Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhức nhối nạn buôn bán phụ nữ ở miền núi Nghệ An: Kỳ cuối - Tìm nhiều cách chặn từ gốc

Dù nhà nước đã có nhiều chính sách, cơ chế xóa đói giảm nghèo, nhưng cuộc sống đồng bào vùng núi cao ở Nghệ An ở một số vùng vẫn còn hết sức khó khăn, dân trí thấp, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Đây là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm buôn bán người tung hoành. Nếu không giải quyết vấn đề từ gốc, thì tệ nạn rất khó diệt trừ.
Nhức nhối nạn buôn bán phụ nữ ở miền núi Nghệ An: Kỳ 1 - Tan nát vì nạn buôn người sang Trung Quốc

bn2 OLTZ
bn1 knwf
Phụ nữ làm việc tại HTX Hương Sơn (xã Phà Đánh). Ảnh: Vũ Huyền

Hàng “quay”

Ông N., cán bộ huyện Kỳ Sơn cho biết, tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm phụ nữ làm “hàng quay” rất nhiều. “Trước đây, tôi thấy tay đàn ông tên Thủy (người Hà Tĩnh) lên đây nhiều lần để tuyển các cô gái trẻ đi làm công ty “cave” ở Xuân Thành. Tôi cảnh báo nhiều lần, nên hắn sợ, không dám trở lại nữa”, ông N. kể. Ông Xeo Văn Dung, trưởng bản Huồi Thợ cũng nói toẹt luôn: “Có con gái ở đây đi làm ở Xuân Thành, sau đó về đi Trung Quốc lấy chồng”.  Được biết, thủ đoạn của các công ty “cave” này là rủ rê các cô gái trẻ, nhẹ dạ đi làm “việc nhẹ, lương cao”. Tại các động mại dâm, các cô gái này được nuôi ăn và trả “lương” hàng tháng, khoảng 5 - 6 triệu, số tiền lớn có được từ thân xác các cô rơi vào tay chủ chứa. Sau khi làm “công ty” một thời gian, các cô gái về lấy chồng hoặc đi Trung Quốc lấy chồng.

“Phụ nữ giờ họ có nhiều quyền”, anh Moong Văn Hải, công an viên bản Lưu Thắng (Chiêu Lưu) nói ngắn gọn về tình trạng phụ nữ làm “hàng quay”. Chuyện phụ nữ ở đây có chồng con rồi bỏ đi Trung Quốc lấy chồng, sau trở về lấy chồng Việt, hoặc đã có chồng con ở Trung Quốc bỏ về Việt Nam lấy chồng là tương đối bình thường. “Như con Ch., đã có chồng, con ở Trung Quốc, vừa rồi về có một người là trai tân đến ở rể cùng, sống chung nhưng chưa làm lễ cưới”, anh Hải kể. Hỏi, chàng trai kia có biết lai lịch của vợ không, ông Moong Hải Xoài, Bí thư bản nói: “Biết chứ, nhưng vẫn lấy”. Theo điều tra, hiện nay toàn huyện Kỳ Sơn có hàng trăm phụ nữ đi làm ăn xa không rõ địa chỉ, nhiều người không liên lạc với gia đình, trong đó có hiện tượng phụ nữ làm việc tại các khu du lịch, nghỉ mát, nơi có các dịch vụ nhạy cảm. Đến tháng 4.2016, toàn huyện Tương Dương có 1.549 lao động làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc, trong đó có 859 phụ nữ. Trong số đó, không biết bao nhiêu người làm việc tại các công ty, bao nhiêu người đã “yên bề gia thất” với người Trung Quốc.

 Điều tra khó khăn

 Nhiều tội phạm buôn người trước đây là nạn nhân, sau khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì quay lại, dụ dỗ hàng xóm, người thân đi Trung Quốc kiếm lời. Chuyện mẹ bán con, chị bán em đã có trong hồ sơ công an. Mối lợi “khủng” đã khiến không ít kẻ bất chấp tất cả, lao vào nghề “buôn thịt bán người”. Tại xã Hữu Kiệm, từ năm 2013 đến 2015, có 22 người (9 phụ nữ) bị truy tố vì buôn bán người, nay vẫn còn 20 người đang ở tù. Có trường hợp cả vợ chồng cùng dắt nhau vào tù. Từ năm 2012 đến 2015, xã Tam Đình (huyện Tương Dương) có 4 đối tượng bị bắt giữ về hành vi buôn bán người. Ngày 6.5 vừa qua, công an huyện Tương Dương phá thành công chuyên án bắt cóc trẻ em, trao trả cháu M.T.M. (4 tuổi) cho gia đình (trú xã Xá Lượng). Cháu M. bị bắt cóc từ tháng 4, được các đối tượng đưa sang Trung Quốc bán với giá 70 triệu đồng.

 
bn3 wxxo
Lều của Xeo Văn Phing bỏ hoang vì vợ đi sang Trung Quốc lấu chồng, đem theo con gái

Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. “Điều tra tội phạm này rất khó, do địa hình trải rộng, hiểm trở, công tác thu thập tài liệu khó khăn”, thiếu tá Hạ Bá Lỉa, Đội trưởng Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an huyện Kỳ Sơn cho hay. Các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh quá khó khăn, nhận thức kém của người dân, dùng nhiều hình thức dụ dỗ, tuyên truyền để đưa các phụ nữ, trẻ em gái bán cho người Trung Quốc lấy làm vợ. Nhiều gia đình cũng không nhận thức được việc thỏa thuận, nhận tiền từ môi giới rồi cho con đi Trung Quốc lấy chồng là tiếp tay cho nạn buôn người, nên không những không tố cáo, mà còn bất hợp tác với cơ quan điều tra. Không ít trường hợp, các “nạn nhân” được giải cứu đưa về nhà, sau đó lại tự bỏ đi. Và một số không nhỏ phụ nữ được đưa sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp hay lấy chồng cũng không thừa nhận mình là “nạn nhân”.

Theo ông Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương, việc điều tra án buôn bán người thường gặp trường hợp đối tượng về nước, nhưng nạn nhân đang ở nước ngoài, và ngược lại. Các đối tượng luôn tìm cách thỏa thuận, đền bù tiền cho gia đình nạn nhân để “mua” sự im lặng” là cơ quan điều tra bó tay. “Một số trường hợp biết rõ bản chất đó, nhưng điều tra thành án không dễ”, ông Tú nói.  

Tệ buôn người vẫn có thể bùng phát trở lại

Là một trong 63 huyện nghèo của cả nước, đến nay Kỳ Sơn còn hơn 65% hộ nghèo, Tương Dương còn 49,7% hộ nghèo. Cả hai địa phương này số doanh nghiệp lèo tèo trên đầu ngón tay, giải quyết việc làm cho thanh niên là vấn đề bức bách. Đói nghèo, nghiện ngập, bạo lực gia đình là những nguyên nhân khiến phụ nữ ly hương. Ngoài việc lấy chồng Trung Quốc hay làm các dịch vụ nhạy cảm, nhiều chị em còn bán sức lao động với giá hết sức rẻ mạt trong điều kiện nguy hiểm tại các bưởng vàng ở Quảng Nam, thậm chí đi làm về tay trắng. Nhiều gia đình tan nát, phụ nữ thân tàn ma dại. “Tìm hiểu hoàn cảnh chị em, thương lắm, đau lắm”, chị Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn ngậm ngùi. Ánh mắt chị Huyền lấp lánh niềm vui khi giới thiệu về mô hình HTX Hương Sơn tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh của gia đình chị Nguyễn Thị Long (quê Hà Tĩnh), chuyên sản xuất chăn nuôi giống cây, con, kinh doanh, dịch vụ và sơ chế sản phẩm nông nghiệp. Dù quy mô nhỏ, doanh thu cỡ vài tỉ/năm, nhưng cái lớn lao là doanh nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên cho 50 phụ nữ, lương 4 - 6 triệu/tháng. Trong số đó, 18 chị gia đình hoàn cảnh khó khăn, nuôi bố mẹ già, ốm đau, con cái nheo nhóc, nhiều chị chồng nghiện, bị ngược đãi. “Được nhiều mô hình như thế này thì chị em sẽ không bỏ đi xa nữa”, chị Huyền nói. Nhưng điều chưa vui là toàn huyện mới chỉ có duy nhất HTX Hương Sơn giải quyết được nhiều việc làm cho phụ nữ địa phương, còn đa số các doanh nghiệp khác, vốn đã cần ít lao động, lại còn đưa người dưới xuôi lên làm.

Xuất phát từ một điểm nóng của tình trạng buôn bán người, Công an tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh và các cơ quan chức năng huyện Tương Dương đã xây dựng mô hình CLB “Phòng chống buôn bán người” tại bản Tam Bông, xã Tam Đình. Qua hai năm hoạt động, số hội viên tăng lên 72 người. Cứ 3 tháng một lần, chị em lại tập trung sinh hoạt văn nghệ, nghe hướng dẫn các kỹ năng di cư, làm việc an toàn, học tập các mô hình phát triển kinh tế, giúp nhau làm ăn, giáo dục con cái. Từ một điểm “nóng”, Tam Bông trở thành điểm sáng, góp phần làm cho các làng bản bình yên. Nhận thức cần “gieo mầm” cho lớp trẻ, từ năm 2014, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp với Phòng GD – ĐT Kỳ Sơn mở các lớp xóa mù chữ. Đến nay đã mở được 16 lớp với 472 học viên, trong đó 450 nữ. “Chúng tôi vừa dạy văn hóa, vừa tuyên truyền cho các em về pháp luật, đạo đức xã hội, kỹ năng sống, lập nghiệp để giúp các em biết cái đúng cái sai, tự bảo vệ mình, từ đó lan tỏa trong cộng đồng”, chị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn tâm đắc.

Giải quyết việc làm bằng con đường xuất khẩu lao động tại các vùng miền núi còn rất nhiều khó khăn. Cả huyện Kỳ Sơn năm 2015 chỉ có khoảng 30 người đi theo các chương trình, chưa bằng một xã dưới xuôi. Huyện Tương Dương năm 2015 chỉ có 24 người, nửa năm 2016 mới chỉ có 10 người xuất khẩu lao động. “Dân xuất khẩu lao động phần thì chờ đơn hàng lâu, phần thì vay tiền không được. Phía doanh nghiệp không muốn đưa dân đi theo chương trình 30a , có lẽ ngại thủ tục, còn dân thì muốn đi theo 30a”, ông Kha Đình Phê, Trưởng Phòng LĐTBXH Tương Dương giải thích. Đa số người muốn xuất khẩu lao động đều không thể vay được tiền ngân hàng, vì tài sản thế chấp không có gì đáng giá. Một số người do hạn chế về nhận thức, kỹ năng nên không thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, dân chỉ còn cách đi lao động chui, theo cò mồi vào các con đường của tệ nạn và đầy rủi ro.

Theo các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm mua bán người ở Nghệ An năm 2016 so với năm trước đã giảm nhiều. Nhưng, nếu không có những giải pháp căn cơ là tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nâng cao dân trí, thì tệ nạn này vẫn âm ỉ và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, bởi các gốc của nó vẫn còn đó.

Tác giả bài viết: Quang Đại