“Giấy phép con” trước giờ G: E ngại “Bình mới rượu cũ”?
- 10:02 10-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
► Bãi bỏ giấy phép con: Mất mấy chục tỷ mỗi tháng - ‘Họ chống đối kinh lắm’
Tính đến ngày 3-6, Bộ Tư pháp đã nhận hồ sơ thẩm định của 48/49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh.
“Nước đến chân mới nhảy”
Theo Luật Đầu tư 2014, nếu đến 1-7-2016, các điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định ở cấp thông tư không được đưa lên thành nghị định, đương nhiên sẽ bị bãi bỏ vì “trái luật”. Chính vì thế, các bộ ngành đang tích cực thúc đẩy việc nâng các điều kiện đầu tư, kinh doanh từ thông tư lên nghị định.
Thống kê mới nhất của Bộ Tư pháp cho thấy, tính đến ngày 3-6, Bộ Tư pháp đã nhận hồ sơ thẩm định của 48/49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Trong đó, có tới 23 nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh nâng từ thông tư lên, 5 nghị định sửa đổi bổ sung nghị định hiện hành vừa nâng từ thông tư lên…
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT chia sẻ: Chưa bao giờ chúng tôi phải làm việc cấp tập, làm ngày làm đêm như thời gian qua. Vừa rồi Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5 và Thủ tướng đánh giá việc xây dựng văn bản về điều kiện đầu tư, kinh doanh có sự chuyển biến nhưng phải tích cực hơn nữa để đến 1-7 hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Với Bộ NN&PTNT, chúng tôi rà soát có 39 thông tư quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Cho nên chúng tôi tiến hành xây dựng 1 nghị định sửa nhiều văn bản thay vì làm nhiều nghị định. Sau khi rà soát, chúng tôi thấy có 3 ngành nghề đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới đưa ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì không cần thiết.
Ghi nhận tinh thần làm việc của các bộ ngành, ông Nguyễn Phước Thọ, hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ thốt lên: Chưa từng thấy hiện tượng nào đặc biệt như thế. Sáng ngày 31-5, Văn phòng Chính phủ thống kê thấy còn 34 văn bản chưa được các bộ ngành trình lên. Thế nhưng, đến buổi chiều, tình hình đảo chiều 180 độ khi có tới 35 văn bản được trình lên.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng: Việc nâng cấp thông tư lên nghị định có nhiều yếu tố phức tạp, nhưng trong quá trình rà soát các bộ ngành nên chú ý tháo gỡ những khó khăn cho DN bằng cách giảm thiểu, bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, Luật DN.
Không thể chạy theo số lượng...
Nhìn tiến độ xây dựng văn bản về điều kiện đầu tư, kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) lo ngại: Do yêu cầu về tiến độ nên các nghị định thực hiện theo quy trình rút gọn. Hầu hết dự thảo văn bản không thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng phải chịu sự tác động trực tiếp; không đánh giá tổng kết thực tiễn, chưa nghiên cứu kỹ các vấn đề cần quy định. Mặt khác, công tác thẩm định bị áp lực về thời gian (rút ngắn 1/3 so với luật định) nên khó tránh khỏi hạn chế trong việc bảo đảm chất lượng cũng như tính khả thi, hợp lý của các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp bày tỏ “rất lo” khi nhắc đến các điều kiện đầu tư, kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng: Việc nâng thông tư thành nghị định phải đảm bảo tinh thần công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ. Thế nhưng, khi thẩm định các văn bản này, chúng tôi thấy chắc do thời gian ngắn quá, nên các bộ ngành nâng một cách "cơ học". Vì thế có rất nhiều vấn đề.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế của Bộ Tư pháp ví von: Các bộ ngành làm việc kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Khối lượng văn bản rất đồ sộ, cho nên chúng tôi rất quan ngại chất lượng các nghị định này. Nhiều điều kiện đầu tư, kinh doanh viết như nghị quyết. Thông tư chép thế nào giờ chép lại như thế vào nghị định. Ngoài ra, vì các nghị định được làm theo thủ tục rút gọn nên đã tranh thủ lồng lợi ích bộ ngành vào trong.
Ông Lê Mạnh Hà cho rằng: Việc giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh phải được đo đếm bằng con số cụ thể, để đến 1-7 thông báo kết quả cho người dân, DN thì họ thấy vui mừng. Nếu không đáp ứng yêu cầu này thì việc nâng cấp các điều kiện đầu tư, kinh doanh lên thành nghị định chỉ là cơ học hóa, cứng hóa các điều kiện, trói chặt hơn bằng các nghị định. Điều này sẽ không phù hợp tinh thần đổi mới, tháo gỡ rào cản cho DN, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ rõ vì thời gian gấp gáp nên không tránh khỏi các việc bộ ngành nâng cấp cơ học quy định thông tư lên nghị định. Xây dựng nghị định mà làm cơ học thì lại đeo thêm một nấc khổ nữa cho phía DN. Thời gian gấp gáp nhưng quyết không để tình trạng nợ đọng văn bản, cóp nhặt từ thông tư sang, dẫn đến chất lượng thấp. Điều kiện đầu tư, kinh doanh phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN.
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định: “Không thể chạy theo số lượng được. Quyết tâm cao nhất là đảm bảo kịp thời hạn và chất lượng. Vì vậy, cần tiếp tục đầu tư về thời gian, không chủ quan “coi như xong” đối với những văn bản đã được thẩm định, đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ”.
Tác giả bài viết: Lương Bằng