Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giáo viên thích thành tích nhưng lại kêu ca cực nhọc viết sáng kiến kinh nghiệm

Thực tế, không có quy định nào bắt buộc giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Tất cả là do các thầy cô ham thành tích mà lao vào đăng ký với viết mà thôi.
LTS: Câu chuyện về yêu cầu giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm vẫn chưa có hồi kết bởi hàng ngày nhiều giáo viên từ khắp mọi miền đất nước đều ca thán về vấn đề này, thậm chí họ còn gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục để nói lên nỗi niềm về quy định này.

Tuy nhiên, cô giáo Phan Tuyết lại cho rằng, rõ ràng, không hề có quy định bắt buộc giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm mà tất cả cực nhọc khiến giáo viên kêu ca là do giáo viên thích thành tích. Vậy thực hư về sáng kiến kinh nghiệm ra sao?

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của cô.  


Chuyện giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm luôn là đề tài nóng hổi trên các diễn đàn giáo dục. Nói về hiệu quả, tính khả thi của những sáng kiến kinh nghiệm đã có nhiều bài viết được đề cập.
 
Phần lớn mọi người đều chỉ trích và không đồng tình với việc “loạn” sáng kiến kinh nghiệm như hiện nay.

Nhiều người đổ lỗi cho quy định của ngành nhưng mấy ai chịu thừa nhận lỗi cũng một phần do chính “Bản thân từng giáo viên thích thành tích”.

 
skkn
Không có quy định nào buộc tất cả giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)


Nói điều này bởi tôi biết rõ không có quy định nào buộc tất cả giáo viên trong ngành phải viết sáng kiến kinh nghiệm.

Trong năm học, giáo viên nào đăng kí chiến sĩ thi đua cơ sở (đồng nghĩa với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) hoặc dự thi giáo viên dạy giỏi cấp thị trở lên mới cần có sáng kiến kinh nghiệm.

Mà số lượng giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cơ sở trong một trường cũng không nhiều, trường ít giáo viên cũng chỉ được vài ba thầy cô, trường gần 50 giáo viên nhiều nhất chỉ tiêu xét cũng có 8 người.

Thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thị xã 2 năm mới tổ chức một lần, phần nhiều cũng là những thầy cô giáo cốt cán đã đăng kí thi đua.

Với quy định như thế, ở địa phương nơi tôi công tác, có trường chỉ duy nhất có một sáng kiến kinh nghiệm, trường nhiều cũng ở mức gần chục người đăng kí tham gia viết.

Mà chuyện đăng kí là hoàn toàn tự nguyện chẳng ai bắt buộc ai.

Đầu năm, nhà trường đưa bản đăng kí xuống từng tổ, tự xét năng lực mình, giáo viên ghi đề tài mình sẽ viết trong năm và kí tên.

Những thầy cô giáo khác không muốn viết cũng chẳng sao đồng nghĩa với việc sẽ không đăng kí được xét thi đua ở mức cao hơn như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mức xét cao nhất cho tất cả giáo viên khác là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bản thân từng thầy cô giáo khi đăng kí viết sáng kiến kinh nghiệm là đã xác định trước “Mình muốn được xếp loại cuối năm tốt hơn, muốn đạt các danh hiệu cao hơn” nên đương nhiên phải vất vả hơn những đồng nghiệp khác.
Cũng giống như học sinh muốn đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc bản thân các em phải nỗ lực hơn nhiều so với các bạn học sinh khác.

Thực tế cho thấy, những thầy cô đăng kí viết sáng kiến kinh nghiệm thường là những giáo viên dạy giỏi, giáo viên cốt cán trong nhà trường nhưng không phải giáo viên nào cũng chịu khó, cũng nỗ lực bằng chính tài năng của mình.

Có không ít thầy cô giáo, danh hiệu cao cũng muốn nhận nhưng lại lười viết, lười suy nghĩ và sáng tạo. Vì thế, đề tài dù đã đăng kí nhưng lại lên mạng cắt xén những sản phẩm của đồng nghiệp.

Họ sao chép chỗ này một ít, chỗ kia vài dòng tạo ra một sản phẩm tri thức vừa lủng củng, luộm thuộm đôi khi ngô nghê trong từng câu chữ và cách diễn đạt.

Quy định viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục chẳng có gì sai, mục đích là tập hợp được những kinh nghiệm giảng dạy hay, sáng tạo, những cách làm mới từ những đội ngũ thầy cô có uy tín trong nghề.

Nhưng với việc mỗi năm một sáng kiến kinh nghiệm đã tạo cho giáo viên một áp lực không nhỏ nên nhiều người sợ phải viết sáng kiến cũng vì lẽ đó.

Thiết nghĩ sau một năm, những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải từ cấp phòng trở lên cũng cần được phổ biến rộng rãi để nhiều người học tập và gia hạn thời gian bảo lưu vài năm.

Điều này sẽ là động lực để giúp thầy cô giáo dành thời gian, trí tuệ đầu tư cho những sáng kiến thật sự chất lượng.

Tác giả bài viết: Phan Tuyết