Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Biển Đông: ' Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh'

Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong nhấn mạnh rằng tranh chấp Biển Đông không thể được giải quyết bằng lập luận "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh".

Nikkei Asian Review ngày 30/5 dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cho biết, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm nghiêng cán quân quyền lực ở châu Á, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.

Phát biểu trong Hội nghị Quốc tế lần thứ 22 về Tương lai Châu Á diễn ra ở Tokyo, ông Goh Chok Tong bày tỏ quan điểm cho rằng các tranh chấp trên Biển Đông đang được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc tại nhiều nước có tuyên bố, nhưng không thể nào giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ bằng lập luận "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh".

 

Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong. Ảnh Asian Nikkei


Ông Goh, người từng giữ chức Thủ tướng Singapore trong 14 năm, còn đề cập tới các hoạt động cải tạo đất đá quy mô do Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông, bao gồm xây phi đạo, bến cảng, và bố trí các khí tài quân sự. Ông cảnh báo rằng, “hậu quả cuối cùng có thể là một Biển Đông bị quân sự hoá nhiều hơn”.
Skip in 7...Ad finishes in 01 seconds

Nhà lãnh đạo lão thành của Singapore khuyến cáo rằng ranh giới giữa các chính sách đối nội và đối ngoại đã bị lu mờ, và cho rằng khích động chủ nghĩa dân tộc có thể tăng khả năng xung đột trên Biển Đông.

Ông khẳng định nên giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, gọi tắt là UNCLOS: "Nó cũng có tầm quan trọng sống còn đối với Singapore cũng như sự toàn vẹn của luật pháp quốc tế và các thỏa thuận quốc tế, bao gồm UNCLOS".

Về bức tranh toàn cảnh, ông Goh cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục là một tác nhân có ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu trong tương lai gần. Nhưng giữa lúc Trung Quốc đang tăng tầm ảnh hưởng và trở nên tự tin hơn, các nước “sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh có tính đến sự cân bằng chiến lược phát triển của Trung Quốc".

"Sự cạnh tranh giữa các cường quốc là không thể tránh khỏi, nhưng không nước nào muốn lựa chọn ngả về một bên nào, giữa Mỹ và Trung Quốc", cựu Thủ tướng Singapore nhấn mạnh.

Trong khi nói rằng sự ổn định trong khu vực châu Á sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc, ông Goh lưu ý thêm rằng "khu vực này đủ lớn cho tất cả các nước lớn, bao gồm cả Nhật Bản, để tồn tại một cách hòa bình và giải quyết các vấn đề của họ một cách xây dựng mà không tăng căng thẳng."

Cựu nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh rằng các hiệp định thương mại như TPP sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn hơn nữa giữa các nền kinh tế trong khu vực và việc gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ giúp nuôi dưỡng một tầm nhìn chung và triển vọng trong khu vực.

"Đó là lý do Mỹ thông qua TPP rất quan trọng. Nếu họ có thể làm được điều đó, nó sẽ gửi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ rằng Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và sẽ ở đây", ông nói thêm.

Hướng tới tương lai, ông Goh báo hiệu rằng RCEP - một FTA giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand - là bước tiếp theo trong hội nhập kinh tế khu vực, sau sự ra mắt của Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Toà án trọng tài quốc tế tại La Haye đang chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ án chính phủ Philippines kiện những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố sẽ không tham gia phiên tòa và bác bỏ phán quyết của toà án quốc tế và tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thêm trên các đảo và bãi đá trên tuyến hàng hải thương mại quốc tế quan trọng ở khu vực để củng cố yêu sách chủ quyền của mình.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục các hoạt động tuần tra ở vùng biển quốc tế cũng như xung quanh khu vực 12 lý của các thực thể nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh, khẳng định quyền tự do hàng hải.

Washington cũng như các nhà lãnh đạo G7 khác, tại hội nghị ở Nhật Bản tuần trước, đã ra tuyên bố chung ủng hộ lập trường của các nước ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đối thoại đa phương, trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm giải quyết bất đồng một cách hòa bình.

Tác giả bài viết: Hoàng Hải