Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thời mặc quần thủng đít, nhịn đói, uống nước đi ngủ của Hoàng Sơn

Nghệ sĩ Hoàng Sơn là một trong ba cái tên nổi danh của khóa 8 trường Sân khấu nghệ thuật 2 cùng Hồng Vân, Nhật Cường.

Nhưng để có được vị trí như ngày hôm nay, nghệ sĩ hài Hoàng Sơn đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng khổ sở...

Mặc quần thủng đít, đi làm mướn từ nhỏ

Gia đình tôi rất đông người, tôi thứ 11 và cũng là con út. Ba tôi mất sớm (năm 1981-pv) nên nguồn thu nhập chính của cả nhà đều dồn lên vai má. Má phải làm đủ thứ nghề để nuôi anh chị em tôi.

Quê tôi ở Bình Dương có nghề làm gốm. Chén trong các lò bị hư, sứt mẻ, méo, móp, lợt màu... không dùng được, má tôi nhặt đem về mua thạch cao bít lại rồi chở lên miệt Đồng Xoài bán cho những người nghèo.

Ấy vậy mà dễ bán vì thời điểm đó khổ quá. Có đồng vốn má lại mua đường, than, đậu xanh chở ngược về bán ở chợ làng. Nhưng hồi đó còn ngăn sông cấm chợ, sợ bị bắt nên má phải dậy đi từ 2, 3h sáng. Má cũng bị mất vài chuyến, mỗi lần bắt người ta lấy hết.

Hồi tôi học lớp 7, lớp 8, tôi vừa đi học vừa đi làm công kiếm tiền. Cũng mắc cỡ với bạn bè nên đi làm mà cứ lủi lủi lủi.

Tranh thủ trời mưa lúc 4, 5h chiều, tôi xách chén xuống ghe, xếp chén rồi lấy bạt trùm lại, bỏ lá cây lên cho người ta không phát hiện ra.

 

Nghệ sĩ Hoàng Sơn - ảnh: nhân vật cung cấp.


Sau đó chở ra sông cái, qua hướng Hóc Môn nơi tụ tập các ghe miền Tây lên bán mắm để buôn chén về miền Tây. Anh trai tôi được mẹ mua cho chiếc xe đạp cũng để chở chén mướn.

Hồi đó khổ lắm, đi học quần vá tùm lum, toàn quần rách đít. Vô lớp tôi cũng mắc cỡ nên cứ lấy cái túi che đít lại. Đi ngoài đường cũng vậy, lấy túi che mông vì ở mông lúc nào cũng có cái "ti vi màu".

Sau này, má may miếng vải bên trong chỗ rách thì không lộ lắm. Lựa miếng vải gần màu nên cũng đỡ, phải nhìn kỹ mới thấy chỗ rách và miếng vá. Còn trước, chỗ rách cứ đắp nguyên miếng vải lên rồi khâu lại.

Nhà tôi nghèo đến mức không có cặp xách đi học. Lúc nào tôi cũng mơ có được một chiếc. Thấy ai có cặp cũ rách bỏ đi, tôi xin về vá lại để dùng.

Trước đó tôi toàn xài bịch nylon. Sau má may cho cái túi bằng vải cũ. Mỗi lần mưa là sách tập bị ướt hết, thế là tôi lại bỏ sách tập vô bịch nylon rồi bỏ vô túi vải đeo.

Học xong cấp 2, tôi thi đậu lớp 10 nhưng phải lên thành phố Thủ Dầu Một học. Cuộc sống khó khăn quá, càng lên cao càng tốn tiền nên tôi xin má cho nghỉ học để đi học nghề thợ mộc.

Đang học, cũng làm được kha khá như cái tủ đựng đồ ăn, ghế, bàn... thì anh trai tôi học được nghề điêu khắc tượng về quê mở làm nên kêu tôi về phụ. Thời đó điêu khắc giàu lắm, toàn xuất khẩu đi nước ngoài.
Thợ mộc cũng gần gũi điêu khắc nên tôi về làm cho anh, anh cho tiền xài. Chị em nhà tôi ai cũng khổ, không ai sướng hết, chỉ trừ bà chị thứ 2. Chị 2 tôi cũng làm chén, buôn chén nhưng làm lớn.

 

Hoàng Sơn từng có một quãng đời vô cùng khổ cực.


Nhà chị 2 giàu nhưng không giúp được gì cho mẹ và các em vì ông anh rể quá khắt khe. Mỗi lần có dịp đi đâu chơi, tôi phải mượn đồ của con bà chị 2 nhưng mặc là phải giấu, phải trốn. Đi ngang nhà anh chị 2 phải lột ra, để anh rể thấy anh chửi um sùm, cấm không cho lên nhà.

Vì lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khốn khó như thế nên tôi ý thức tự lập từ nhỏ. Sau này học trường Sân khấu nghệ thuật 2 cũng vậy.

Lúc đó má tôi yếu. Bà bán bánh mì buổi sáng nên tiền bạc không nhiều. Tôi nói với má là để tôi tự bươn chải kiếm tiền, má không phải lo nữa.

Được ăn một bữa cơm là hạnh phúc lắm

Ngày xưa, được ăn một bữa cơm là hạnh phúc lắm. Hồi đó còn bao cấp, mỗi tháng mỗi đứa được phát 2, 3 kí thịt, đường, bột ngọt, gạo... Chúng tôi 5 thằng gởi một nhà gần trường nấu dùm, tới bữa chạy qua ăn.
Sau đó xóa bao cấp, trường phối hợp ký túc xá phát phiếu cơm. Tờ phiếu rất to, sinh viên ăn bữa nào mấy chị cấp dưỡng gạch bữa đó. Ngày nào lãnh tem phiếu là ngày đó tưng bừng lắm.

Để có tiền xài, 5 thằng chúng tôi bán 3 phiếu, chỉ giữ 2 phiếu để ăn. Canh 12 rưỡi hết giờ phát cơm, chúng tôi đứng chờ ở ngoài, thấy người ta dọn là mấy thằng cầm đĩa tới xin cơm canh dư.

Tôi nhớ hoài cái kỷ niệm mà giờ mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy mình ngu dại. Có bà chị bạn của anh trai tôi bán rau củ Đà Lạt ở Phạm Đình Hổ quận 6. Những lúc thèm cơm quá, tôi lại đạp xe từ Trần Hưng Đạo vô đó.

 

Dường như mọi nỗi khổ trên đời, Hoàng Sơn đều đã nếm trải đủ...
 

5h đạp vô, chị ấy còn bán chưa dọn hàng. Tôi ngồi chơi rồi phụ chị, tối chị dắt về nhà cho ăn cơm. Đói quá nên tôi ăn lấy ăn để, trong đầu cứ nghĩ ăn để mai đói cũng được. Ăn xong lại đạp xe đạp về kí túc.
Năm 1985, tôi cũng đã có chút tên tuổi sau khi tham gia phim nhựa "Bão U Minh" thế nhưng đi diễn bị người ta đối xử tệ hoài mà không dám nói.

Bên hông rạp Hòa Bình có cái sân khấu ca nhạc, ông bầu kêu tôi với Nhật Cường qua diễn. Bữa đó trời mưa, đường Ba Tháng Hai ngập dữ lắm. Tôi xắn quần vác xe đạp đi lại đó.

Chương trình 8h, 8 rưỡi mở màn mà tôi 7h đã ngồi đó rồi. Vì diễn được show đó số tiền cát xê có thể giúp mình sống được 3 đến 4 ngày và mình được diễn.

Tôi chờ hoài và cứ hỏi: "Anh ơi chừng nào tới tụi em diễn". Ông bầu bảo "Cứ ngồi đó đi, chờ đi". Thấy chương trình ai cũng diễn hết rồi, chỉ còn 1 ca sĩ thì nghĩ thế nào mình cũng được lên diễn, mừng lắm.
Nhưng tới 10h, Hồng Đào, Quang Minh, Hữu Nghĩa tới. Lúc đó họ được biết tới nhờ "Trong nhà ngoài phố". Vậy là ông bầu nói: "Thôi, thôi để Hồng Đào, Quang Minh, Hữu Nghĩa diễn đi, tụi bay khỏi làm". Rồi trả cho tụi tôi chút đỉnh đi về.

Lúc đó, tôi như ca sĩ hát lót. Biết họ đối xử tệ với mình mà không dám nói vì nói mốt người ta không mời nữa biết phải làm sao.

Lúc về, tôi buồn quá. Biết làm nghệ thuật khổ và bạc bẽo thế này mình ở quê kiếm việc khác làm cho rồi, vừa được gần gũi anh em vừa được gần mẹ.

 

Nhật Cường, Hoàng Sơn từng cùng nhau trải qua những ngày tháng nghèo đói thời sinh viên.
 

Ở đường Phạm Ngũ Lão lúc đó có xe phở thật nghiệp dành cho mấy người chuyên đạp xích lô, nhặt bịch nylon... Tôi vô ngồi ăn tô phở mà vừa ăn vừa khóc.

Được mấy đồng ông bầu trả thì đủ ăn tô phở đó và sống ngày hôm sau. Đi học tôi toàn ăn xôi thất nghiệp, loại xôi chuyên bán cho sinh viên, mấy người đạp xe ba gác...

Thậm chí có những ngày tháng, tôi từng nhịn đói cả ngày, đêm về cũng không có miếng gì ăn chỉ uống nước đi ngủ.

Cho nên cái khái niệm khổ cực đối với tôi không có nghĩa lý gì. Tôi không sợ khổ. Cho dù khổ cực tới mức độ nào tôi cũng đã qua hết rồi.

Tôi không nhận mình là người bản lĩnh nhưng mỗi lần nhìn lại những ngày tháng đó, tôi chỉ tâm niệm rằng, cuộc đời phải biết chấp nhận, nỗ lực và phấn đấu rồi mọi thứ sẽ được đền đáp xứng đáng.

 

Nghệ sĩ Hoàng Sơn sinh ngày 15-6-1966 tại Bình Dương. Anh tốt nghiệp khóa 8 trường Nghệ thuật sân khấu 2 năm 1989, nay là Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM.

Hoàng Sơn từng tham gia đóng nhiều phim như Bão U Minh, Vị đắng tình yêu, Đời hát rong, Người tốt một ngày, Giữa đời thường, Lẵng hoa tình yêu, Một cơn mê, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Chim phóng sinh, Mảnh đất tình đời, Cha dượng, Vịt kêu đồng...

Đặc biệt vai Sáu Bé trong Vịt kêu đồng đã mang về cho nghệ sĩ Hoàng Sơn giải Diễn viên xuất sắc nhất Cánh Diều Vàng năm 2010.

Hoàng Sơn cũng từng nhận giải Tiết mục hài xuất sắc gala cười 2005, giải Diễn viên hài xuất sắc Mai Vàng 2005, Giải nhất Liên hoan hài kịch xuân 2007 với vở "Trời cho, trò chơi"...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hương