Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nỗi đau đớn thể xác khủng khiếp mà siêu mẫu nổi tiếng này phải chịu đựng

5 tuổi siêu mẫu Waris Dirie đã phải chịu đựng nỗi đau thể xác khủng khiếp bởi hủ tục lạc hậu của mảnh đất nơi cô được sinh ra.

Quá khứ đau đớn của một cô bé châu Phi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có từ 100 đến 140 triệu phụ nữ và trẻ em trên thế giới là nạn nhân của hủ tục “cắt âm vật”.

Một trong những người đấu tranh quyết liệt với hủ tục dã man này là bà Waris Dirie, cựu siêu mẫu Áo gốc Somalia, người sáng lập Quỹ Hoa Sa Mạc (DFF) để hỗ trợ các nạn nhân bị cắt âm vật.

 

Waris Dirie, cựu người mẫu, diễn viên, nhà hoạt động xã hội người Somalia.


Waris Dirie sinh năm 1965 trong một gia đình du mục ở Galkayo, Somalia. “Waris”, theo ngôn ngữ Somalia có nghĩa là “hoa sa mạc” - một loài thực vật được coi là “phép lạ của tạo hóa” ở vùng đất chết.

Trước khi cuộc sống trở nên tăm tối, tuổi thơ Waris trôi đi trong yên bình giữa thiên nhiên với đàn gia súc giữa những vùng đất hoang dã.

Năm lên 4 tuổi, Waris từng suýt bị một người bạn của bố cưỡng hiếp. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả những gì đau đớn nhất.

Khi cô vừa được 5 tuổi, mẹ cô ghì chặt cô vào một tảng đá, kẹp một mẫu gỗ lớn bảo cắn thật chặt. Bà chuẩn bị cắt sống một phần âm đạo của cô Dirie theo tục lệ khâu âm đạo bé gái của Somali.

Do không có thuốc tê và thuốc sát trùng, vết thương dĩ nhiên đã bị nhiễm trùng. Tại nhiều nước ở Trung Ðông và Châu Phi, việc khâu âm đạo được tin rằng sẽ giúp cho các thiếu nữ giữ gìn trinh tiết.

Các em sẽ không quan hệ tình dục trước hôn nhân vì sợ đau đớn, và sẽ xấu hổ nếu chồng mới cưới phát hiện các vết khâu không còn nguyên.

“Cắn thật chặt vào,” bà nói với Dirie, “Con gái ngoan, ráng giùm mẹ, chỉ một chút thôi.” Ngay sau đó, một phụ nữ già chuyên cắt âm đạo trong làng, dùng lưỡi dao lam cắt phần đi phần ngoài của âm vật, khâu vết cắt cũng như khâu luôn phần âm đạo của Dirie.

 

Waris mang trong mình ký ức không thể quên vì hủ tục man rợ.


Quá trình cắt và khâu âm đạo thường rất thô sơ, gây đau đớn, và nguy hiểm có thể chết người. Một người chị họ 6 tuổi của Waris cũng chết vì bị nhiễm trùng máu.

Sau này nhớ lại, Waris vẫn còn rùng mình: “Nó giống như ai đó xẻ thịt hay chặt bỏ cánh tay bạn vậy. Đau đớn không thể tả vì đó là chỗ nhạy cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ”.

Không chỉ bị cắt âm vật, Waris còn hứng chịu thêm hủ tục tảo hôn. Năm 13 tuổi, Waris bị gả bán cho một người đàn ông 60 tuổi.

Không cam chịu, Waris bỏ trốn khỏi vùng quê Galkayo. Cô đã có những đêm trường trên sa mạc, một mình chống lại thú dữ và những gã đàn ông rình rập.

14 tuổi, Waris lên thành phố Mogadishu, sống với gia đình người chị. Sau đó, cùng với vài người bà con, cô đến London sống với một người cậu là đại sứ Somalia ở Vương quốc Anh.

Cuộc sống nơi xứ người không dễ dàng, Waris bắt đầu đi làm ở tiệm bán thức ăn nhanh để kiếm tiền. Và bước ngoặt cuộc đời đã đến với cô khi được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Terence Donoven phát hiện.

Cuộc chiến chống hủ tục

Năm 1987, lần đầu tiên ảnh Waris Dirie xuất hiện trên trang bìa lịch Pirelli. Từ đó, cô bước vào nghề người mẫu, thường xuyên xuất hiện trên các poster quảng cáo của các hãng thời trang và mỹ phẩm hàng đầu thế giới như Chanel, Relvon...

Waris Dirie cũng có mặt trên các sàn catwalk ở London, Milan, Paris và New York. Đồng thời, cô còn lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh khi đóng vai chính trong bộ phim về điệp viên James Bond “The Living Daylights” (1987).
Năm 1995, đài BBC công chiếu phim tài liệu “Một người du mục ở New York” để nói về sự nghiệp người mẫu của cô gái châu Phi đầy mạnh mẽ và dũng cảm.

 

 

Sống trong sự nổi tiếng, cuộc đời đã bước sang trang mới rất xa, nhưng trong ký ức cô không thể xóa nhòa đi những ám ảnh đau đớn.


Cô day dứt về hủ tục cắt âm vật (FGM) đang đe dọa hàng triệu bé gái ở châu Phi và quyết tâm tuyên chiến với hủ tục dã man lạc hậu.

Waris chia sẻ trên tạp chí Marie Claire về tệ nạn FGM: “Nghề người mẫu giúp tôi có khả năng chu du khắp thế giới và chứng kiến tác hại của FGM. Tiền bạc tôi cũng có nhưng không thể khắc phục cái tôi đã bị người ta cướp đi.
Mỗi ngày, tôi cố gắng tìm hiểu tại sao điều đó xảy ra với tôi. Nó thật khủng khiếp và tàn nhẫn bởi không có lý do gì hay một lời giải thích thỏa đáng, dù cho đó là truyền thống, văn hóa, tập tục, tín ngưỡng hay là gì đi nữa. Càng nghĩ tôi càng căm hận”.

Waris thú nhận chưa bao giờ được hưởng sự sung sướng thực sự trong đời sống tình dục. Cô chỉ đơn thuần thưởng thức sự gần gũi về mặt thể xác với chồng và luôn muốn được hạnh phúc trọn vẹn như nhiều phụ nữ khác.

 

Waris đang sống cùng chồng và 4 người con tại Ba Lan. Cô thú nhận chưa bao giờ tận hưởng khoái lạc trong đời sống riêng tư.
 

Đối với mẹ, Waris tuyên bố không bao giờ phiền trách hay hận mẹ: “Trong một xã hội đòi hỏi các cô gái phải trinh trắng trước khi lấy chồng, mẹ tôi không có sự chọn lựa nào khác. Bà chỉ muốn tốt cho tôi”.

Waris nói ra điều đó từ thâm tâm vì càng đi nhiều, cô càng thấu hiểu tâm thế người phụ nữ trong những xã hội còn nhiều định kiến và hủ tục. Từ đó, cô quyết tâm làm điều gì đó xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và man rợ đối với phụ nữ và trẻ em.

Năm 1997, Waris giã từ sự nghiệp người mẫu, trở thành đặc sứ Liên Hiệp Quốc bài trừ FGM. Năm 1998, bà xuất bản tự truyện “Desert Flower” (Hoa sa mạc) tiết lộ những ký ức kinh hoàng về tuổi thơ gây chấn động dư luận quốc tế.

Quyển sách nhanh chóng chiếm vị trí cao trong bảng danh sách “Best Seller”. Năm 2009, nó được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên do siêu mẫu Liya Kebede, người Ethiopia, đóng vai Waris Dirie.

 

Waris Dirie quyết tâm chống lại hủ tục FGM.
 

“Khi tôi trưởng thành và được giáo dục, tôi hiểu rằng tôi sẽ không lẻ loi. Những rắc rối vì sức khỏe tôi đang hứng chịu cũng là tai họa của hàng triệu cô gái khác. Vì một nghi thức dốt nát, hàng triệu phụ nữ châu Phi đã sống suốt đời trong đau đớn.

Tôi đã phải giải phẫu để mở những vết sẹo còn nguyên của cơ quan sinh dục, để có thể tiểu tiện bình thường. Dù xảy ra đã lâu nhưng tôi luôn cảm thấy thiếu thốn, tàn tật và hiểu rằng không bao giờ tôi có thể xóa đi cảm giác đó”, cựu người mẫu chia sẻ.

Năm 2002, Waris thành lập Quỹ Hoa Sa Mạc (DFF) tại Vienna (Áo), kêu gọi thế giới quan tâm đến sự hiểm nguy của tệ FGM, một hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất của ba triệu trẻ em hàng năm trên thế giới, đặc biệt ở các nước Đông Phi như Uganda, Kenya, Somalia.

Không hề đơn độc trong cuộc chiến chống FGM, bên cạnh Waris còn có Chantal Compaoré, đệ nhất phu nhân nước Burkina Faso, diễn viên điện ảnh Mỹ gốc Mexico Salma Hayek; Khady Koita, nhà hoạt động nữ quyền Senegal và nhiều thành viên nghị viện châu Âu.

Tháng 9 năm 2013, cô mở trung tâm y tế đầu tiên tại Berlin (Đức), chuyên phẫu thuật tái tạo âm vật. Waris mong cô sẽ mở rộng dự án này tới Kenya , Ethiopia , Hà Lan và Thụy Sĩ trong thời gian tới.

Ngày 16/10/2013, Waris Dirie được nhận Giải thưởng Phụ nữ vận động của năm bởi những đóng góp của cô trong chiến dịch chống lại hủ tục cắt xén cơ quan sinh dục của phụ nữ (FGM).

Phát biểu khi lên bục nhận giải thưởng, Waris nói: “FGM là hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần của hàng triệu trẻ em. Không thể coi đây là vấn đề tôn giáo hay chủng tộc, như vậy là hoàn toàn sai lầm. Vấn đề ở đây là bảo vệ trẻ em”.

 

Cuốn sách "chạm đến hàng triệu người" của Waris.
 

Đối với Waris Dirie, cô muốn vấn đề này được tranh luận nhiều hơn nữa trên các phương tiện truyền thông, muốn các chính trị gia có những hành động cụ thể hơn nữa để thay đổi những định kiến, những suy nghĩ và tư tưởng đã ăn sâu vào tiềm thức hàng triệu người châu Phi.

Nỗ lực của Waris trong cuộc chiến này là vô tận.

“Đã quá muộn để thay đổi cuộc đời tôi. Sự hủy hoại đã xảy ra rồi. Nhưng biết đâu tôi có thể cứu vớt được cuộc đời những cô gái khác.

Hủ tục man rợ đó vẫn đang diễn ra. Không phải hàng trăm hàng ngàn, mà hàng triệu cô gái đang chung sống với nó”, cựu siêu mẫu cho biết.

Tác giả bài viết: Jung Bé