Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thái Lan xả kho 11 triệu tấn gạo: Gạo cũ xấu, giá rẻ

Thông tin về việc Thái Lan xả tồn kho gạo khổng lồ 11,4 triệu tấn khiến nhiều người lo lắng sẽ tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ lúa gạo Việt Nam.

Theo phân tích của ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam, dù Thái Lan xả 11 triệu tấn gạo tồn kho thì cũng không có sức ép đáng kể lên gạo vụ mùa mới của cả Thái Lan và Việt Nam.
 

Ảnh minh họa


Bởi vì gạo tồn kho được xả là gạo cũ, chất lượng xấu dành cho tiêu thụ nội địa, ngành công nghiệp chế biến, chăn nuôi... Trong khi đó, nhu cầu gạo của Indonesia, Philippines là gạo vụ mới.

Điển hình, khoảng 2 tuần gần đây, giá gạo Thái Lan (loại 5%) vụ 2015/2016 tăng mạnh lên mức 420 USD/tấn.

Ông Diệu cho rằng, xả kho 11 triệu tấn của Chính phủ Thái Lan trong vòng 1-2 tháng là phi thực tế. Thái Lan có khả năng có thể chỉ xả được 1 triệu tấn/tháng. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan sẽ phải cân nhắc giữa xả kho và mặt bằng giá lúa gạo của nông dân. Bởi nếu xả nhiều, sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá gạo.

Trước những ảnh hưởng của thời tiết, Thái Lan có thể giảm 2 triệu tấn lúa. Hạn hán và xâm mặn khiến sản lượng vụ Đông Xuân suy giảm, ảnh hưởng sản lượng vụ Hè Thu. Trong khi đó, hiện chưa có tín hiệu mạnh về nhập khẩu của Indonesia và Philippines.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cũng cho biết, Thái Lan xả gạo cũ, mua từ mấy năm trước theo chương trình của Thủ tướng Thái Lan là lựa chọn khôn ngoan về thời điểm vì giá gạo tăng (tăng cao nhất trong 1-2 năm trở lại đây).

“Động thái của họ nhằm xả gạo cũ, quá hạn, không đủ tiêu chuẩn dùng trong thực phẩm để nhập gạo mới, giải quyết gánh nặng từ thời Chính phủ cũ chủ yếu bán cho công nghiệp chế biến thực phẩm, chăn nuôi hoặc bán cho thị trường cấp thấp, do đó không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam”, ông Kiên khẳng định.

GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng lượng gạo cũ Thái Lan xả có chất lượng rất tồi, nên chỉ bán giá rẻ cho khu vực châu Phi, Trung Đông, một số nước ở Đông Nam Á… lợi thế của Việt Nam là gạo mới.

Nhận định về những tháng còn lại của năm 2016, ông Diệu cho biết, thị trường gạo Việt Nam không nên quá bi quan.

Theo tính toán, sản lượng gạo của Việt Nam năm 2016 có thể đạt 15,29 triệu tấn (năm 2015 chỉ 14,8 triệu tấn).

Mức tiêu thụ nội địa năm nay khoảng 7,61 triệu tấn; nhập khẩu từ Campuchia khoảng 380.000 tấn; xuất khẩu chính ngạch sẽ khoảng 6,44 triệu tấn; xuất khẩu tiểu ngạch 1,48 triệu tấn. Như vậy, tồn kho cuối kỳ có thể chỉ còn 199.000 tấn. Với số lượng này thì không phải quá lo lắng về tồn kho.

Còn ông Kiên nhận định, giá gạo khó tăng bởi các nước nhập khẩu lớn đã có kinh nghiệm, chủ động đối phó nguy cơ an ninh lương thực. Tồn kho tại Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ dù giảm nhưng vẫn ở mức cao. Cùng với đó, sản xuất được dự đoán phục hồi trong nửa cuối năm do La Nina làm tăng lượng mưa tại Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT mặc dù xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm giảm 2,1% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5 ước đạt 345.000 tấn với giá trị đạt 165 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,35 triệu tấn và 1,06 triệu USD.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 với 36,45% thị phần. Các thị trường khác có giá trị tăng mạnh là Gana (12,87%), Đài Loan (64,29%), Bờ Biển Ngà (65,83%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (10,59%). Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippin (46,6%), Malaysia (36,57%) và Singapore (31,12%).

Tác giả bài viết: Diệu Thùy