Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tại sao nhiều giáo viên thờ ơ, chán nản với đổi mới giáo dục?

Một số giáo viên bây giờ rất thiếu niềm tin vào sự đổi thay, phát triển và suy giảm động lực phấn đấu, thờ ơ trước những đổi mới của ngành giáo dục.
LTS: Giáo viên sẽ là những người đầu tiên trực tiếp truyền đạt tới học sinh những đổi mới trong các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều giáo viên tỏ ra chán nản, mệt mỏi khi nhận được những chủ trương đổi mới. Tại sao lại như vậy?

Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc với tư cách là một nhà quản lý tại một đơn vị giáo dục, thầy chỉ ra lí do khiến giáo viên thờ ơ, chán nản với đổi mới giáo dục. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Có thể nói, chưa bao giờ ở bậc giáo dục phổ thông từ tiểu học đến THPT lại có nhiều đổi mới, cải tiến như hiện nay.

Từ năm học 2014-2015, bậc tiểu học có điều chỉnh lớn, đánh giá năng lực, kết quả học tập của học sinh bằng những lời nhận xét thay vì cho ghi điểm số cụ thể (Thông tư 30).

Sau hai năm thực hiện Thông tư này, kết quả không đạt được như mong muốn vì nhiều ý cho rằng học sinh lười học hơn, giáo viên quá vất vả, luôn bị “hành xác” bởi các loại nhận xét, lời phê trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, sĩ số lớp học quá đông.

 
doi moi gd
Tại sao nhiều giáo viên thờ ơ, chán nản với đổi mới giáo dục?

Năm 2016, là năm thứ hai, cả nước thực hiện kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” vừa để công nhận kết quả tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào Đại học, cao đẳng.

Một số bất cập, khó khăn…từ khâu kỹ thuật, đăng ký hồ sơ đến công tác coi thi, chấm thi của kỳ thi năm ngoái đã được Bộ GD&ĐT nhận thấy và có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết.

Đến nay công tác chuẩn bị của các trường, địa phương về cơ bản hoàn tất, với hy vọng kỳ thi quan trọng này diễn ra từ ngày 1-4/7 sắp tới sẽ thành công, giảm thiểu thấp nhất những sai sót.  

Việc Bộ GD&ĐT quy định điểm học bạ lớp 12 tham gia vào xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng về mặt chủ trương, mục tiêu giáo dục là hoàn toàn phù hợp, đúng đắn.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, không ít nhà trường, giáo viên vẫn chạy theo căn “bệnh” thành tích, “thương hại” học sinh của mình dẫn đến ghi điểm, đánh giá học lực có hiện tượng tháo khoán, đẩy điểm lên quá cao so với sức học của trò.  

Sự “biến thái” này tại nhiều nhà trường, giáo viên…khiến dư luận xã hội tiếp tục quan ngại về tính công bằng, chất lượng giáo dục ở nhà trường phổ thông hiện nay.

Cũng trong năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tại nhiều trường trung học cơ sở. Theo Bộ GD&ĐT mô hình này hướng học sinh phát triển toàn diện, tự rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế.

Ưu điểm của mô hình VNEN là chuyển từ cách dạy  đọc chép sang phát huy tính chủ động, tự học, tự quản của học sinh theo nhóm. Giáo viên thay vì giảng dạy, truyền thụ kiến thức thì chỉ hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh...

Một số tài liệu dạy học cho mô hình trên đang được Bộ GD&ĐT điều chỉnh để phù hợp với chương trình thay sách giáo khoa năm 2018 sắp tới.

Hàng loạt đợt tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, về sử dụng công nghệ thông tin, về đổi mới công tác quản lý giáo dục, về các hội thi, cuộc thi…được tổ chức rầm rộ, thường xuyên hơn.

Giáo viên cốt cán, các thành viên trong hội đồng chuyên môn của Phòng, Sở GD&ĐT khá vất vả, bận rộn trước một rừng công việc, núi đổi mới của Bộ GD&ĐT. 

 Mục đích hướng tới của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng, qua hàng loạt hoạt động, cải tiến, đổi mới ấy, là để thầy cô giáo  làm quen, thích nghi dần với cách tiếp cận dạy học mới, phát huy tối đa năng lực của người học và đến năm học 2018-2019 sẽ cho triển khai đại trà, đồng bộ bằng chương trình, nội dung, sách giáo khoa mới.
 
Trước “làn sóng” đổi mới mạnh mẽ của ngành giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo bậc giáo dục phổ thông- những người trực tiếp truyền thụ những cái mới đó đến với học sinh các khối, lớp của mình đảm nhiệm, đã có suy nghĩ, phản ứng và cách tham gia, nhập cuộc như thế nào?  

Cô giáo Nguyễn Thị Lê Minh, dạy môn Hóa học, ở một trường THPT thuộc tỉnh Quảng Bình, cho biết:

“Tôi nhận thấy, số giáo viên trẻ rất hăm hở, hứng thú với cái mới, trong khi đó số  giáo viên có tuổi lại không mấy mặn mà, hứng thú, khi được phân công thường đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm, công việc cho người khác.

Có một khuynh hướng khá rõ trong nhận thức của anh, chị em giáo viên, lúc đầu thì rộn ràng, nhiệt tình, nhưng về sau thì mệt mỏi.

Thành ra, những cái mới của trên phát động thiếu đi “sức sống” lâu dài nơi trường học nên chất lượng, tính đồng bộ trong dạy học không cao.”

Với tư cách là người quản lý, cô Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Văn, Quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh, trăn trở:

“Khi nhận được chủ trương từ trên xuống chúng tôi thường họp hội đồng, phổ biến trước tới các giáo viên. Với những mô hình phức tạp còn tổ chức tập huấn.

Tuy nhiên, khi thực hiện gặp phải rào cản là một bộ phận giáo viên tỏ ra thờ ơ. Họ cho rằng có đổi mới hay không cũng không thay đổi nhiều trong cách giáo dục.

Mặc dù học theo kiểu tích hợp đã được áp dụng mấy năm nay, thế nhưng tới giờ nhiều học sinh vẫn rất mơ hồ về việc này. Hầu hết học sinh trông chờ vào sự hướng dẫn của giáo viên nhưng giáo viên lại tỏ ra khá thờ ơ, vẫn duy trì cách dạy và yêu cầu cũ.

Từ đó dẫn đến chuyện “bình mới nhưng rượu cũ” làm tốn công sức, tiền bạc mà hiệu quả không tới đâu”. (trích Báo Thanh niên ngày 28/5 trong bài viết: “Khi giáo viên ngại đổi mới”).

Cần nói thêm rằng, một số giáo viên bây giờ rất thiếu niềm tin vào sự đổi thay, phát triển và suy giảm động lực phấn đấu, tự rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, có dấu hiệu nguội lạnh, vô cảm trước những đổi mới của ngành giáo dục.

“Tư tưởng” không thông; suy nghĩ, nhìn nhận theo hướng lệch lạc, tiêu cực của một bộ phận thầy cô giáo phổ thông đang đẩy những mục tiêu tốt đẹp của giáo dục vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, “sống dở, chết dở”.

Thầy Ngô Văn Hải, Hiệu trưởng, trường THPT Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ:

“Giáo dục phổ thông của ta còn lạc hậu, yếu kém so với khu vực và thế giới. Những cải tiến, đổi mới hiện nay của Bộ là cần thiết để tiến kịp thiên hạ.
 
Xong những yêu cầu, nỗ lực, trách nhiệm và cả tâm huyết của đội ngũ giáo viên càng lớn, càng nặng nề hơn.

Chẳng hạn, thiết kế được 1 giáo án mới dưới dạng bài học minh họa, bài học tương tác, bài học tích hợp liên môn…hiện nay giáo viên phải tốn kém thời gian, công sức, ý tưởng gấp nhiều lần so với cách soạn và dạy truyền thống trước đây.

Nếu cấp quản lý không chỉ đạo tốt, giáo viên hời hợt, sơ sài thì những công việc đổi mới bộn bề này khó thành công, rồi mọi thứ dễ đâu vào đấy, đầu voi đuôi chuột.” 

Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, trong thời gian tới, có đạt được kết quả tốt như kỳ vọng hay không, theo chúng tôi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quản lý giáo dục và chất lượng đội ngũ giáo viên luôn ở vị trí trung tâm, quyết định nhất.

Thực tế chứng minh, nơi nào, đơn vị nhà trường nào, cấp quản lý từ tổ trưởng, tổ phó đến ban giám hiệu, nhất là Hiệu trưởng có nhận thức tốt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, yêu cầu đổi mới của cấp trên thì đơn vị đó sẽ làm tốt, có chất lượng, học sinh được hưởng lợi nhiều nhất.

Do vậy, ở các đơn vị trường học, cần có cuộc “thay máu” về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, chọn lựa những con người, thầy cô giáo có năng lực, thật sự tâm huyết với nghề, luôn có “lửa” đổi mới, đồng thuận với những chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục.

Hiệu trưởng, lãnh đạo quản lý không chịu “động”, không chịu “đổi mới”, không chịu gánh vác và chia sẻ những áp lực, khó nhọc của thầy cô giáo thì cấp dưới, đội ngũ làm sao có niềm tin, động lực để làm, để đổi mới?

Hơn nữa, yếu tố vật chất, chính sách đãi ngộ, lương bổng dành cho nhà giáo cũng là một động lực rất quan trọng trong điều kiện lương giáo viên còn thấp, không đủ sống, phải bươn chải nhiều thứ khác.

Nếu chỉ hô hào, lý thuyết suông mãi, giáo viên chẳng còn tin nữa. Lương bổng, đãi ngộ tương đối thỏa đáng, tức khắc ý thức, trách nhiệm của nhiều thầy cô giáo sẽ tốt hơn, dành thời gian, toàn tâm cho nghề nghiệp.
 
Khi ấy, cần xây dựng cơ chế mở, cạnh tranh, minh bạch, rõ ràng hơn về việc sa thải những giáo viên, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, lười nhác trong đổi mới dạy học.

Hàng năm, mỗi địa phương, từng trường học đều có diện chuyển đổi công tác hoặc cho nghỉ việc và tuyển dụng, bổ sung giáo viên mới.

Các cơ sở giáo dục công lập luôn trong trạng thái động, trạng thái cạnh tranh (như các nước trên thế giới) thì chắc chắn bức tranh giáo dục sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Mặt khác, các nhà hoạch định nội dung, chương trình, biên soạn sách giáo khoa trước khi viết, triển khai cách làm đừng lấy nguyên mẫu từ nước ngoài, cần bám sát vào thực tiễn Việt Nam.

Chứ không nhất thiết đổi mới ồ ạt (khiến giáo viên chán ngán, mỏi mệt), làm chậm mà chắc, làm cái nào ra cái nấy thì mới mong có hiệu quả, tạo được hứng khởi, động lực mới cho giáo viên gắn bó, tâm huyết với nghiệp “ trồng người.”


 

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc