Đừng tắt máy tính hàng ngày, hãy dùng Sleep hoặc Hibernate
- 15:45 05-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại sao lại như vậy? Trước hết, Shut Down mất rất nhiều thời gian để hoàn tất (tắt máy hoàn toàn). Khi chọn Shut Down, người dùng phải chờ một khoảng thời gian khá lâu để máy khởi động xong xuôi rồi mới sử dụng được. Những hệ thống sử dụng ổ cứng HDD hoặc cấu hình thấp có lẽ sẽ quen thuộc với cảnh ngộ này.
Từ những lý do trên, Sleep (hoặc Hibernate) là lựa chọn thay thế Shut Down được rất nhiều người sử dụng trong thời điểm hiện nay. Những chiếc máy tính mới (kể cả laptop, tablet hay máy tính để bàn) chạy Windows, Android, Mac, Linux, Chrome OS,… đều được thiết kế để tối ưu cho các lệnh Sleep hoặc Hibernate, vì vậy bạn sẽ không phải lo lắng nếu sử dụng chúng thay cho Shut Down.
Tại sao Sleep và Hibernate trở thành lựa chọn "số 1"?
Nếu sử dụng máy tính trong nhiều thời điểm khác nhau trong cùng một ngày, bạn sẽ thấy Shut Down thực sự rất bất tiện. Trước hết, bạn sẽ phải lưu hết mọi công việc hiện tại trước khi tắt máy. Sau khi máy khởi động xong, bạn lại phải tự tay mình mở lại file hoặc chương trình còn đang thực hiện để tiếp tục công việc (nếu nó còn đang dở dang).
Mặt khác, Sleep (hoặc Hibernate) giữ nguyên tất cả các chương trình và công việc hiện tại của bạn. Khi sử dụng xong, chỉ việc đóng nắp laptop (hoặc bật Sleep, Hibernate thủ công trên máy để bàn). Như vậy, bạn sẽ không phải lo lắng về việc phải đóng các ứng dụng hoặc lưu lại các file tài liệu đang dở nữa.
Khi muốn tiếp tục công việc, chỉ cần nhấn nút nguồn rồi chờ cho máy "ngủ dậy", khôi phục lại toàn bộ trạng thái lúc trước khi tắt. Trong khi chỉ cần chờ vài giây để "ngủ dậy" khi chọn Sleep, bạn sẽ phải chờ vài chục giây nếu sử dụng Hibernate. Sau khi máy "dậy" xong, bạn có thể tiếp tục thực hiện công việc của mình mà không cần mở lại tất cả mọi thứ như khi chọn Shut Down nữa.
Vậy thì Sleep và Hibernate hoạt động ra sao?
Giống như tên gọi của nó, Sleep đưa máy tính về trạng thái "ngủ", tức là vẫn hoạt động nhưng lượng điện (hoặc pin) tiêu thụ rất ít. Tất cả công việc của bạn sẽ được lưu vào bộ nhớ RAM, do đó máy tính vẫn cần cung cấp một lượng điện nhỏ để RAM hoạt động. Khi nhấn nút nguồn, máy sẽ mở lên chỉ trong tích tắc và bạn có thể tiếp tục công việc của mình.
Mặt khác, Hibernate lưu lại các công việc của bạn vào ổ cứng rồi tắt nguồn máy hoàn toàn chứ không để bật nguồn như Sleep. Vì vậy bạn có thể sử dụng Hibernate để thay thế hoàn toàn cho Shut Down bởi máy tính sẽ không phải tiêu thụ bất kỳ lượng điện nào nếu sử dụng tùy chọn này. Khi nhấn nút nguồn, dữ liệu trong ổ cứng sẽ được máy chuyển sang RAM và bạn có thể tiếp tục công việc khi màn hình bật lên.
Dù thời gian hồi phục có lâu hơn Sleep, nhưng trong đa số trường hợp đều nhanh hơn đáng kể so với Shut Down. Thời gian khởi động nếu chọn Hibernate còn phụ thuộc vào tốc độ của ổ cứng, nếu dùng SSD thì khoảng thời gian đó là rất nhanh, chỉ trong khoảng 10-20 giây.
Cách kích hoạt Sleep hoặc Hibernate
Một số mẫu máy Windows mới hiện nay đều được thiết lập sẵn để tự động Sleep sau một thời gian không sử dụng, và một lúc sau sẽ chuyển sang Hibernate. Còn hầu hết laptop các loại đều sẽ tự động Sleep khi được đóng nắp và tự ngủ dậy khi người dùng mở nắp máy.
Bạn vẫn có thể tùy chỉnh khoảng thời gian mà máy sẽ tự Sleep sau một lúc không sử dụng bằng cách vào Control Panel -> Power Options -> Change When the Computer Sleep để tùy chỉnh các thiết lập mà bạn ưa thích. Bạn cũng có thể thiết lập để máy tự Sleep (hoặc Hibernate) khi nhấn nút nguồn bằng cách vào Control Panel -> Power Options -> Choose What The Power Button Does để thiết lập theo ý thích. Song, nếu thích dùng Hibernate thì bạn sẽ phải kích hoạt trước tính năng này.
Cách kích hoạt Hibernate trên Windows 8/Windows 10:
- Bước 1:
+ Trên Windows 8: Nhấn Ctrl+I -> Control Panel -> Power Options
+ Trên Windows 10: Nhấn Ctrl+I -> System -> Power & Sleep -> Additional power settings
+ Cách bổ sung: Nhấn Ctrl+R -> nhập powercfg.cpl
- Bước 2: Chọn Choose what the power buttons down -> Change settings that are currently unavailable
- Bước 3: Đánh dấu chọn Hibernate ở mục Shutdown settings
- Bước 4: Chọn Save changes
Đừng lo lắng về lượng điện tiêu thụ
Có lẽ nhược điểm duy nhất nếu sử dụng Sleep chính là máy sẽ tiêu thụ một lượng điện nhất định trong suốt quá trình lúc máy không được sử dụng. Tuy nhiên, lượng điện tiêu thụ này cực kỳ thấp và bạn cũng không cần quá lo lắng về hóa đơn tiền điện hằng tháng.
Tương tự, nếu dùng pin trên laptop thì Sleep cũng sẽ tiêu thụ một lượng pin nhất định. Tuy nhiên, do luôn được thiết kế để tự Sleep sau vài giờ nên bạn cũng không phải lo lắng việc nó sẽ tiêu thụ pin đến hết thì thôi. Nếu so với máy tính để bàn thì Sleep trên laptop mang đến bạn rất nhiều sự thuật tiện.
Dù thế nào, nếu vẫn lo lắng về vấn đề tiêu thụ năng lượng của Sleep thì Hibernate sẽ là sự lựa chọn thay thế phù hợp dành cho bạn.
Lỗi lầm cũng không thành vấn đề
Một số người nghĩ rằng nên khởi động lại Windows hoàn toàn để các tính năng được hoạt động đúng trở lại, nhưng trường hợp đó là rất ít gặp. Tất nhiên, bạn vẫn sẽ phải khởi động lại Windows trong trường hợp bắt buộc (cài đặt một bản cập nhật, driver hay phần mềm nào đó). Ngoài các trường hợp trên, không nhất thiết phải Shut Down máy hằng ngày. Còn nếu máy của bạn phải khởi động lại nhiều lần thì bạn nên xem lại vì nó đã có một số vấn đề.
Một số mẫu máy đời cũ có thể không hoạt động tốt với Sleep hoặc Hibernate, vấn đề đó đến từ phần cứng. Trong trường hợp này, có lẽ Shut Down sẽ phù hợp với bạn hơn.
Bên cạnh đó, các hệ thống Linux cũng không hoạt động tốt với Sleep hoặc Hibernate, đó cũng là lý do tùy chọn Hibernate bị vô hiệu hóa mặc định trên Ubuntu. Song, nếu hệ thống của bạn được nhà sản xuất hỗ trợ tốt cho Linux thì bạn vẫn có thể an tâm dùng Sleep hoặc Hibernate như bình thường.
Kết luận
Như vậy, có thể khẳng định Shut Down chỉ nên sử dụng trong một số trường hợp bất khả kháng hoặc cho những chiếc máy đời cũ, còn Sleep hoặc Hibernate chính là lựa chọn tối ưu, thuận tiện nhất mà chúng tôi khuyên bạn đọc nên sử dụng cho chiếc máy tính của mình.
Tác giả bài viết: Phúc Thịnh