Buồn vui chuyện xóa mù chữ ở miền tây xứ Nghệ
- 10:09 01-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện ở Nghệ An có khoảng 15.000 người trong độ tuổi từ 15 - 60 không biết chữ, tập trung hầu hết ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hàng năm, Sở GD&ĐT mở các lớp xóa mù chữ vào tận các bản làng, để người dân thuận tiện đến lớp. Tuy nhiên câu chuyện xóa mù ở Nghệ An, có nhiều niềm vui, nhưng cũng lắm nỗi buồn.
Lớp học xóa mù chữ ban đêm tại trường Tiểu học Mường Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Học để đọc tin nhắn của chồng
Năm 2015, Nghệ An có 112 lớp xóa mù chữ, tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông… với 2.208 học viên. Trong đó, cao nhất là huyện Kỳ Sơn, với 52 lớp, 1046 học viên; Con Cuông 20 lớp, với 391 học viên và Quỳ Châu 21 lớp, 498 học viên. Tín hiệu mừng của công tác xóa mù chữ là các học viên rất hào hứng đến lớp, chịu khó và kiên trì trong việc học tập. Việc học xóa mù đã trở thành niềm vui của bà con nơi đây, vì những lợi ích thiết thực trong cuộc sống. Chúng tôi vượt hơn 300km, ghé thăm một lớp học xóa mù tại trường tiểu học Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Gần 8 giờ tối, trời vùng biên mưa rả rích, tiếng đánh vần của các chị, các mẹ vẫn râm ran, xen lẫn với tiếng cười mỗi khi có người phát âm chưa chính xác.
Lớp học này có hơn 20 học viên, hầu hết là những người đã lớn tuổi. Ai nấy đều rất vui và hào hứng mỗi khi được đến lớp để xóa mù. Chị Cụt Thị Nhiên, 33 tuổi, ở bản Xốp Phe, xã Mường Típ, khi được hỏi động lực nào khiến chị đến lớp để xóa mù, chị cười: “Học để đọc thiếp mời đám cưới. Giừ thấy học hay lắm, học để hiểu biết về xã hội, vui lắm, chưa nghỉ buổi mô từ năm ngoái đến giừ”. Còn chị Moong Thị Mưu, cũng ở bản Xốp Phe, học tại lớp xóa mù Mường Típ, cho biết: “Học để đọc tin nhắn của chồng. Chồng đi làm thuê trong miền Nam, gọi điện về tốn tiền lắm, nên nhủ học để đêm đêm nhắn tin với nhau đỡ tốn tiền điện thoại. Nhưng mà giừ học biết đọc các loại giống lúa là nếp hay tẻ nên thấy vui lắm”.
Ông Trần Hữu Trường, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, người được giao phụ trách mảng xóa mù chữ, cho biết: “Năm 2015, chúng tôi triển khai được 16 lớp 1, 2, 3, 2 lớp 4, 5. Bà con rất phấn khởi và hào hứng học. Nhiều xã sau khi mở xong lớp 1 mà chưa có thời gian để tiếp tục mở lớp 2 thì bà con cứ đến trường hỏi khi nào thì được học tiếp. Chúng tôi cũng được Sở đánh giá là huyện làm rất tốt công tác xóa mù chữ”.
Chia tay Mường Típ, chúng tôi ghé thăm lớp học xóa mù chữ tại trường tiểu học Huồi Tụ II. Tại lớp học này cũng có gần 30 học viên. Cũng vẫn tiếng ê a đọc bài và những tràng cười vui nhộn mỗi khi có người đọc sai. Chị Nguyễn Thị Vòn, sinh năm 1969, cười tươi cho biết: “Có 4 đứa con, lấy vợ, lấy chồng cả rồi, nó đều biết đọc cả, riêng mình không biết đọc, khi coi ti vi hỏi toàn bị hắn lừa, nên đi học cho biết thôi. Giừ cũng đọc tạm tạm rồi... Học tiếp chớ, học khi mô trường không dạy nữa thì thôi”. Còn chị Vừ Y Cở, sinh năm 1977, bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ, cười tinh nghịch cho biết: “Học để hát karaoke... Nhiều khi họ mời đi hát cũng muốn đi mà không biết đọc nên buồn lắm. Giừ đọc được rồi, nhưng chưa hát được vì chữ hắn chạy nhanh quá. Hắn chạy thật chậm thì mới hát được”.
Gần 2/3 danh sách học viên không hề đi học, nhưng vẫn đạt yêu cầu tại lớp học xóa mù chữ tại trường tiểu học Châu Hoàn (huyện Quỳ Châu, Nghệ An).
Cô giáo Lê Thị Thanh dạy lớp xóa mù chữ ở trường Tiểu học Huồi Tụ II, cho biết: “Các chị, các mẹ thích học lắm. Nhiều người học chậm lắm, cô cũng phải cố gắng nắn từng tí nhưng các mẹ vẫn rất thích học”. Năm 2015, huyện Kỳ Sơn hoàn thành được 52 lớp, với 1046 học viên trên kế hoạch được phê duyệt là 66 lớp 1278 học viên, đạt 70% tỉ lệ thực hiện.
Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: “Bây giờ việc xóa mù chữ cũng rất thuận lợi vì bà con muốn học thực sự vì những lợi ích thiết thực. Hơn nữa là có cả sự vào cuộc của chính quyền địa phương nên việc xóa mù chữ thuận lợi hơn rất nhiều”.
Ngụy tạo hồ sơ để quyết toán
Theo kết quả tổng hợp từ Sở GD&ĐT Nghệ An và Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu cung cấp. Năm 2015 huyện Quỳ Châu hoàn thành được 21 lớp với 498 học viên. Tất cả 21 lớp đều hoàn thành mức độ I, tức đã học hết lớp 3 và đã đọc thông viết thạo. Tất cả đều có bài kiểm tra đánh giá kết quả đạt yêu cầu. Nhưng thực tế khi phóng viên trực tiếp xuống các bản, xã thì những người biết đọc, biết viết như “lá mùa thu”.
Tại xã Châu Thuận, gặp chị Vi Thị Biết, ở bản Nóng Hao. Đưa giấy bút cho chị viết họ tên của mình, chị không thể viết, đưa bất cứ chữ gì chị cũng không biết đọc. Còn chị Lò Thị Phong, ở bản Chiềng, chúng tôi đưa ra 50.000 đồng bảo nếu đọc được sẽ cho. Thế nhưng chị này vẫn lắc đầu không thể đọc được. Và rất nhiều, rất nhiều những người khác như Vi Thị Liên ở bản Chàng, Lương Thị Tuyết ở bản Nóng Hao, Lương Thị Hà ở bản Chiềng... đều “nửa chữ không biết”. Thế nhưng trong báo cáo của phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu thì lớp này gồm có 24 học viên đều đã hoàn thành mức I đạt yêu cầu. Cô Trần Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng trường tiểu học Châu Thuận khăng khăng rằng: “Đó không phải là học viên của bọn em. Các anh gặp nhầm người rồi”. Nhưng khi chúng tôi muốn mời cô trực tiếp đi với chúng tôi xuống bản để gặp học viên thì cô từ chối vì xã mượn địa điểm trường để tổ chức bầu cử nên bận làm việc với Chủ tịch xã. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem bài kiểm tra của các học viên thì cô này trả lời: “Bài kiểm tra lưu ở phòng (Phòng GD&ĐT) cả, ở trường không có”. Và khi trao đổi về việc học viên trả lời không biết đọc là vì cô không dạy. Có khi một tháng chỉ dạy một buổi, có khi hai buổi mà thôi. Cô Hằng đã nhanh chóng cáo bận và tiễn chúng tôi ra về.
Các chị, các mẹ rất hào hứng khi được đi học lớp xóa mù chữ tại trường Tiểu học Huồi Tụ II.
Tìm đến xã Diên Lãm, xã này cũng có một lớp xóa mù gồm 30 học viên, đã hoàn thành mức độ I và đều đạt yêu cầu. Gặp chị Vi Thị Cúc, hỏi chị có đọc, viết được không? Chị này cho biết: “Không đọc, viết được vì hết lớp 1 là em bỏ, em có học nữa mô”. Còn Lô Thị Nhâm khi gặp chúng tôi, đã ngơ ngác không hiểu chúng tôi nói gì vì không thạo tiếng kinh. Chỉ đến khi con gái dịch cho mới lắc đầu bảo không đi học. Lô Thị Hoài, người học giỏi nhất lớp này đọc, viết khá thạo, cho biết: “Lớp ban đầu có 18 người thôi. Nhưng bỏ dần đến lớp 3 thì chỉ còn lại có 6 người. Em học đến cùng không bỏ buổi mô mà”.
Đáng nói hơn là lớp học tại trường Tiểu học Châu Hoàn, theo báo cáo lớp học này có 30 học viên đã hoàn thành mức độ I, đạt yêu cầu. Tuy nhiên khi gặp rất nhiều học viên có tên trong danh sách họ lại khẳng định là mình không hề đi học bất kỳ một buổi nào. Chị Vang Thị Hương ở bàn Mờ Póm cho biết: “Có biết mô mồ, không đi học buổi mô cả, có biết viết, biết đọc mô mà làm bài kiểm tra”. Chị Hà Thị Thái, ở bản Na Xá thì khẳng định mình không biết có lớp học xóa mù chữ. Còn chị Hà Thị Xuân ở bản Pông Canh, ngơ ngác: “Có biết mô mà học, mà chồng không cho đi. Bài kiểm tra nghe nói cô làm thôi”.Lớp học tại xã Châu Hoàn, khi được hỏi có gần 2/3 lớp trả lời không hề đi học một buổi nào và hầu hết đều cho biết bài kiểm tra là do hai cô giáo Vi Thị Thủy, giáo viên trường Mầm non Châu Hoàn và cô Lê Thị Xoan trường Tiểu học Châu Hoàn làm. Trưởng bản Pờ Móm Quang Xuân Phúc cho biết: “Đầu tiên học tại nhà ta. Cũng khoảng mười mấy người chi đó. Sau rồi bỏ dần, ta còn phải đưa xe máy đến nhà chở đi học mỗi khi cần mà (khi Sở và Phòng GD&ĐT kiểm tra).
Sau chuyển sang trường học, ta cũng không biết”. Thầy giáo Trần Xuân Công, Hiệu trưởng trường tiểu học Châu Hoàn khẳng định: “Học viên đi học đầy đủ và đạt yêu cầu”. Khi chúng tôi muốn xem hồ sơ lớp xóa mù chữ thì thầy này cho biết toàn bộ do phòng GD&ĐT lưu hết. Chúng tôi trở ra phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu để xin xem hồ sơ xóa mù chữ của trường tiểu học Châu Thuận, thì được biết cô Trần Thị Thúy Hằng, giữa trưa nắng đã chạy ra mượn về trường để đối chiếu gì đó. Còn bài kiểm tra thì các trường lưu cả. “Phòng chỉ kiểm tra danh sách và điểm số thôi, còn bài kiểm tra thì trường lưu”, ông Bùi Hoàng Báu, Phó phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu cho hay.Bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu tỏ ra rất bất ngờ khi trao đổi với chúng tôi: “Có chuyện như thế à, chúng tôi không thể kiểm tra thường xuyên các trường nhưng thấy báo cáo làm đầy đủ bài bản mà, làm gì có thiếu buổi, thiếu người, làm giả như thế. Có lẽ các anh nhầm sao đó...”. Cực chẳng đã, ngày hôm sau, chúng tôi yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu cử một chuyên viên đi cùng với chúng tôi đến các trường mà chúng tôi đã đi thực tế. Đến lúc này các trường mới chịu cung cấp hồ sơ và bài kiểm tra cho chúng tôi xem. Phòng GD&ĐT cũng như các trường mới thừa nhận những gì chúng tôi chứng kiến là sự thật. Bà Châu hết sức bức xúc: “Tôi sẽ cho kiểm tra lại và xử lí nghiêm vụ việc này”.
Ông Nguyễn Huy Cao, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết: “Mục tiêu là làm sao để học viên hết mù chữ và tái mù, nên chúng tôi linh động về nhiều mặt như thời gian, hồ sơ. Còn dạy thì phải đúng quy định (mỗi lớp 10 người trở lên), đạt kết quả cũng phải đúng theo quy định. Còn chúng tôi khó có thể kiểm soát được thời lượng (750 tiết mức I, 540 tiết mức II), con số hay sản phẩm (bài kiểm tra). Nhưng như các anh trao đổi thì quả là bất ngờ”.
Theo Quyết định số 50/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về quy định một số chế độ chính sách đối với công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với mỗi lớp học viên được công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ, giáo viên được thanh toán theo số giờ thực dạy vượt định mức giờ chuẩn và được thanh toán trả lương làm thêm giờ bằng 150% lương và phụ cấp lương. Không chỉ giáo viên trực tiếp đứng lớp được tăng mức hỗ trợ mà những người tham gia công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cũng lần đầu tiên được tính đến. Trong đó, người đi vận động học viên đến lớp xóa mù chữ và học hoàn thành chương trình xóa mù chữ được thanh toán 50.000 đồng/học viên/chương trình; Hỗ trợ tiền cho giáo viên dạy các lớp xóa mù chữ mua vở soạn giáo án, bút, phấn… 50.000 đồng/lớp; mua hồ sơ, ấn phẩm lớp học xóa mù… 100.000 đồng/lớp. |
Tác giả bài viết: Hoàng Tùng/Lao động và Xã hội