Nghệ An: Rừng bách xanh bị tận diệt, kiểm lâm vẫn “cần giám định”
- 16:09 31-05-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg gỗ thơm, người dân xã Cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An) nghỉ làm rẫy, đổ xô vào rừng tìm kiếm cây chặt bán cho thương lái. Những khu rừng ngày ngày bị người dân chặt phá vì món lợi trước mắt.
Trên đường từ trung tâm thị trấn Quế Sơn (Quế Phong) ngược vào địa bàn xã Cắm Muộn, dễ dàng nhận thấy cảnh những người dân từng tốp từng tốp từ trong rừng xuống đường để bán gỗ cho thương lái đứng chờ sẵn. Hỏi thì được biết đó là loại gỗ thơm, được khai thác từ trong rừng mang ra bán với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Một phụ nữ vác gỗ thơm từ trong rừng về nhà.
Từ nhiều tháng nay, người dân xã Cắm Muộn đã làm công việc này, có nhiều gia đình cả nhà được huy động vào rừng, kể cả phụ nữ, để tìm gỗ về bán…
Theo người dân, phần lớn số gỗ đều được thương lái thu mua, tập kết tại các một số địa điểm nhất định trong địa bàn rồi dùng xe ô tô vận chuyển về xuôi cung cấp ra các tỉnh phía Bắc và xuất sang Trung Quốc. Còn việc bán để làm gì, hay sử dụng như thế nào, thì hầu như không ai biết, cũng không ai quan tâm.
Thương lái thu mua số lượng lớn và không giới hạn nên người dân đổ xô vào rừng kiếm gỗ về bán với số lượng hàng trăm người. Có những gia đình huy động 4-5 người cùng vào rừng, có ngày may mắn kiếm được cả triệu bạc.
Theo chân những người dân đi tìm gỗ thơm tại khu vực rừng Thắm Đá (bản Na Chò, xã Cắm Muộn), thi thoảng chúng tôi lại gặp từng tốp 5-7 người đang vận chuyển gỗ ra khỏi rừng với những cách khác nhau: Người vác, người dùng dây kéo dưới đất, người đưa trâu kéo từng khúc gỗ lớn mà người ta không thể khuân vác nổi.
Theo một người dân địa phương, hôm đó trời mới mưa nên nhiều người ở nhà, còn hôm nắng thì từng đoàn người đi đông như trảy hội. Vực núi Thắm Đá nằm sau con dốc núi dựng đứng được người dân cho biết là nơi có nhiều gỗ thơm nhất. Còn cách cả trăm mét, đã nghe tiếng cưa, tiếng rìu chặt cây, lâu lâu lại nghe tiếng đổ ào ào của cây va vào vách đá.
Người địa phương cho biết, loại gỗ họ đang vào rừng thu bán cho thương lái thường gọi theo tiếng địa phương là cây “mày hình”, còn thương lái lại gọi là gỗ thơm.
Gỗ mang về bản, có người đến tận nơi thu mua.
Đang chặt lại những cành cây còn sót lại trên cây gỗ thơm để tập hợp vào đống gỗ đã chặt được trong ngày mang về, một người đàn ông cho biết: “Gỗ này vẫn được người dân chặt về đóng các vật dụng trong gia đình, bữa nay mới nghe có người mua nên tôi tranh thủ vào chặt về bán kiếm thêm thu nhập thôi. Sau thời gian nhiều người khai thác, giờ những cây gỗ to, đẹp, thẳng đều đã hết, chắc phải đi vào khu vực xa hơn mới tìm ra… Gỗ bán được cả gốc cả ngọn nên cây nào chặt được là mang về hết không bỏ phần mô cả…”.
Nói rồi ông tiếp tục bó lại những phần của cây gỗ mới chặt xong để mang về. Theo quan sát của PV, loại gỗ người địa phương khai thác có mùi thơm đặc trưng và vân gỗ rất đẹp, một người dân bản địa cho rằng đây chính là gỗ bách xanh, một loại gỗ quý, không bị biến dạng, không bị mối mọt hay mục, dễ gia công, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.
Rời khu vực rừng Thắm Đá, chúng tôi đến Hạt Kiểm lâm Quế Phong. Ông Trần Đức Lợi, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm cho biết, trước đó đã nắm được thông tin về tình trạng có người thu mua gỗ thơm trên địa bàn: “Hạt đã tham mưu cho huyện lập đoàn kiểm tra, đồng thời phối hợp với Công an huyện và chính quyền xã chốt chặn 24/24h các trục đường chính không cho người dân vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn. Đơn vị cũng đã bắt giữ 2 vụ thu mua 18 tấn gỗ thơm do thương lái thu mua của người dân chuẩn bị đưa ra khỏi địa bàn…”, ông Lợi cho hay.
Cũng theo ông Lợi: “Chưa có cơ sở để khẳng định loại gỗ thơm bà con khai thác bán cho thương lái là gỗ bách xanh như bà con nói. Khó khăn trong việc nhận diện là do khi người dân đưa ra bán cho thương lái thì gỗ đã chặt từ lâu và đều khô héo, mắt thường khó xác minh. Để chính xác định đúng chủng loại gỗ, cần phải được đưa đi giám định”.
Trong khi kiểm lâm trả lời như trên, thực tế cho thấy ngày ngày vẫn có những người đến thu mua gỗ và gỗ vẫn được vận chuyển về xuôi, đi đâu không ai rõ.
Tại một số điểm, người dân còn cho biết sẽ đứng ra làm điểm thu mua khi được trả tiền công, và nếu muốn vận chuyển ra ngoài thì sẽ dùng xe máy để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng…
Để sớm chấm dứt tình trạng người dân bỏ việc đi chặt phá rừng, đảm bảo rừng được bảo tồn, cơ quan chức năng địa phương cần sớm có giải pháp quyết liệt hơn.
Tác giả bài viết: Ngô Toàn - A.Sơn