Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Lẽ nào người Việt lại bình thản hơn cả người Mỹ trước biểu tượng quá khứ đen tối
- 09:12 08-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH, nay là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM đã có bức thư ngỏ, bày tỏ quan điểm về sự kiện Bob Kerrey và ĐH Fulbright Việt Nam.
► Chuyện Fulbright: Xóa thù hận chứ không được quyền xóa lịch sử
► Đại học Fulbright lý giải việc mời Bob Kerrey làm Chủ tịch
Dưới đây là toàn văn bức thư ngỏ của bà Tôn Nữ Thị Ninh. (Tiêu đề do toà soạn đặt).
► Đại học Fulbright lý giải việc mời Bob Kerrey làm Chủ tịch
Dưới đây là toàn văn bức thư ngỏ của bà Tôn Nữ Thị Ninh. (Tiêu đề do toà soạn đặt).
Bà Tôn Nữ Thị Ninh
TPHCM, 6/6/2016
Thư ngỏ gửi người Việt Nam và các bạn Mỹ
1. Ngày 1 tháng 6, tôi đã bày tỏ cô đọng quan điểm về việc ông Bob Kerrey (BK) giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tín Thác (Board of Trustees - BOT) Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Nay tôi xin gửi thư ngỏ đến người Việt Nam và các bạn Mỹ quan tâm đến vấn đề này với mong muốn diễn giải rõ hơn, đầy đủ hơn quan điểm của tôi.
2. Trước hết, tôi xin nêu một số thông tin để làm rõ hơn về nguồn tài chính và vai trò Hội đồng Tín Thác của một đại học kiểu Mỹ như FUV:
2.1. 20 triệu USD vốn ban đầu cho việc xây dựng FUV được nhắc đến như đóng góp mới của chính phủ Mỹ. Thực tế là: đó là khoản 20 triệu USD còn lại từ chương trình VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam - đã được thực hiện từ năm 2000, trích 5 triệu USD/năm trên tổng số 100 triệu USD cho chương trình học bổng) là món tiền chính quyền Sài Gòn nợ chính quyền Hoa Kỳ trước 1975, mà nhà nước CHXHCN Việt Nam thống nhất nhận trả phía Mỹ theo thông lệ quốc tế. Nói cách khác, thực chất đây là việc chuyển một món tiền có sẵn – từ mục đích cấp học bổng hàng năm sang mục đích tài trợ ban đầu cho FUV – chứ không phải do BK mới gây quỹ đặc biệt cho FUV.
2.2. Đối với một đại học kiểu Mỹ như FUV, vai trò của một Hội đồng Tín Thác và người đứng đầu Hội đồng không đơn giản bó hẹp trong nhiệm vụ gây quỹ mà là quyết định định hướng chiến lược của trường, và đề ra chủ trương với hàng loạt vấn đề phức tạp liên quan đến những bên có lợi ích khác nhau trong xã hội.
Chính Hội đồng lựa chọn và bổ nhiệm Hiệu trưởng. Điều này để phủ định ý kiến cho rằng đây là vị trí với vai trò hạn hẹp, hàm ý không đáng để dư luận quan tâm, tranh cãi.
3. Tôi không đồng tình với ý kiến muốn trấn áp sự phản đối việc bổ nhiệm ông BK đứng đầu BOT/FUV bằng cách gắn việc này với chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Tôi không tin Tổng thống Obama sẽ đồng ý việc kết hợp này nếu biết trước việc bổ nhiệm BK sẽ gây tranh cãi, mở lại quá khứ đau buồn, đi ngược với định hướng chủ đạo của chuyến thăm là đồng thuận hướng về tương lai.
4. Tôi cũng không tán thành kiểu khép những người phản đối việc bổ nhiệm BK là bảo thủ không hướng về tương lai, “không ủng hộ hòa giải”. Ví dụ như, tôi theo quan điểm phản đối nhưng bạn bè Mỹ của tôi không hề kết luận là tôi không hướng về tương lai, “không ủng hộ hòa giải”.
Ủng hộ hòa giải, hướng về tương lai không phải là độc quyền của những ai ủng hộ BK làm Chủ tịch BOT/FUV. Nếu BK không có quá khứ nặng nề đối với nhân dân Việt Nam, thì chắc không ai bình luận gì.
Nếu người được bổ nhiệm là cựu chiến binh như cựu Hạ nghị sĩ, Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson hoặc là chính ông Thomas Vallely, cũng là cựu chiến binh, là người có công lớn nhất trong việc thành lập FUV thì không ai sẽ có ý kiến gì.
5. Tôi không hiểu tại sao nhất thiết phải bổ nhiệm BK vào vị trí quan trọng của FUV trong giai đoạn mở đầu mang ý nghĩa biểu tượng cao? Những người Mỹ đã bày tỏ quan điểm với tôi (trong đó có cựu chiến binh) hoặc công khai trên báo chí và các mạng xã hội đều không tán thành, thậm chí phê phán thẳng thừng.
Chẳng hạn như PGS. Jonathan London được BBC trích dẫn ngày 2/6: “…đó là một quyết định phải nói là vô trách nhiệm. Muốn thành lập một đại học mới ở Việt Nam thì ít nhất phải nhạy cảm với lịch sử của hai nước. Tôi nghĩ đây là một sai lầm hết sức buồn.”
Hay là TS. Mark Ashwill, chuyên gia giáo dục, sống và làm việc lâu năm tại Việt Nam, trả lời báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 3/6, nhận xét đây là “một nỗi hổ thẹn (disgrace)”. BK nên “từ chức ngay lập tức. Chắc chắn Fulbright có thể tìm được lãnh đạo tốt hơn những người như BK, một biểu tượng của quá khứ đen tối”.
Lẽ nào người Việt Nam chúng ta tỏ ra bình thản hơn cả người Mỹ đối với một biểu tượng của quá khứ đen tối?
6. Trước một số không nhỏ công dân mạng kêu gọi “hãy rộng lượng, bao dung, tha thứ, hãy hướng về tương lai, vì tương lai của Việt Nam…”, tôi muốn nói rõ như sau:
6.1. Việc tha thứ hay không tha thứ cho vai trò của BK trong vụ thảm sát ở thôn Thạnh Phong là quyền của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, có thể tha thứ nhưng đồng thời không tán thành việc BK giữ vị trí lãnh đạo một trường ĐH tại Việt Nam (việc ông lãnh đạo một ĐH của Mỹ bên Mỹ là chuyện khác).
6.2. Tôi cũng khẳng định chúng tôi phản đối không phải vì chỉ xuất phát từ cảm xúc, cảm tính, không phải vì thiếu “lý trí tỉnh táo và sáng suốt”. Ngược lại, vì tỉnh táo và sáng suốt mong muốn cho đại học Fulbright có một khởi điểm lành mạnh, đồng thuận, suôn sẻ và một con đường phát triển bền vững, chúng tôi mới lên tiếng.
Lẽ ra những người quyết định mời BK đảm nhiệm vị trí lãnh đạo FUV nên “tiến lên phía trước ở Việt Nam nhưng ghi nhớ những bài học của Việt Nam” trong đó bài học thứ ba là “biết từ tốn khi nghĩ rằng đã hiểu biết văn hóa nước khác” (Bài xã luận trên New York Times ngày 23 tháng 6, 2016).
7. Chúng ta đang chứng kiến một dạng kêu gọi nhau thi đua bày tỏ “vị tha, cao thượng”. Nhân dân Việt Nam không còn phải chứng tỏ, chứng minh một lần nữa tính nhân văn của mình trong quan hệ với kẻ thù trước đây mà dư luận quốc tế, đặc biệt bản thân các cựu chiến binh Hoa Kỳ, đã công nhận từ lâu.
Tôi ngạc nhiên về những tình cảm cảm thông sâu sắc dành đặc biệt cho sự khổ tâm của BK với “những lời thốt ra từ gan ruột”, ca ngợi ông “rất can đảm khi quyết định nhận cương vị hiện nay”!
Trong khi đó, tôi nhớ đến lời của một người ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi đang trưng bày chứng tích về vụ thảm sát ở Thạnh Phong, thương xót cho các nạn nhân chưa hề được người có tội trở về thắp cho họ một nén hương.
Người đó không thể tưởng tượng cảnh hàng trăm hàng ngàn sinh viên Việt Nam Đại học Fulbright sẽ gọi ông BK một cách tôn kính là “Thầy” theo phong tục Á Đông và đặc biệt ở Việt Nam. Và tôi lại nghĩ, đến một ngày nào đó, ảnh của ông BK sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho các vị sáng lập của Trường!
8. Tôi nghĩ đến nay đã có thể kết luận là việc chọn ông BK làm Chủ tịch Hội đồng Tín Thác Đại học Fulbright Việt Nam đã thành một vấn đề gây tranh cãi thay vì tạo nên sự đồng thuận cần thiết cho dự án quan trọng này cất cánh thuận buồm xuôi gió.
Hiện giờ quả bóng đang nằm về phía nhóm sáng lập Đại học Fulbright. Vì đây là một dự án giáo dục với ý nghĩa và hệ lụy sâu rộng, tôi hi vọng nhóm sẽ nghĩ lại và cùng ông BK đưa ra giải pháp ổn thỏa: chọn một người khác đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Hội đồng Tín Thác FUV.
Bản thân tôi sẵn sàng gặp lại Bob Kerrey, người cựu chiến binh Mỹ, để trao đổi về những việc góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ – Việt vì lợi ích nhân dân hai nước.
Tác giả bài viết: Phong Bình