Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh - Hiệu quả từ Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 và Bác sỹ gia đình: Khi tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật

Nhờ được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cao từ các bệnh viện tuyến trên thông qua Đề án 1816, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế và trạm y tế xã tại Nghệ An đã được tiếp cận với công nghệ hiện đại. Đề án đã góp phần nâng cao tay nghề đội ngũ y, bác sỹ tuyến cơ sở, giảm đáng kể lượng bệnh nhân chuyển tuyến, tạo niềm tin cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
khi tuyen duoi lam chu duoc ky thuat
Nữ hộ sinh tại Trạm Y tế xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Ảnh N.Mai


Hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tuyến

BS Moong Thị Thắm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Kỳ Sơn cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2016, tại BVĐK Kỳ Sơn có 7.286 lượt người khám chữa bệnh. Số bệnh nhân điều trị nội trú là 2.515 lượt người, đạt 109% so với chỉ tiêu kế hoạch. Công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện đạt 102%. Điều trị phẫu thuật cho 86 ca trong đó, phẫu thuật cấp cứu 80 ca, phẫu thuật kế hoạch 6 ca. Đặc biệt, tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng; điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân nặng không phải chuyển lên tuyến trên giúp cho người bệnh đỡ chi phí đi lại và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Kết quả khả quan trên là nhờ hiệu quả của Đề án 1816. Từ khi thực hiện Đề án, BVĐK Kỳ Sơn đã được tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An như kỹ thuật đặt nội khí quản; hô hấp nhân tạo; hồi sức cấp cứu sơ sinh; sốc điện cấp cứu… Từ đó, áp dụng thực hiện một số kỹ thuật cao trong lâm sàng và cận lâm sàng tại bệnh viện, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám và điều trị cho nhân dân, tạo được niềm tin cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Báo cáo kết quả hoạt động công tác y tế năm 2015 tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho thấy: Năm 2015, 18/18 xã trên địa bàn huyện có bác sỹ làm việc thường xuyên tại trạm y tế. Trong đó, 6/18 Trạm y tế xã (xã Tam Quang, Xá Lượng, Yên Na, Nga My, Xiêng My, Tam Hợp) được tăng cường bác sỹ theo Đề án 1816 từ Trung tâm Y tế huyện và BVĐK Tương Dương theo để hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị ban đầu cho người bệnh; hướng dẫn trồng cây thuốc nam và sử dụng cây thuốc nam để chữa một số bệnh thông thường theo y học cổ truyền và kết hợp điều trị theo y học hiện đại cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, các bác sỹ đã tiến hành hướng dẫn một số kỹ thuật cấp cứu thông thường như xử lý các trường hợp bị gãy xương hay các vết thương khác ngay tại Trạm y tế xã đồng thời giám sát hoạt động chuyên môn nhằm phân loại và xử trí bao vây ổ dịch khi có dịch bệnh xảy ra tại cơ sở.

Nâng cao tay nghề của đội ngũ y, bác sỹ

Thực hiện Đề án 1816, trong năm 2015, có ba bệnh viện tuyến tỉnh của Nghệ An được nhận chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến Trung ương là Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Ung bướu. Trong đó, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An được tiếp nhận chuyển giao công nghệ luân phiên từ hai bệnh viện tuyến Trung ương là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Mắt Trung ương. Các kỹ thuật chuyển giao bao gồm: Kỹ thuật chụp và đọc phim CT, kỹ thuật chụp và đọc phim MRI; kỹ thuật hồi sức cấp cứu cơ bản; lọc máu liên tục; nội soi đại, trực tràng; khám điều trị bệnh võng mạc ĐTĐ bằng laser. Ngoài ra, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An còn thường xuyên tổ chức các hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện Trung ương để nâng cao trình độ chuyên môn và điều trị thành công những ca bênh khó tại chỗ.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, nhiều kỹ thuật hiện đại được chuyển giao từ Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Tim Hà Nội như can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim hở; tập huấn cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và phòng bệnh sốt xuất huyết. Các kỹ thuật liên quan đến điều trị ung thư như hóa trị một số bệnh ung thư đầu, cổ, phụ khoa, tiết niệu; xạ trị một số bệnh ung thư đầu, cổ, phụ khoa, tiết niệu cũng được Bệnh viện K Trung ương cử người tập huấn, chuyển giao cho Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

Tương tự, trong năm 2015, bốn bệnh viện tuyến tỉnh của Nghệ An là Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản Nhi; Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nội tiết đã tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao công nghệ tới một số bệnh viện tuyến huyện. Từ đó, tiếp tục chuyển giao kỹ thuật tới mạng lưới các Trạm y tế xã nhằm nâng cao tay nghề của đội ngũ y, bác sỹ tại các tuyến y tế cơ sở, góp phần xử lý tại chỗ những ca bệnh khó, hạn chế việc người bệnh phải chuyển tuyến, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nghệ An, việc triển khai Đề án 1816 đã đem lại nhiều kết quả tích cực, phù hợp với tình hình thực tiễn, khắc phục những khó khăn về tình trạng thiếu bác sỹ đồng thời đưa các dịch vụ y tế chuyên sâu về tận cơ sở.

Việc tăng cường chuyển giao kỹ thuật giúp nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên nhất là bệnh viện tuyến Trung ương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tính công bằng trong thụ hưởng các dịch vụ y tế.

 
Để duy trì và phát huy những hiệu quả sâu rộng của Đề án, hàng năm, Sở Y tế Nghệ An có công văn yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật; kế hoạch luân phiên người hành nghề.

Các bệnh viện tuyến tỉnh đã lập kế hoạch gửi cán bộ đi đào tạo tại các bệnh viện Trung ương; lập kế hoạch hội thảo và khảo sát nhu cầu đào tạo liên tục cho các bệnh viện tuyến dưới, lấy đó làm căn cứ xây dựng kế hoạch và cử cán bộ xuống cơ sở đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Các bệnh biện tuyến huyện xây dựng kế hoạch bao gồm các yêu cầu cần chuyển giao và tiếp nhận kỹ thuật đồng thời cử cán bộ xuống đào tạo cho tuyến y tế xã. Ngoài ra, phòng y tế các huyện, thành, thị xã tăng cường giám sát chặt chẽ các cán bộ luân phiên về địa phương theo Đề án 1816.

 

Tác giả bài viết: Mai Thùy