Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xã nghèo có nhiều người hiến giác mạc nhất cả nước

Trong 235 trường hợp tự nguyện hiến giác mạc của cả nước năm 2015, xã Cồn Thoi (Ninh Bình) có đến 85 người. Số người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời ở đây đã lên đến gần 500.
Cồn Thoi là xã ven biển của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn do kinh tế chủ yếu dựa vào nông - ngư nghiệp. Những năm gần đây, xã nghèo ven biển lại được biết đến bởi có số người hiến giác mạc và đăng ký hiến nhiều nhất Việt Nam.
 

Nhiều thành viên trong gia đình ông Trần Văn Bình xem việc hiến giác mạc cho người mù lòa là di nguyện cuối đời. Ảnh: Phương Vy.

“Đến đầu năm 2016 toàn xã có 86 người đã người hiến giác mạc và 417 người đăng ký hiến sau khi qua đời, con số những năm sau đều cao hơn năm trước”, ông Nguyễn Minh Lý, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Cồn Thoi cho hay.

Người đầu tiên ở Cồn Thoi hiến giác mạc là cụ Nguyễn Thị Hoa (xóm 8B). Cụ Hoa qua đời đã đem lại ánh sáng cho hai người bị bệnh lý về giác mạc mắt, điều này đã xóa tan đi suy nghĩ “chết phải toàn thây” theo quan niệm truyền thống.

Kể về câu chuyện cụ Hoa, tình nguyện viên Trần Văn Bình kể, những năm cuối đời cụ Hoa lâm bệnh nặng chỉ nằm một chỗ. Năm 2007, chị Khuy (Đăk Lăk) quê gốc ở Cồn Thoi vốn bị bệnh lý giác mạc, dù biết việc xin của người khác vô cùng khó khăn song khao khát được nhìn thấy ánh sáng đã đưa chị đến gặp cụ Hoa và gia đình.

“Biết hoàn cảnh chị Khuy mù lòa, cuộc sống lại khó khăn nên khi được ngỏ lời xin giác mạc, cụ Hoa đồng ý ngay. Cũng có một vài người trong gia đình chưa thuận nhưng ý cụ đã quyết nên mọi người phải nghe theo di nguyện”, ông Bình nói và chia sẻ thêm, cụ Hoa qua đời ngày 4/6/2007 và cũng là trường hợp đầu tiên trên cả nước hiến giác mạc.

“Ca phẫu thuật lấy giác mạc lần nào cũng trong tâm trạng nặng trĩu, vì gia đình người ta đang có tang, ai cũng đau thương cả. Trường hợp cụ Hoa lại là ca hiến giác mạc đầu tiên trên cả nước nên lúc ấy ai cũng lo lắng như trong thời khắc lịch sử vậy. Ca phẫu thuật diễn ra trong 15 phút và chúng tôi không dám cho người nhà chứng kiến để không phải đau buồn thêm. 39 phút sau ca phẫu thuật kết thúc, tất cả bác sĩ thực hiện nghi thức cúi đầu trước thi thể cụ như một lời tri ân, một lời chào vĩnh biệt”, ông Bình kể tiếp.

Sau đó giác mạc của cụ Hoa được ghép cho chị Khuy và một người nữa quê ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Cả hai người sau khi nhìn thấy ánh sáng đã đến gia đình cụ xin làm con nuôi để được tưởng nhớ cụ như con cái trong gia đình.

 

Chị Trương Thị Liên cho hay, chồng chị là anh Vũ Văn Bình qua đời năm 2013 đã hiến giác mạc cho y học. Ảnh: Phương Vy.

Kể từ năm 2007 đến nay xã Cồn Thoi đã có 86 người hiến giác mạc, người ít tuổi nhất hơn 40, người nhiều tuổi nhất là 104. Không chỉ người dân mà nhiều cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh… đều đăng ký hiến giác mạc.

Ngay trong gia đình ông Trần Văn Bình cũng có nhiều người hiến và đăng ký hiến giác mạc. Anh trai là ông Trần Văn Mùi hiến giác mạc năm 2009, em rể là ông Lại Thế Kiểu hiến giác mạc năm 2014, mẹ vợ là cụ Nguyễn Thị Là hiến năm 2013… Riêng vợ chồng ông Bình đăng ký hiến giác mạc cách đây gần chục năm.

“Hàng năm cả nước có hàng chục nghìn người mắc bệnh lý giác mạc. Nếu không được ghép giác mạc, cuộc sống của họ sẽ chìm trong bóng tối. Nhận thấy ý nghĩa của việc làm thiện nguyện ấy nên nhân dân xã Cồn Thoi đăng ký hiến giác mạc rất nhiều. Chỉ mong một ngọn nến tắt sẽ thắp lên những ngọn nến khác mà thôi”, ông Trần Văn Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Cồn Thoi nói.

Tác giả bài viết: Phương Vy