Đang làm kỹ sư xây dựng, quyết định bỏ việc khởi nghiệp với món cá kho làng Vũ Đại
- 09:22 31-05-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khởi nghiệp từ những nồi cá kho trên mạng online, chỉ trong một thời gian ngắn, anh Nguyễn Bá Toàn (34 tuổi, Hải Dương) đã biến món ăn dân dã, bình dị này thành đặc sản và có giá đắt đỏ hơn bao giờ hết.
Mỗi niêu cá kho có giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Mỗi năm, bán được trung bình từ 4.000-5.000 niêu ra thị trường, anh Toàn thu về cả tỷ đồng.
Gặp không ít những khó khăn, thế nhưng, anh Toàn cho rằng, đó là điều bắt buộc xảy ra để trước khi đến được với thành công.
Anh Toàn đã có những chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp của mình.
- Được biết đến là một trong những người khởi nghiệp khá thành công với món cá kho, anh có thể chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của mình?
- Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao Thông Vận Tải, tôi xin được công việc đúng chuyên môn là kỹ sư công trình xây dựng.
Năm 2011, trong một lần đi khảo sát dự án, ghé thăm nhà người bạn ở làng Vũ Đại (Lý Nhân, Hà Nam), tôi được gia đình bạn thiết đãi món cá kho đun trong niêu đất rất đặc biệt. Tôi khá bất ngờ vì chưa bao giờ được thưởng thức món ăn nào ngon như vậy.
Sau khi lân la hỏi chuyện thì biết đây là món ăn truyền thống của người dân trong vùng. Cá kho được chế biến một cách rất đặc biệt.
Sau chuyến công tác ấy, tôi nảy ra ý tưởng quảng bá món ăn này trên chợ online và quyết định thay đổi nghề nghiệp, nghỉ nghề kỹ sư để chuyển sang kinh doanh cá kho.
Tại thời điểm đó, cũng có thể nói nghề kỹ sư công trình không thực sự phù hợp với con người tôi. Tôi muốn được tự do, thích khám phá các món ăn ngon và được sống với chính đam mê của mình.
Đằng nào mình cũng phải làm việc, tại sao lại không lựa chọn công việc mà mình ưa thích!
- Là một kỹ sư công trình chuyển sang kinh doanh cá kho, anh gặp phải những khó khăn gì?
- Được học hành tử tế và làm công việc với mức lương tương đối cao là điều mơ ước của lứa tuổi tôi thời điểm đó. Vì thế, khi quyết định chuyển sang buôn bán – đặc biệt là cá kho, nhiều người cho rằng công việc không được cao sang nên cũng phản đối, lo lắng và khuyên ngăn tôi nên dừng lại.
Thế nhưng, mình có đam mê thì cứ theo đuổi đến cùng.
Mới khởi nghiệp, tôi chưa biết gì về buôn bán, marketing online hay tính toán đầu ra, vào. Cũng mò mần chào những khách thân quen trước, xa lạ sau. Thế nhưng, tháng đầu tiên, tôi không bán được niêu cá kho nào cả. Khi ấy, bao nhiêu tiền tích cóp, tôi đổ hết vào cá nên cũng căng thẳng và bực bội lắm.
Thế rồi cứ tự mày mò, học hỏi tồi tìm đến chợ online. Và một thời gian sau, sản phẩm của tôi cũng được nhiều người biết đến. Khi cá kho được thị trường chấp nhận, tôi cũng còn gặp muôn vàn khó khăn về chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn cung, cầu… nhưng rồi, tôi vượt qua được hết.
Thực tế, khó khăn là điều bắt buộc xảy ra và buộc mình phải vượt qua trước khi đến được với thành công trong khởi nghiệp.
Từ một món ăn bình dị, chỉ trong một thời gian ngắn, cá kho đã trở thành đặc sản và có giá lên tới 500.000-1 triệu đồng/niêu. Ảnh: M.Lan.
- Làm cách nào từ một món ăn bình dị mà chỉ trong một thời gian ngắn, món cá kho đã được biến đến là một đặc sản, có giá rất đắt đỏ trên thị trường?
- Việc quảng bá một món ăn ra thị trường muốn vàn khó khăn khi giá mỗi niêu cá là 500.000-1 triệu đồng.
Ban đầu, tôi sử dụng các biện pháp thủ công như phát tờ rơi, kẹp vào khe cửa các khu đô thị. Công việc vất vả vô cùng song kết quả thu về không hiệu quả.
Bỏ qua cách làm cũ truyền thống, tôi tự tìm hiểu, mày mò và tìm đến thương mại điện tử, Internet, Google để quảng bá sản phẩm. Đây cũng là quyết định đúng đắn của tôi.
Mặc dù môi trường thương mại điện tử của Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện, nhưng nó cũng có bước đẩy rất mạnh để quảng bá sản phẩm đi xa hơn. Chỉ sau 2 năm tiếp cận quảng cáo qua kênh này, tôi đã có được nguồn khách hàng ổn định.
- Có ý kiến cho rằng, mỗi niêu cá kho có giá từ 500.000 tới 1 triệu đồng là quá đắt với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam. Anh nghĩ sao về điều này và có dự định giảm giá trong thời gian tới không?
- Những người không quen ăn những món đặc sản có thể cho là cá kho Bá Kiến đắt đỏ. Thế nhưng, một khi đã thưởng thức, cảm nhận được giá trị của nó, họ sẽ không cảm thấy đắt nữa.
Trên thực tế, nếu xét về giá nguyên liệu thì một niêu cá kho với giá trên cũng không là quá đắt.
Có thể đưa ra một phép tính đơn giản: Niêu cá 1,5 kg nguyên liệu, sau khi chế biến thành phẩm có giá bán ra thị trường là 500.000 đồng. Trong đó, nguyên liệu cá là khoảng 240.000 đồng (160.000 đồng/kg cá trắm đen tươi); niêu đất 30.000 đồng/chiếc, bao bì 20.000 đồng/hộp, chưa tính thêm củi nhãn, công kho 16 tiếng và các loại gia vị khác...
Mức giá này đã được tính toán khá phù hợp và khó có thể giảm trong thời gian sắp tới.
- Cá kho làng Vũ Đại có gì khác so với sản phẩm thông thường?
- Cá kho được chế biến bởi chính những nghệ nhân ở làng Đại Hoàng xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam (vốn quen được gọi với tên làng Vũ Đại), dựa trên công thức có sẵn của công ty. Bên cạnh đó, cách lựa chọn nguyên liệu cũng phải theo chuẩn quy định:
Nguyên liệu bắt buộc phải là cá trắm đen, to, nặng từ 3kg trở lên.
Gia vị kho cá gồm riềng, sườn lợn, kẹo đắng, ớt, nước cốt chanh… đều là "cây nhà lá vườn" của các khu vực quanh làng.
Nồi cá kho phải đun tối thiểu 16 tiếng. Lửa luôn đều, không quá to cũng không quá nhỏ. Củi dùng để kho cá bắt buộc phải là củi nhãn, bởi loại củi này có lượng nhiệt cao, giúp cá nhừ tận xương.
Đặc biệt, cá kho hoàn toàn không có chất phụ gia nên hạn sử dụng rất hạn chế, khuyến khích khách hàng sử dụng ngay trong ngày.
Anh Toàn cho rằng, khó khăn, thất bại là không điều không thể tránh khỏi trong quá trình khởi nghiệp. Ảnh: M.Lan.
- Kinh doanh ngành thực phẩm là một trong những mặt hàng rất nhạy cảm. Đặc biệt tình trạng thực phẩm bẩn mấy năm gần đây khiến người tiêu dùng dè chừng. Vì sao anh lựa chọn ngành này để khởi nghiệp?
- Có lẽ nét văn hóa nổi bật nhất của Việt Nam chính là ẩm thực. Tôi cũng là người thích được thưởng thức đặc sản ngon của Việt Nam nên quyết định tham gia vào ngành ẩm thực.
Bên cạnh đó, cũng có thể nói trong một thời gian ngắn, cá kho “bay xa” như vậy là vì bản thân nó đã mang những nét đặc biệt, cuốn hút riêng. Quy trình lựa chọn nguyên liệu, chế biến rất cầu kỳ. Đây cũng là món ăn vốn trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam.
Thời gian tới, tôi cũng đưa ra thị trường món rươi kho. Tôi tin tưởng, đây sẽ làm món ăn được ưa chuộng và sẽ tạo nên làn sóng rất mạnh trong thời gian tới.
- Khó khăn hiện tại của anh là gì?
- Món ăn này hiện đã được thị trường công nhận và trải dài ở khắp 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, để những niêu cá "bay" theo con đường chính thống sang nước ngoài đang là một bài toán khó. Hiện tại cá kho được người nước ngoài mang về theo hình thức xách tay là chủ yếu.
Sở dĩ khó tháo gỡ trong nút thắt này là bởi bởi cá kho là món ăn có hạn sử dụng rất ngắn, đặc biệt trong mùa hè nên quy trình vận chuyển cần nhanh chóng và chuyên nghiệp.
Để mở rộng thị trường nước ngoài theo kênh phân phối chính thức đòi hỏi chúng tôi phải giải quyết được bài toán đó. Và hiện giờ, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm.
- Quyết định từ bỏ nghề kỹ sư để theo đuổi đam mê khởi nghiệp. Anh rút ra được bài học gì cho những bạn trẻ cũng đang có dự định như anh?
- Khi tôi bỏ nghề ra kinh doanh, cảm giác tự do là rất tuyệt vời. Bạn sẽ không phải đắn đo về mặt thời gian hay tuân theo một quy định chung nào đó, thay vào đó được tự do khám phá và làm những điều mình thích.
Tuy nhiên, thương trường rất khốc liệt. Và khó khăn, thất bại là không điều không thể tránh khỏi trong quá trình khởi nghiệp.
Và trong giai đoạn đó, khó ở đâu thì tôi gỡ khó ở đó bằng những khóa học ngắn hạn vào buổi tối. Đây là cách khá hay để giải quyết những vướng mắt ngay thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, những công trình kiến thức đào tạo trong trường đại học tưởng chừng như không giúp ích cho việc chuyên môn hiện tại của mình nhưng đôi khi, tôi đã sử dụng nó mà không hề hay biết. Vì lẽ đó, việc học chẳng bao giờ là thừa cả.
Tôi cho rằng, hãy cứ sống với đam mê kinh doanh và lựa chọn sản phẩm tốt, các bạn có thể tự tin để bước vào cuộc chiến thương trường.
Cảm ơn anh!
Tác giả bài viết: Mỹ Lan