Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trung Quốc mưu đồ dựng 'pháo đài tàu ngầm' ở Biển Đông

Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành một "pháo đài" kiên cố bảo vệ khả năng răn đe của các tàu ngầm hạt nhân nước này.



Một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Reuters
 

Báo Guardian gần hai tuần trước đưa tin Bắc Kinh chuẩn bị triển khai tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo tới Biển Đông. Để biện minh cho hành động này, Trung Quốc cho rằng họ làm vậy chủ yếu nhằm đối phó với các động thái quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc. Nhưng thực tế, Trung Quốc đã lên kế hoạch cho điều này hàng thập kỷ qua, theo tạp chí Week của Anh.

Quân đội Trung Quốc, trong cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển, đã tự đặt mình vào vị thế đối đầu với Mỹ cũng như các nước láng giềng trong khu vực. Tự do hàng hải ở Biển Đông rõ ràng đang gặp nguy hiểm bởi các kế hoạch chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh hạt nhân của Trung Quốc, bình luận viên Kyle Mizokami nhận định.

Biển Đông là một trong những khu vực có ý nghĩa chiến lược và kinh tế quan trọng nhất thế giới, chiếm 1/3 giao thương hàng hải quốc tế. Vùng biển này rất giàu tài nguyên, đặc biệt, nó còn chứa một trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước như Việt Nam, Philippines, Brunei... Bắc Kinh đang ráo riết thực thi tuyên bố bằng cách bồi đắp trái phép, biến các bãi đá, rạn san hô trên Biển Đông thành đảo nhân tạo hay tiền đồn quân sự.

'Pháo đài' kiên cố

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ phân chia công cụ răn đe hạt nhân chiến lược thành ba mũi nhọn, gồm tên lửa tầm xa, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân. Việc đa dạng hóa này nhằm mục đích đảm bảo kho vũ khí hạt nhân không bị phá hủy chỉ bởi một cuộc tấn công phủ đầu chớp nhoáng của đối phương.

Mỹ, với lực lượng hải quân mạnh cùng công nghệ hiện đại, gần như có thể đưa tàu ngầm tới bất kỳ địa điểm nào. Liên Xô, trái lại, sở hữu những tàu ngầm thua kém hơn về công nghệ, tên lửa tầm bắn ngắn hơn và hải quân cũng không mạnh bằng. Để bảo vệ hạm đội tàu ngầm tên lửa của mình, Liên Xô đã thiết lập nên hai "pháo đài", một ở Đại Tây Dương và một ở Thái Bình Dương.

Định nghĩa "pháo đài tàu ngầm" trong chiến lược hải quân là một khu vực có những lớp bảo vệ kiên cố, nơi tàu ngầm có thể hoạt động một cách an toàn. Thông thường, đường bờ biển của "pháo đài" này sẽ được giám sát chặt chẽ bởi hệ thống cảm biến, tàu mặt biển, tàu ngầm và không quân.

Là một cường quốc đang lên, Trung Quốc hiện theo đuổi một chiến lược giống với những gì Mỹ và Liên Xô làm cách đây 50 năm. Bắc Kinh cũng nắm trong tay tên lửa mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm gắn tên lửa hạt nhân. Trung Quốc bên cạnh đó còn đang xây dựng một "pháo đài" cho riêng mình và nó nằm ngay trên Biển Đông, Mizokami nhấn mạnh.

Trong một bài viết mới đây trên National Interest, chuyên gia Bonnie Glaser đã chỉ ra 4 điểm yếu cốt tử của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc, trong đó hạn chế về tầm bắn của vũ khí và khả năng tàng hình của tàu ngầm buộc Bắc Kinh phải tìm địa điểm lý tưởng để có thể bảo vệ hạm đội tàu ngầm trước khả năng săn tìm của Mỹ và đồng minh.

Theo đó, việc kiểm soát được Biển Đông thông qua hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp có thể giúp Trung Quốc khắc phục những hạn chế của căn cứ tàu ngầm hiện nay trên đảo Hải Nam, bởi các tàu ngầm khi hoạt động xa căn cứ này rất dễ bị các hệ thống săn ngầm của Mỹ phát hiện.

"Biển Đông là nơi rất tốt để Trung Quốc che giấu hạm đội tàu ngầm của mình. Vùng biển này có nơi sâu đến hàng nghìn mét, với nhiều rãnh núi ngầm bên dưới, giúp tàu ngầm có thể dễ dàng ẩn nấp mà không bị phát hiện", giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích an ninh tại Đại học New South Wales (Úc) nhận định hồi năm ngoái.

Trung Quốc nói rằng việc điều động tàu ngầm xuống Biển Đông là để đối phó với hệ thống chống tên lửa THAAD Mỹ đặt ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, Mizokami cho rằng cái cớ này không phù hợp, vì hệ thống tên lửa đánh chặn ở Hàn Quốc của Mỹ chỉ nhằm đối phó với Triều Tiên chứ không phải với Trung Quốc.

Bởi vậy, lời giải thích mà Bắc Kinh đưa ra chỉ nhằm mục đích giúp họ trông giống như một nạn nhân của Mỹ. Việc Trung Quốc đặt căn cứ tàu ngầm lớn nhất của mình trên đảo Hải Nam, tiếp giáp Biển Đông, cho thấy một sự thật là nước này đã chuẩn bị để đưa tàu ngầm hạt nhân xuống vùng biển này suốt nhiều năm trời, Mizokami nhận định.

Theo ông, các hành động bồi lấp đảo nhân tạo, xây dựng công trình quân sự phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông có lẽ không đơn thuần chỉ nhằm phô diễn sức mạnh hay tranh giành lợi ích. Bắc Kinh dường như đang hành động bởi họ cảm thấy cần phải làm điều đó trên Biển Đông.

Theo đó, nhiều khả năng Trung Quốc cho rằng những lợi ích của việc có một địa điểm trú ẩn và hoạt động an toàn cho hạm đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân quan trọng hơn phản ứng tiêu cực của thế giới đối với cách hành xử của họ.

Điều đó có nghĩa Bắc Kinh sẽ không bao giờ lùi bước trên Biển Đông, bởi họ coi vũ khí hạt nhân hay bất kỳ thứ gì cần thiết cho sự sống còn của mình đều "không thể thương lượng", ông Mizokami bình luận.

Washington và các đồng minh khu vực vẫn kiên quyết phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý từ Bắc Kinh. Đối với Mỹ, việc Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát và biến Biển Đông thành một "pháo đài tàu ngầm" sẽ là cú giáng mạnh vào uy tín cũng như vị thế siêu cường của nước này, giới quan sát nhận xét. Điều Mỹ cần làm bây giờ là nhanh chóng ngăn chặn đà tiến của Trung Quốc trước khi các nước láng giềng chấp nhận "sự đã rồi" mà quốc gia này tạo ra.

Theo Mizokami, hiện tại, tranh chấp trên Biển Đông là cuộc đối đầu giữa hai phe, mỗi bên đều thực hiện những điều mà họ cho là phải làm. Đây là một tình thế nguy hiểm, không có chỗ cho thỏa hiệp hay rút lui, và có thể sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng