Bé gái 5 tuổi có một nửa cơ thể lớn nhanh hơn nửa còn lại
- 15:20 31-05-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phần lưỡi bên phải của Lilli-Mai to hơn bên trái. Ảnh: Mercury Press.
Hội chứng Beckwith Wiedemann (BWS) có triệu chứng đặc trưng là các phần cơ thể phát triển ở tốc độ khác nhau. Được chẩn đoán mắc bệnh vào lúc 11 tháng tuổi, hiện chân phải của Lilli-Mai dài hơn gần 3 cm so với chân trái. Em có cánh tay và bàn tay phải lớn hơn bên trái và chiếc lưỡi không to đều ở hai bên, theo Mirror.
Gần đây, Lilli-Mai cao lớn hơn anh trai, dù nhỏ hơn người anh 13 tháng tuổi. Dù Lilli-Mai thường bị ngã trong lúc chơi đùa và phải đi hai chiếc giày cỡ khác nhau, các bác sĩ cho rằng bé có thể khỏi bệnh khi lớn.
Bé phải đi giày với hai kích cỡ khác nhau. Ảnh: Mercury Press.
Khi bé mới ra đời, Beckie, mẹ Lilli-Mai, nhận ra lưỡi của con gái thường xuyên chìa ra ngoài, khiến bé gặp khó khăn trong việc uống sữa. Beckie hỏi về tình trạng của con khi đưa bé đến bệnh viện kiểm tra vào lúc 8 tuần tuổi. Cô được giới thiệu tới gặp một bác sĩ chuyên khoa nhi, người chẩn đoán chính xác bệnh tình của bé.
Beckie vô cùng lo sợ khi biết hội chứng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư sớm ở con gái, do đó Lilli-Mai phải đi chụp chiếu 3 tháng một lần để phát hiện dấu hiệu ung thư. Tỷ lệ mắc hội chứng BWS là 1/15.000 ca sinh. Tuy nhiên, hai chị em gái của Lilli-Mai là Ryleigh Queen, 6 tuổi, và Willow Queen, 3 tuổi, không thể hiện triệu chứng bệnh.
Lilli-Mai mắc hội chứng hiếm gặp Beckwith Wiedemann ảnh hưởng tới 1/15.000 trẻ. Ảnh: Mercury Press.
Lilli-Mai cũng thường bị hoảng sợ vào ban đêm, co giật và yếu cơ mặt. Tuy nhiên, bé vẫn đi học vào tháng 9 năm ngoái. "Chúng tôi cố gắng cư xử với con bình thường khi con đến lớp. Con bé vẫn chơi thể thao ở trường, nhưng nếu mệt, cháu có thể báo với giáo viên và xin nghỉ học. Con bé dường như không chú ý tới căn bệnh. Nó là một cô bé thực sự mạnh mẽ", Beckie chia sẻ.
Tác giả bài viết: Phương Hoa