Trung Quốc tuyên bố 'không khuất phục bá quyền' ở Shangri-la
- 13:37 04-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đô đốc Trung Quốc tuyên bố đến diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la để nghe lý lẽ chứ không để tranh cãi và sẽ không khuất phục trước kẻ mạnh.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc (trái) tuyên bố tới Shangri-la để nghe lý lẽ, không khuất phục bá quyền. Ảnh: Reuters
Tờ Global Times của Trung Quốc cáo buộc truyền thông phương Tây "đổ dầu vào lửa" khi mô tả Đối thoại Shangri-la, diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giống như "cuộc đối đầu Mỹ - Trung". Bài báo cho rằng "không gian hợp tác" giữa Trung Quốc và Mỹ là rất rộng, vấn đề Biển Đông hoàn toàn có thể được giải quyết ổn thỏa.
Đoàn Trung Quốc đến Shangri-la không phải để cãi nhau, cũng không tới để nói riêng về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tại Shangri-la cho biết. Theo đó, Trung Quốc sẽ tận dụng triệt để diễn đàn này để nói về chính sách và thực tiễn an ninh, thúc đẩy hợp tác hòa bình.
Đây là lần thứ hai ông Tôn dẫn đầu đoàn Trung Quốc trên cương vị phó tổng tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Trước chuyến đi, ông Tôn ngang nhiên tuyên bố các đảo, đá tại Trường Sa của Việt Nam "hoàn toàn thuộc chủ quyền Trung Quốc". Đô đốc Tôn cũng biện bạch việc xây dựng đảo nhân tạo không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, không nhằm vào quốc gia nào.
Ông Tôn sẽ phát biểu tại Shangri-la hôm 5/6, tập trung vào "căn cứ lý lẽ, dùng lý lẽ thuyết phục" các nước tại Shangri-la. "Trung Quốc sẽ dùng thái độ bình tĩnh để nói về chủ quyền, không mắc bẫy dư luận tiêu cực. Trung Quốc cũng sẽ dùng diễn đàn để nói lên sự thực về những gì quân đội chúng tôi đang làm", ông Tôn nói.
Phó tổng tham mưu trưởng PLA cũng tuyên bố Trung Quốc là nước "có trách nhiệm" trong các nghĩa vụ quốc tế, nhưng "thiếu diễn đàn" để phát biểu, không tìm được "phản ứng đúng đắn" từ thế giới.
"Có lý lẽ thì đi được khắp nơi, không có lý thì nửa bước cũng khó di chuyển. Nhân dân và quân đội Trung Quốc xưa nay tin vào lẽ phải, không khuất phục trước bá quyền", ông tuyên bố.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo trái phép 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo phi pháp. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông. Tại các kỳ Đối thoại Shangri-la gần đây, hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước, trong đó có Mỹ.
Tác giả bài viết: Văn Việt