cho hay.

Theo đó loại thuốc được kê chia làm 2 phần rõ rệt như sau: phần Đơn thuốc gồm: Fucicort 15g, Desloratadine 0,5mg/ml, Zinc Sulphate monohydrate; phần Đơn tư vấn gồm: Gammaphil 500ml, Neutriderm 125ml.

Điều đáng lưu ý, cả hai loại trong phần Đơn tư đều là kem dưỡng da.


Loại kem giữ ẩm với phần công dụng được ghi rõ. Đây là loại thuốc nằm trong đơn bác sỹ kê cho bé N. khi có kết luận bé bị viêm da cơ địa.

Để làm rõ hơn về loại thuốc và những thắc mắc của người nhà bé N., người trả lời chính cho chúng tôi là Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên, TS. Doanh chia sẻ:

“Thường đơn thuốc bao giờ cũng kèm theo số điện thoại của bác sĩ để có vấn đề gì người bệnh cũng là người phản ánh trực tiếp với bác sĩ làm rõ ràng chứ không nên phản ánh với người thứ 3 về cái được gọi là tư vấn.

Người thứ 3 không nắm được trực tiếp nên hỏi người thứ 3 rất khó để trả lời cho câu hỏi đưa ra.

Nếu cần thiết chúng tôi sẽ yêu cầu gọi bệnh nhân tới và làm việc trực tiếp với bệnh nhân. Bác sỹ luôn muốn điều trị khỏi cho bệnh nhân và trong điều trị, mỗi bác sĩ sẽ có 1 cách điều trị riêng”.

Theo TS. Doanh, thuốc mà bác sỹ kê cho bệnh nhân N. để điều trị viêm da cơ địa là hoàn toàn phù hợp với bệnh lý.

Với viêm da cơ địa thông thường sẽ có những biểu hiện khô da, viêm, nứt nẻ nên thuốc bác sĩ kê cho bệnh nhân này vẫn nằm trong lộ trình điều trị viêm da cơ địa. Trong đó có cả làm sạch, chống viêm, giữ ẩm tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân.

“Bản thân viêm da cơ địa là 1 bệnh lý. Rửa, làm sạch cũng như giữ ẩm là cần thiết cho người bệnh kể cả khi khỏi rồi. Việc dùng giữ ẩm đôi khi rất cần thiết và phòng bệnh quay trở lại.

Kem giữ ẩm có nhiều loại, có loại rẻ, có loại chất lượng đôi khi rất đắt và có thể hiểu là dùng để hỗ trợ phần điều trị. Bản chất Gammaphil 500ml, Neutriderm 125ml mà người nhà bệnh nhân thắc mắc, không phải thuốc chỉ là hỗ trợ. Tất nhiên tùy điều kiện bệnh nhân sẽ dùng khác nhau”, TS. Doanh khẳng định.


Một loại kem dưỡng da khác được kê trong đơn cho bé N.

Khi phóng viên hỏi: “Dù chỉ là vết ở bàn chân, bàn tay cũng phải dùng toàn thân?”, TS. Doanh lý giải: “Có thể dùng tại chỗ, nếu có điều kiện tắm thì bình thường không vấn đề gì. Như tôi không phải loại này mà loại đắt hơn, chai to hơn. Nguyên tắc tắm thông thường sẽ mất độ nhờn của da nhiều, tắm kem giữ ẩm sẽ giúp giữ ẩm, da sẽ bớt nhờn”.

Khi phóng viên đọc phần công dụng của loại kem dưỡng ẩm được kê, TS. Doanh ngắt lời: “Bác sỹ quan tâm thành phần, đây mới là cái quan trọng, trong thành phần mới giúp cho điều trị bệnh lý gì, chứ không quan tâm công dụng, chữ viết bên ngoài. Đó chẳng qua chỉ là phần dịch ra tiếng Việt và là phần tham khảo. Bác sỹ không quan tâm tới phần đó”.

Tuy nhiên, theo lý giải của TS. Doanh, trong đơn thuốc được kê cho bé N. có 2 thành phần: 1 là thuốc, 2 là tư vấn cho người bệnh. Phần 2 giúp hỗ trợ cho phần điều trị với cả hai loại đều liên quan tới giữ ẩm, làm sạch. Phần đó người bệnh có thể dùng có thể không dùng.

“Bệnh nhân mua thuốc này từ bệnh viện rồi nhưng thấy thuốc không cần thiết, hoặc dùng 1 – 2 ngày khỏi bệnh mà thuốc vẫn còn, nhưng với điều kiện thuốc còn nguyên “đát”, bệnh nhân có thể mang quay lại trả bệnh viện, không vấn đề gì”, TS. Doanh nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Khi kê thuốc cho bệnh nhân, bác sỹ có nói về phần tư vấn đó không?”, bác sỹ Thành (người kê đơn thuốc cho bệnh nhân – PV) khẳng định: “Có chứ. Bạn phải hiểu bệnh này là 1 bệnh do gen gây ra hiện tượng khô da và điều quan trọng, bác sỹ phải kiểm soát được bệnh nhân hạn chế sự tái phát”.

Liên hệ lại với anh L., (bố bé N.), anh bức xúc: Bác sỹ Thành không hề nhắc gì tới chuyện đó.

Và hiện tại, theo anh L., ngay buổi tối hôm đó, vảy ở vết xước trên chân của con anh đã tự bong và bé chạy nhảy bình thường mà không cần sử dụng thuốc bệnh viện kê...

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Huệ