Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trung Quốc đã tàn phá môi trường sinh thái Biển Đông thế nào? (Kỳ 1)

Các chuyên gia và phóng viên nước ngoài đã thực hiện những phóng sự hé lộ một phần sự thật những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, đi ngược lại với luật pháp quốc tế.

Kỳ 1: Tiếng kêu cứu của san hô ở Biển Đông

Khoảng từ đầu năm 2013 trở lại đây, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo các nhà khoa học, việc làm này dẫn tới một số nguy cơ làm giảm sự đa dạng của hệ sinh thái biển và gây cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản.

Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học Hawaii (Mỹ) đăng trên tạp chí khoa học PLOS Biology mới đây khẳng định việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo là tác nhân chính huỷ diệt rạn san hô tại biển Đông. Những rạn san hô luôn được coi là lá chắn cho hệ sinh thái ven biển.

San hô cũng là nguồn tài nguyên quý báu nuôi sống ngư dân cũng như là lá chắn sóng bảo vệ họ trước các cơn bão. Nhưng các nhà khoa học của đại học Hawaii cho biết, những năm gầy đây các hoạt động nạo vét và bồi đắp của Trung Quốc ở biển Đông đã khiến các đảo san hô bị tổn thương nghiêm trọng.

 

Tàu nạo vét, bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: EPA)


Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thu thập từ vệ tinh để đo đạc các rạn san hô bị tàn phá và số đất mà Trung Quốc bồi đắp xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại đây. Kết quả cho thấy từ tháng 2/2014 đến tháng 5/2015, cứ 10,7 km2 đất được bồi đắp thì có khoảng 11,6 km2 rạn san hô đã bị tàn phá, tương đương 26,9% rạn san hô tại vùng biển này. Nghiên cứu cũng đưa ra phản ứng dây truyền khi phá hủy các rạn san hô và khi bị phá hủy, chúng rất khó “bình phục”.

San hô không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong kinh tế, du lịch, y học, thực phẩm mà còn đóng vai trò chắn sóng, chống xói mòn bờ biển và là một mắt xích quan trọng việc cân bằng hệ sinh thái biển. Chúng là nơi cung cấp thức ăn và nơi ẩn náu cho nhiều loài sinh vật biển. Có hơn 6.500 loài sinh vật biển phụ thuộc vào các rạn san hô này, trong đó có tới 571 loài (hơn phân nửa số loài san hô sống trên đá ngầm) đến nay được biết trên thế giới.

Ước tính có khoảng 25% tổng số loại cá biển được tìm thấy trong các rạn san hô và 10% trong số đó được được sử dụng để tạo ra chế phẩm phục vụ cho con người. Vì thế, thuỷ sản sống cạnh san hô là nguồn cung cấp chất đạm cho người dân ở các quốc gia nằm ven biển, ước tính cứ khoảng 1km2 diện tích san hô có thể cung cấp chất đạm cho hơn 300 người.

Theo GS John Mcanus, một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sinh học biển, tác giả của bài báo cáo trên tạp chí PLOS Biology, sở dĩ những tác động của Trung Quốc trong việc nạo vét tại quần đảo Trường Sa là mối quan tâm đặc biệt cho các nhà nghiên cứu bởi vì các đảo san hô kết nối nhau trong toàn bộ vùng biển.

Vậy nên, khi một vùng bị phá hủy chúng cũng gây rạn nứt toàn bộ rạn san hô ở Biển Đông. Bên cạnh đó, rạn san hô nằm ở khu vực quần đảo Trường Sa được xếp hạng đẹp nhất và đa dạng nhất thế giới.

“Rạn san hô ở Trường Sa là nơi “hồi sinh” của nhiều loài cá quý hiếm tưởng chừng tuyệt chủng cách đây vài thập kỷ. Tuy nhiên, những năm gần đây số lượng và sự đa dạng sinh học của rạn san hô ở khu vực Biển Đông đang bị đe dọa do các yếu tố tự nhiên (chiếm 10%), và các hoạt động của con người (chiếm 90%).

Các hoạt động của con người bao gồm neo đậu tàu thuyền, đánh bắt thủy hải sản bằng chất nổ, khai thác san hô sống trái phép để phục vụ mục đích kinh doanh và quá trình thải các chất nguy hại xuống biển. Tất cả điều đó đã đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển ở đây”, GS John Mcanus nói.

Cũng theo GS John Mcanus, việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc khiến quá trình “huỷ diệt” san hô có tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay. Hành động bồi đắp các đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông của Trung Quốc đã làm mất gần 30% số lượng các rạn san hô tự nhiên

Tác giả bài viết: Phương Anh