Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hỏa lực miệng' Trung Quốc xuyên tạc hợp tác quốc phòng Việt-Nhật

Theo Đỗ Văn Long, việc Nhật Bản can thiệp sâu hơn vào Biển Đông làm cho cục diện khu vực ngày càng quốc tế hóa, phức tạp hóa.

Nhân Dân nhật báo ngày 8/6 đưa tin, trong chương trình "Tiêu điểm hôm nay" phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Đỗ Văn Long - một Đại tá và chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đưa ra một số bình luận về hợp tác quân sự quốc phòng Việt - Nhật trên Biển Đông.

Đỗ Văn Long tin rằng, với việc Nhật Bản can thiệp sâu hơn vào Biển Đông làm cho cục diện khu vực ngày càng quốc tế hóa, phức tạp hóa và Bắc Kinh cần phải chuẩn bị nâng cao khả năng và mức độ "đấu tranh" theo hướng này.

 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu ngày 4/6 tại diễn đàn an ninh Shangri-La, Singapore. Ảnh: Reuters.


"Việc can thiệp quân sự của Nhật Bản vào Biển Đông đang tiến hành theo hai bước. Một là can thiệp gián tiếp, hai là can thiệp trực tiếp.

Hiện nay phương thức can thiệp chủ yếu của Nhật là gián tiếp, cung cấp vũ khí trước để mọi người cảm nhận được sự hiện diện của Nhật về mặt quân sự ở Biển Đông. Khi hoàn thành bước 1, quan hệ hợp tác quân sự Việt - Nhật xích lại gần nhau hơn thì chúng ta cần phải cảnh giác cao độ giai đoạn 2, can thiệp trực tiếp.

Ví dụ như Nhật có thể tuần tra chung với Mỹ ở khu vực nhất định trên Biển Đông, thậm chí có thể tuần tra 3 bên Mỹ - Nhật - Philippines.

Liệu khả năng tuần tra 3 bên ở Biển Đông sắp tới đến đâu? Liệu có hình thành cục diện tuần tra chung 4 bên Mỹ-Nhật-Việt-Philippines hay không, sau khi Nhật Bản không ngừng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Việt Nam?

Một khi hình thành cục diện này về mặt quân sự, Nhật Bản đã hình thành năng lực tấn công trực tiếp. Nếu việc bán vũ khí như hiện nay trở nên bình thường thì không loại trừ Nhật Bản bán cả tàu ngầm, tàu khu trực, tàu hộ vệ đã qua sử dụng cho Việt Nam.

Những vũ khí này sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng khống chế trên không, trên biển ở mức độ nhất định, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Nhật sẽ đạt tới ngưỡng chưa từng có", Đỗ Văn Long bình luận.

Theo Đỗ Văn Long, phản ứng với hợp tác quân sự Việt - Nhật, Bắc Kinh một là phải phản đối, hai là cần tiếp tục quan sát, ba là cần chuẩn bị sẵn sàng.

Hợp tác an ninh hàng hải Việt - Nhật và cụ thể là Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra hàng hải cho Việt Nam hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, phòng vệ chính đáng. Những bình luận của Đỗ Văn Long cho thấy sự suy diễn của học giả nước này về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời thể hiện sự lo sợ của Trung Quốc khi Nhật Bản tăng cường hiện diện ở Biển Đông.

Trước đó, hôm 4/6, Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Toru Mimura bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 15.

Ông Tôn lớn tiếng yêu cầu Nhật Bản phải “cẩn trọng và có những hành động cụ thể” để đảm bảo xu thế tốt đẹp của quan hệ song phương. Đồng thời, ông này cũng "nhắc khéo" rằng, Bắc Kinh luôn coi trọng quan hệ với Tokyo và muốn thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại và thông tin liên lạc để vượt qua các khác biệt.

Cùng ngày, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố Nhật Bản sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á tăng cường năng lực an ninh để ứng phó với những hành động đơn phương, nguy hiểm và ép buộc trên Biển Đông.

“Trên Biển Đông, chúng ta đã chứng kiến hoạt động bồi lấp đảo nhanh chóng và trên quy mô lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng, và sử dụng những cơ sở hạ tầng này cho mục đích quân sự”, ông Nakatani nói. “Không một quốc gia nào có thể đứng ngoài vấn đề này”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Để giúp Philippines và các nước Đông Nam Á khác ứng phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Nhật Bản sẽ giúp các nước này tăng cường năng lực trinh thám, tiến hành các cuộc tập trận chung và phát triển trang thiết bị mới - Bộ trưởng Nakatani cho hay.

“Tôi cho rằng việc cải thiện năng lực của các nước trong khu vực thông qua kết hợp giữa tập trận chung, hỗ trợ phát triển năng lực, và hợp tác về công nghệ và thiết bị quốc phòng là rất quan trọng”, ông Nakatani nói.

Tác giả bài viết: An Nhiên (Tổng hợp)