Không đi đường BOT vẫn bị thu phí: 'Khác nào dân không ăn bánh mà vẫn phải trả tiền'
- 08:35 07-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước thực trạng người dân không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn phải gồng mình đóng phí, Tiến sĩ – Nhà báo Trần Đăng Tuấn ví von, như vậy khác nào người ta “không ăn bánh mà vẫn phải trả tiền".
Thời gian qua, dư luận hết sức bất bình về việc phải gồng mình giả phí dịch vụ cho dự án BOT mà mình không sử dụng.
Đơn cử như việc gần đây tại trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An - Hà Tĩnh) tăng giá vé ảnh hưởng đến người dân sống 2 bên cầu. Nhiều người không sử dụng đường BOT (tuyến tránh TP. Vinh) nhưng cũng phải gồng mình đóng phí cho dự án.
Đơn cử như việc gần đây tại trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An - Hà Tĩnh) tăng giá vé ảnh hưởng đến người dân sống 2 bên cầu. Nhiều người không sử dụng đường BOT (tuyến tránh TP. Vinh) nhưng cũng phải gồng mình đóng phí cho dự án.
Người dân Hà Nội phải gồng mình trả phí qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài cho tuyến đường tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh internet
Chẳng nói đâu xa, ngay tại Hà Nội từ năm 2010 đến nay, người dân đang phải trả phí qua trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài để nhà đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Vietracimex8 (Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng, Bộ GTVT) hoàn vốn tuyến đường tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) trong vòng 16 năm 10 tháng.
Đó chỉ là một vài ví dụ, nếu liệt kê ra hết thì phải kể đến cả 1 danh sách. Kèm theo đó là những bức xúc của người dân.
Không ăn bánh nhưng vẫn phải trả tiền
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường công nhận có thực tế này xảy ra.
Ông Trường lý giải: “Đây là một giải pháp mà giải pháp này có thể chấp nhận được. Tức là nếu chúng ta chỉ thu ở đường BOT không thì xe sẽ đi vào đường không thu phí, nếu như vậy nhà đầu tư sẽ không đủ khả năng để đầu tư đường mới.
Do đó, nhà nước đưa ra giải pháp là cho phép đầu tư nâng cấp cả tuyến cũ, đồng thời xây dựng tuyến mới; khoản tiền thu đó sẽ được chia đều cho cả 2 tuyến đường, tuy thu hai bên nhưng tiền chỉ tương đương với thu một bên.
Như vậy là chia sẻ thời gian thu phí, để người dân có thể chịu đựng được trong quá trình thực hiện dự án, để nhà đầu tư thu hồi vốn được, người dân cũng chịu được mức phí chứ không thể để người dân chịu gánh nặng của mức phí.”
Ông Trường khẳng định lại: “Chúng tôi biết chuyện này, bởi bản thân chúng ta cũng là người dân, cũng đi qua những con đường đó, chúng ta cũng phải trả phí, phải làm thế nào để hài hòa được cả 3 yếu tố này.
Như vậy, ngân hàng cũng thấy được thời gian hoàn vốn của các nhà đầu tư. Ở đây chúng tôi thấy được sự công khai của các dự án, đặc biệt là chính quyền các tỉnh đó phải chấp nhận thì dự án đó mới được thực hiện.”
Về bức xúc của người dân vì phải cõng phí cho dự án mình không sử dụng, ông Trường cho biết nếu người dân nào muốn biết thông tin về các dự án BOT thì Bộ GTVT sẽ trả lời.
“Về nguyên tắc, ai có nhu cầu biết thì chúng tôi trả lời chứ không đưa lên phương tiện thông tin đại chúng vì đây cũng là quy định của nhà nước” – ông Trường nói.
Trước thực trạng người dân không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn phải gồng mình đóng phí, Tiến sĩ – Nhà báo Trần Đăng Tuấn ví von, như vậy khác nào người ta “không ăn bánh mà vẫn phải trả tiền”.
Phải tôn trọng quyền cá nhân
Trước câu trả lời của Thứ trưởng Trường là bắt buộc thu cả cái cũ để bù cho cái mới nhưng tổng phí là không tăng lên. Đây là điểm mới…Nhà báo Trần Đăng Tuấn băn khoăn: “Khi đi đường, tôi trả cho BOT, là tôi ‘ăn bánh trả tiền’. Tôi sử dụng thì tôi trả. Nhưng trả phí này không thể trả theo kiểu như phí BHXH, BHYT cứ đóng góp vào rồi san sẻ cho nhau.
Người không sử dụng dịch vụ đó mà vẫn bắt họ phải trả phí là vấn đề cần phải suy nghĩ.
Đây là trách nhiệm của nhà nước: Nếu không mở rộng đường, không phải tạo cho con đường ấy một tiện ích cao hơn, chất lượng phẩm cấp cao hơn mà chỉ là giữ nguyên chất lượng phẩm cấp như cũ - cái đấy thuộc về bảo trì.
Nếu như theo phương pháp san sẻ như thế này thì khó thuyết phục được dân đồng thuận (mặc dù theo con số vĩ mô chúng ta vẫn nói là chúng ta san sẻ cái tổng phí mà người dân bỏ ra, nó không phải cao lên). Nhưng có người dân sử dụng, có người không. Chúng ta phải tôn trọng quyền cá nhân của họ.”
Cơ sở nào thu tiền người không sử dụng?
Trước những ý kiến của nhà báo Trần Đăng Tuấn, ông Trường tiếp tục bày tỏ quan điểm.
Ông cho biết, hiện nay nước ta đầu tư các dự án BOT đối với đường cao tốc là rất ít. Chủ yếu chúng ta đang đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có. Nếu đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có thì người dân không có sự lựa chọn.
"Đáng lý ra nếu Nhà nước có tiền thì Nhà nước đầu tư vào những tuyến đường này. Nhưng như chúng ta biết bây giờ ngân sách rất khó, mà trong đó, yêu cầu phát triển hạ tầng cái này được đưa vào Nghị quyết của QH, nghị định của Chính phủ, tức là huy động nguồn lực xã hội để phát triển nhanh, mạnh các cơ sở hạ tầng.
Theo như tôi nghĩ, cái này chính là Nhà nước, Chính phủ kêu gọi người dân bằng đóng góp của mình phát triển cơ sở hạ tầng. Đấy là một hình thức để đóng góp thông qua các dự án BOT.
Rõ ràng nếu chúng ta đặt vấn đề có lựa chọn hay không lựa chọn thì thành vấn đề khác. Nếu chúng ta đặt vấn đề, đây là đóng góp của người dân để phát triển cơ sở hạ tầng đối với những tuyến đường hiện có mà chúng ta chưa có tiền để nâng cấp là một cách đặt vấn đề mở hơn".
Nếu nói theo cách của ông Trường, dư luận sẽ lại đặt ra câu hỏi: Cơ sở pháp lý nào cho phép tự ý thu tiền của người không sử dụng dịch vụ?
Tác giả bài viết: Đức Thuận