Chém chết vợ và tình địch: Dừng lại đi, đừng ngoại tình nữa
- 09:41 01-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tình tay ba, hai người chết, một người lãnh án tử. Chết là hết nhưng nỗi đau thì còn. Đau khổ thay, người gánh chịu nó không phải là người chồng, người vợ kia mà là hai người mẹ già, người vợ góa bụa và năm đứa trẻ thơ...
► Tử hình kẻ vượt nghìn cây số giết vợ và tình địch
► Vụ chồng nổi cơn ghen, sát hại vợ và tình địch: Hai đứa con nhỏ, giờ không biết ai nuôi!
►Bi kịch 2 gia đình vụ giết vợ và tình địch vì ghen
► Vụ chồng nổi cơn ghen, sát hại vợ và tình địch: Hai đứa con nhỏ, giờ không biết ai nuôi!
►Bi kịch 2 gia đình vụ giết vợ và tình địch vì ghen
2 người chết, 1 người lãnh án tử, nhưng đâu mới là những người thực sự phải gánh chịu nỗi đau. Ảnh: Nguyễn Phúc
“Nếu anh Thịnh bỏ em, anh có đi với em không?”
Trần Đình Thịnh (người đã lạnh lùng sát hại vợ là chị Q.T.T và tình địch là T.V.L) bước vào khu vực xử án với khuôn mặt thất thần, không chút sức sống nhưng dáng dấp vẫn là của một gã đàn ông quê mùa.
Có lẽ suốt chuỗi ngày sống trong trại giam lạnh ngắt cho đến khi bản án tử hình được thực thi, Thịnh hẳn sẽ không bao giờ quên dòng tin: “Nếu anh Thịnh bỏ em, anh có đi với em không?” mà người vợ mình đầu ấp tay gối nhắn cho người đàn ông khác. Nếu không có dòng tin đó, biết đâu, Thịnh sẽ mãi là người chồng chỉ biết nhẫn nhịn, chỉ biết thứ tha mà không biến thành người sát nhân, người cha bỏ lại các con.
Mỗi lần trả lời các câu hỏi của HĐXX, giọng Thịnh run lên với những phát âm méo mó.
Ghen tuông đã biến Thịnh từ một người đàn ông quê mùa thành tội nhân Ảnh: Nguyễn Phúc
Khi chủ tọa hỏi: “Đối với người ngoài vung dao lên đâm đã khó, đằng này bị cáo lại đâm cả người đã sinh ra cho mình hai mặt con. Sao bị cáo làm được vậy?” thì Thịnh lý nhí: “Bị cáo đã tha thứ cho vợ rồi nhưng cô ta hết lần này đến lần khác lừa bị cáo”.
Nói lời sau cùng, Thịnh bật khóc. Sau khi xin lỗi gia đình bị hại và cảm ơn bà con chòm xóm đã có đơn xin giảm án cho mình, Thịnh quay về phía gia đình mình mà rằng: “Con xin lỗi mẹ đã không làm tròn bổn phận báo hiếu. Ba xin lỗi hai con vì đã không tròn nghĩa vụ làm cha...”.
Nhưng lời xin lỗi ấy giờ đã muộn mằn vì Thịnh phải đối diện với án tử.
Những đứa trẻ lít nhít
Hàng ghế đầu của phiên tòa sáng nay có hai người mẹ ngồi sát nhau, họ từng là thông gia, một người đã sinh ra chị T. và một người đã sinh ra Thịnh.
Bà không yêu cầu Thịnh bồi thường về mặt dân sự cho gia đình bà nhưng bà muốn: “Xử thật nặng, xử đúng người đúng tội”.
Cay đắng thay, người bà nói điều đó khi đang ôm đứa cháu ngoại, là con của bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa.
Cũng là một người mẹ, nhưng bà Phan Thị Nậy (mẹ của Thịnh) suốt cả phiên tòa không nói một câu nào. Người ta chỉ nhìn thấy những giọt nước mắt tủi hờn lăn trên đôi mắt hằn cả ngàn dấu chân chim của bà. Đôi mắt ấy cũng như đang chực khép lại với căn bệnh ung thư mà bà đang mang...
Nỗi đau mất con quá lớn khiến bà Quế muốn pháp luật trừng phạt thật nặng con rểẢnh: Nguyễn Phúc
Kể trước tòa, chị Phượng (vợ nạn nhân L.) nói chị cũng biết về mối quan hệ giữa T. và L. nhưng anh L. đã thuyết phục chị đó chỉ là chuyện chơi qua đường. Và hẳn suốt cuộc đời này, chị Phượng sẽ không bao giờ hết ám ảnh bởi anh L. chồng chị đã đầu lìa khỏi cổ (theo đúng nghĩa đen) khi chị đang nằm sát bên, ngay trên giường ngủ của hai vợ chồng. Nhưng nếu chị gục ngã, ai sẽ lo cho các con, đứa lớn mới học lớp 8 đứa nhỏ mới học lớp 3.
Cũng là người mẹ nhưng bà Nậy chỉ lặng im và khóc suốt phiên tòa.Ảnh: Nguyễn Phúc
Nếu được cho phép ngoảnh lại, Thịnh chắc chắn sẽ không bao giờ muốn nhìn về phía gia đình bị hại L., nơi có 4 vành khăn tang trắng buốt, rờn rợn. Ở đó có một người vợ mất chồng (chị Phan Thị Phượng) mắt đỏ hoe và ba đứa con mất cha, chỉ biết ngồi nép sau lưng mẹ.
Chị Phượng (vợ L.) mắt đỏ hoe và những đứa con nheo nhóc mồ côi đang nép ở phía sau.Ảnh: Nguyễn Phúc
Con của Thịnh cũng có mặt trong phiên tòa luận tội bố giết mẹ mình. Chúng cũng lóc nhóc như con anh L. nhưng chúng không đeo khăn tang. Và chúng cũng khác những đứa con anh L., dẫu sao cũng còn chị Phượng, chúng giờ không còn ai ngoài bà nội già nua, mắc bệnh ung thư.
Nhìn đứa con út của Thịnh vô tư bóc bánh ra ăn giữa lúc tòa sắp tuyên cái án tử hình cho bố nó, nhiều người tặc lưỡi: “Liệu chúng sẽ ra sao nếu bà nội nằm xuống?”. Và có vẻ như đến giờ phút này chúng vẫn chưa hiểu hết về bi kịch gia đình mà chúng đã, đang là một “nhân vật”.
Con trai Thịnh quá bé nhỏ để biết nỗi đau này.Ảnh: Nguyễn Phúc
Có một đứa trẻ khác cũng là nạn nhân của cuộc tình tay ba này. Nhưng nó đã bị tước đi mạng sống khi mới chỉ là...1 giọt máu (chị T. đã phá thai). Trong phiên xét xử, đã có một cuộc tranh cãi nhỏ giữa vị đại diện Viện kiểm sát và luật sư bào chữa về việc ai là cha của đứa bé đó, là Thịnh hay anh L...Nhưng ai là cha thì đã sao chứ! Nó cũng đã chết khi chưa được sinh ra.
Tấn bi kịch này là do đâu (?). Xin lấy một bình luận của một bạn đọc trong bản tin về phiên tòa sáng nay trên Thanh Niên để thay câu trả lời: “Dừng lại đi ... đừng ngoại tình nữa. Không yêu nữa thì chia tay đi rồi tìm đến người khác. Bởi một khi đã hi sinh quá nhiều vì tình yêu, thì sự giả dối sẽ biến người bị đau thành con quái vật ...”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Phúc