Việc "nặng nề" với giáo viên chủ nhiệm
- 07:49 01-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuốn năm, chuyện làm thầy cô đau đầu nhất vẫn là việc chọn ra những học sinh xứng đáng được khen thưởng. Việc chọn học sinh được khen thưởng từ hai năm trở lại đây theo đúng tinh thần Thông tư 30 đang là áp lực không nhỏ với các thầy cô giáo chủ nhiệm.
Theo Điều 16.Khen thưởng, Thông tư nêu rõ: “Cuối học kì I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng”.
Khó khăn khi hướng dẫn học sinh bình bầu
Học sinh khối 1,2, 3 còn quá nhỏ để có thể tham gia bình bầu các bạn học sinh thật sự nổi trội về các mặt theo đúng yêu cầu. Cho dù giáo viên có hướng dẫn cụ thể bằng cách đưa ra một số tiêu chí để các em tham khảo mà bình chọn. Một số giáo viên ngao ngán: “Lớp em, học sinh không biết bình bầu thế nào, ai đời bầu chọn cả những bạn học còn chậm, thường xuyên vi phạm nội quy của lớp”.
Khó khăn khi hướng dẫn học sinh bình bầu
Học sinh khối 1,2, 3 còn quá nhỏ để có thể tham gia bình bầu các bạn học sinh thật sự nổi trội về các mặt theo đúng yêu cầu. Cho dù giáo viên có hướng dẫn cụ thể bằng cách đưa ra một số tiêu chí để các em tham khảo mà bình chọn. Một số giáo viên ngao ngán: “Lớp em, học sinh không biết bình bầu thế nào, ai đời bầu chọn cả những bạn học còn chậm, thường xuyên vi phạm nội quy của lớp”.
Nhiều giáo viên than đau đầu với việc nhận xét, khen thưởng cuối năm
Còn học sinh khối 4 và 5, tuy các em cũng đã có sự hiểu biết hơn những học sinh lớp nhỏ nhưng không ít em lại mang lòng đố kị nên cũng không bầu chọn cho những bạn học giỏi hơn mình. Một giáo viên lớp 5 chia sẻ: “Lớp mình có em Thảo học giỏi, ngoan, quản lý nhóm rất tốt nhưng có điều cũng hay thẳng thắn phê bình các bạn vi phạm. Vậy mà cả nhóm không ai bầu chọn cho cô bé”.
Nếu như năm ngoái, việc bầu chọn học sinh nổi trội còn quá mới mẻ, học sinh cũng còn vô tư khi bầu chọn cho bạn mình. Thì năm nay, tình hình đã có nhiều thay đổi. Có em còn so bì từng tí với bạn, buổi bình chọn lại trở thành nơi kể tội bạn này, bêu xấu bạn kia. Một số em vô tư không dấu diếm: “Mẹ con bảo, bạn Hòa ở nhà hay cãi lời ba mẹ nên khi bình chọn phải nói cho cô biết”.
Khó khăn khi tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh
Trong Thông tư 30 còn yêu cầu khi bình chọn học sinh giỏi cần “tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh …” Để thực hiện đúng theo yêu cầu này, mỗi trường học đang có những cách làm khác nhau. Có trường gợi ý cho giáo viên chủ nhiệm từng lớp mời 3 phụ huynh trong ban chấp hành hội phụ huynh lớp mình dự buổi bình chọn. Giáo viên mời thì phụ huynh dự, có người nói: “Dự để biết chứ tụi tôi biết gì mà có ý kiến”. Người lại nói: “Không căn cứ vào điểm số, chủ yếu dựa trên cả một quá trình học tập của các em nên dù muốn góp ý, chúng tôi cũng chịu”.
Có trường, giáo viên gặp gỡ phụ huynh ngay trong cuộc họp cuối năm. Hỏi các mẹ xem ở nhà con cái mình ra sao? Học sinh có chăm chỉ? Có siêng năng? Có ngoan ngoãn, lễ phép?...Chẳng phải ai cũng nói thật về con cái của mình. Có người muốn con được khen cũng luôn miệng khen con mình tới tấp.
“Loạn” danh hiệu khen thưởng vì Thông tư quá mở
Thông tư nêu rõ tiêu chuẩn học sinh được khen là “…học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác”.
Ba nội dung đánh giá là học tập, năng lực và phẩm chất. Việc học tập của các em không căn cứ vào điểm thi cuối kì, giáo viên phải có sự theo dõi trong suốt cả một năm học. Còn nội dung năng lực và phẩm chất, có không ít những tiêu chí mà giáo viên cũng khó nắm bắt như “Bố trí thời gian học tập, sinh hoạt ở nhà phù hợp; Chuẩn bị tốt đồ dùng học tập khi đến lớp; Chăm làm việc nhà, giúp đỡ cha mẹ; Quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh em…”.
Hơn nữa, Thông tư 30 cũng hướng dẫn “Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định”.
Bởi thế, hiệu trưởng các trường học toàn quyền quyết định số lượng học sinh được khen thưởng trong năm học ở trường mình. Đã có không ít hiệu trưởng quy định số lượng học sinh được khen ở con số ngất ngưỡng hơn 20 em/lớp. Có trường khen 15 đến 20 em, trường khen 10 em, lại có trường chỉ khen từ 5-7 học sinh…
Và thế là giấy khen mỗi trường được ghi mỗi kiểu tùy thuộc vào sự hiểu biết, văn phong của từng hiệu trưởng. Chẳng hạn, có tờ giấy khen ghi “Đạt thành tích nổi bật trong học tập”; “Đạt thành tích nổi trội trong học tập”; “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập”; “Đạt thành tích học tập môn…”
Học sinh như lạc vào “mê hồn trận” lời khen mà không biết, không hiểu rõ những lời khen đó như thế nào. Thế mới có chuyện hai phụ huynh cầm hai tờ giấy khen của con mình ai cũng cho rằng con mình học giỏi hơn con của bạn.
Tác giả bài viết: Khánh Ngọc