Hạnh phúc khi vượt lên nỗi đau
- 16:14 07-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiến tranh đã cướp đi đôi mắt và cánh tay; không những thế, trên thân thể của họ còn đầy những thương tích. Dù trong cảnh mù lòa, hai người đã tìm thấy và đi đến với nhau bằng tình yêu đích thực để hát tiếp bài ca chiến thắng vượt lên số phận. Đó là cặp vợ chồng thương binh mù Đào Xuân Tình và Cao Thị Hải (hiện sống ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An).
Chúng tôi tìm về xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) nơi chăm sóc hàng trăm thương, bệnh binh trở về từ chiến trường. Mặc dù bị mù lòa, nhưng khi cánh phóng viên tới thăm, ông Tình và bà Hải đã niềm nở tiếp đón.
Bằng giọng nói khàn khàn do di chứng của một mảnh bom Mỹ găm trúng vào yết hầu, bà Cao Thị Hải bùi ngùi kể lại: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu), năm 1969, lúc mới tròn 17 tuổi, bà Hải đã nghỉ học rồi tình nguyện viết đơn tham gia lực lượng Thanh niên xung phong(TNXP) chống Mỹ cứu nước.
Bằng giọng nói khàn khàn do di chứng của một mảnh bom Mỹ găm trúng vào yết hầu, bà Cao Thị Hải bùi ngùi kể lại: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu), năm 1969, lúc mới tròn 17 tuổi, bà Hải đã nghỉ học rồi tình nguyện viết đơn tham gia lực lượng Thanh niên xung phong(TNXP) chống Mỹ cứu nước.
Vợ chồng thương binh mù Đào Xuân Tình và Cao Thị Hải tại nhà riêng.
Bà được gia nhập vào Đại đội 203, Tiểu đoàn 241, thuộc Tổng đội TNXP Nghệ An. Sau một thời gian tham gia san lấp hố bom, mở đường, năm 1970 bà Hải cùng đồng đội được điều động vào tuyến lửa khốc liệt của tỉnh Quảng Trị để tham gia đảm bảo thông đường cho những chuyến xe qua ở những tọa độ lửa, san lấp hố bom mìn trên tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh.
Sau gần nửa năm chiến đấu ở đây thì xảy ra biến cố, đó là một ngày cuối năm 1970, khi cả tiểu đội đang san lấp hố bom sau trận oach tạc dữ dội của máy bay Mỹ, bà Hải cùng với một nữ đồng đội đã cuốc phải một quả bom từ trường đang nằm trong lòng đất.
Sau tiếng nổ lớn là nỗi đau ập đến với hai cô gái trẻ, một người vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ Quảng Trị, còn bà Hải may mắn giữ lại được mạng sống, nhưng thương tật để lại trên người cũng rất nặng nề. Kiên trì vật lộn với thần chết để giành giật lại cuộc sống, 7 năm sau, bà được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An để chăm sóc, với tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 100%.
Trong câu chuyện buồn hồi ức lại, ông Đào Xuân Tình (quê ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tiếp lời vợ kể tiếp: Năm 1972, ông Tình nhập ngũ, được bố trí làm lính thông tin của Huyện đội Vĩnh Linh (Quảng Trị). Một năm sau, được điều chuyển sang Sư đoàn 341, chiến đấu tại các chiến trường phía Nam cho đến lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Tháng 9.1977, quân Khơ Me đỏ tràn sang gây hấn ở các tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam. Sư đoàn 341 của ông Tình tiếp tục xung phong ra chiến tuyến để đương đầu với bọn Pôn Pốt. Tại đây, trong một trận đánh truy kích quân Pôn Pốt, tháng 12.1978, trung đội của ông Tình đã vướng bãi mìn của địch.
Nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại, còn ông may mắn chỉ bị cụt tay trái và hai mắt bị mù hẳn. Năm 1979, ông Tình được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An với tỉ lệ thương tật gần 100%, tay trái bị cụt và hỏng hoàn toàn cả 2 mắt.
Ở Trung tâm, cả ông Đào Xuân Tình và bà Cao Thị Hải đều là những thương binh nặng, có hoàn cảnh khá đặc biệt nên được xếp vào ở chung cùng một dãy nhà sau khu tập thể của trung tâm để cán bộ tiện bề chăm sóc. Ngày mới về, biết được nỗi đau tật nguyền sẽ đeo đẳng suốt đời mình, cả hai ông bà đã có lúc tuyệt vọng và chán chường.
Những buổi văn nghệ hay sinh hoạt văn hóa cùng anh chị em ở trung tâm, ông bà gặp nhau và sau những lời thở than là sự động viên nhau cùng lấy lại niềm tin vào tương lai phía trước. Cũng chẳng biết tự khi nào, cả ông Tình và bà Hải đã cảm mến nhau, tình yêu bất chợt nảy sinh như một lẽ tự nhiên.
Nhớ lại điều này, ông Tình trầm ngâm: Lúc cả hai nhận ra mình đã yêu, chúng tôi cũng dằn vặt lắm. Hàng tá câu hỏi đặt ra trong đầu về một tương lai khó định đoán, nhưng khổ nỗi càng trốn chạy tình cảm càng thêm thắm thiết(!). Nửa năm yêu thương nhau, chúng tôi đi đến quyết định táo bạo là về ở với nhau dưới một mái nhà để gây dựng tương lai.
Ông Tình cho biết, hiện cậu con trai đầu Đào Đình Quân sau khi tốt nghiệp ĐH nay đã về làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng tâm -thần- kinh Nghệ An; cô con gái thứ công tác tại Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh và còn cô gái út Đào Thị Ngọc Bích đang công tác tại Bệnh viện Nhi Nghệ An.
Ngoài 3 đứa con thành đạt, ông Tình, bà Hải khoe nay họ đã có 3 cháu nội lẫn ngoại. “Một hạnh phúc không gì bằng” - ông Tình và bà Hải tâm sự.
Tác giả bài viết: Phan Sáng