Động cơ thúc đẩy ông Obama bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam
- 13:35 24-05-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Obama (trái) bắt tay Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội hôm 23/5. Ảnh: Reuters
Ngày 23/5, trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, một động thái được cho là ẩn chứa thông điệp rất quan trọng đối với Hà Nội và các quốc gia khác trong khu vực, theo CNN.
Với việc chấm dứt lệnh cấm vận đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ này, Mỹ đang phát đi tín hiệu về mong muốn gác lại những căng thẳng thời hậu chiến với Việt Nam, bắt đầu một giai đoạn hợp tác chặt chẽ hơn về kinh tế và quân sự, một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ ở châu Á, vốn là tâm điểm trong di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama.
Đồng thời, Mỹ cũng cho các nước trong khu vực – đặc biệt là Trung Quốc – thấy rằng họ luôn cam kết duy trì các nguyên tắc quốc tế ở châu Á, sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, nơi căng thẳng đang leo thang vì các hành động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm không dựa trên Trung Quốc hay bất cứ yếu tố xem xét nào khác", ông Obama tuyên bố ở Hà Nội. "Nó được dựa trên mong muốn của chúng tôi nhằm hoàn thành một quá trình lâu dài hướng tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam".
Mặc dù vậy, theo giới phân tích, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam của ông Obama được thúc đẩy bởi các động cơ quan trọng, trong đó có yếu tố Trung Quốc.
Bruce Klingner, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Di sản, cho rằng các nước nhỏ ở khu vực Đông Nam Á ngày càng quan ngại về tham vọng và các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Nỗi lo lắng đó tăng lên khi Trung Quốc bồi đắp phi pháp 7 đảo nhân tạo trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây dựng trên đó các đường băng lớn đủ cho máy bay quân sự cất hạ cánh.
Từ lâu, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc và các nước khác cùng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong một nỗ lực nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải tuân thủ các quy tắc, thông lệ quốc tế đã được hình thành và củng cố từ lâu.
Trong chuyến công du tới Hà Nội, ông Obama nói rằng Mỹ và Việt Nam "thống nhất ủng hộ trật tự khu vực, trong đó có Biển Đông, nơi thông lệ và luật pháp quốc tế được tuân thủ, nơi tự do hàng hải và hàng không được duy trì, nơi hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở, và nơi các tranh chấp được giải quyết hòa bình, bằng các biện pháp pháp lý, tuân theo luật pháp quốc tế".
Tổng thống Obama nhấn mạnh Mỹ không cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông sẽ được giải quyết kiểu "ai lớn hơn và có ảnh hưởng hơn sẽ thắng".
Sandy Pho, chuyên gia Viện Kissinger về Trung Quốc thuộc Trung tâm Wilson ở Washington, cho rằng động lực chính để Obama đi đến quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam là muốn cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược chủ chốt của Mỹ. "Tuy nhiên, Trung Quốc luôn ẩn hiện đằng sau", chuyên gia này nói.
Trinh sát cơ P-3 Orion, một loại máy bay tuần tra biển hiện đại của Mỹ. Ảnh: USNI
"21 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Mỹ thực sự muốn đưa mối quan hệ vượt lên quá khứ Chiến tranh Lạnh, trong khi lệnh cấm vận vũ khí là một biểu hiện còn sót lại của cuộc chiến đó", Pho nói.
Động cơ kinh tế
Một động cơ nữa thúc đẩy ông Obama đi tới quyết định trên là về vấn đề kinh tế. Theo ông Klinger, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý chiến lược ở châu Á, với đường bờ biển dài hàng nghìn km nằm dọc Biển Đông, yếu tố mà Mỹ cần phải xét đến khi tái dịch chuyển các lực lượng quân sự tới khu vực.
Chính quyền Obama luôn coi châu Á là một tâm điểm trong chiến lược đối ngoại rộng lớn hơn, nhìn nhận khu vực này cùng với tầng lớp trung lưu ngày càng nở rộ là trong tâm cho tăng trưởng kinh tế tương lai của Mỹ, hay nói cách khác là một thị trường xuất khẩu khổng lồ có thể tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ tại quê nhà.
Việt Nam là nơi gần như lý tưởng cho chiến lược đó của Mỹ. Theo một khảo sát do hãng Pew thực hiện trong năm ngoái, 76% người dân Việt Nam có cái nhìn thiện cảm đối với Mỹ, tỷ lệ cao hơn rất nhiều nước khác trong khu vực. Việt Nam cũng là một bên tham gia ký kết hiệp định TPP. Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 ở Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương lên tới 44,5 tỷ USD trong năm ngoái.
Theo các chuyên gia phân tích quốc phòng, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế và quân sự với nước này, đồng thời tạo cơ hội lớn cho các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ.
"Mỹ coi các động thái tăng cường quan hệ với Việt Nam là một phần trong chiến lược tái cân bằng. Một yếu tố then chốt của nỗ lực này là các thương vụ mua bán vũ khí", Jon Grevatt và Paul Burton thuộc tổ chức tư vấn IHS Jane’s nhận định.
Quyết định này mở ra cơ hội cho các nhà thầu quốc phòng của Mỹ, bởi Việt Nam là quốc gia nhập khẩu vũ khí đứng thứ 8 trên thế giới, với các hợp đồng mua vũ khí phòng thủ có giá trị ngày càng lớn, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Mỹ dự kiến cung cấp cho Việt Nam 18 tàu tuần tra Metal Shark. Ảnh: MetalShark
Theo IHS, trong bối cảnh tình hình Biển Đông còn nhiều phức tạp, Việt Nam cần phải cải thiện năng lực an ninh hàng hải của mình, trong đó có các hệ thống như máy bay tuần tra, radar duyên hải, cùng các phương tiện hải quân như tàu tuần tra ven biển – và các công ty quốc phòng của Mỹ đều có thể cung cấp những vũ khí này cho Việt Nam.
"Với việc lệnh cấm này bị dỡ bỏ, Việt Nam sẽ có cơ hội mua sắm các hệ thống vũ khí trên bộ và có tiềm năng lớn hơn trong việc mua các loại vũ khí không quân, cũng như những hệ thống của Mỹ có thể giúp nước này hiện đại hóa quân đội", Grevatt và Burton viết.
Tác giả bài viết: Trí Dũng