Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Phát sốt" với những món ngon không thể cưỡng lại khi đến miền Trung

Người Huế, từ món ăn dành cho người bình dân hay vua chúa đều rất nhiều nhiều gia vị khác nhau và đặc biệt là vị chua và cay.

Người miền Trung sử dụng cay nhiều nhưng độ ngọt lại ít hơn miền Nam. (Ảnh: Internet)


Cơm hến - Huế

Hến của xứ Huế ngon và đặc biệt hơn ở bất cứ nơi đâu. Món ăn bình dị mà chứa đựng bao kỳ công của người chế biến. Hến được đem về rửa sạch, đun sôi rồi cho vào nước lạnh để tách lấy thịt. Thịt hến và nước hến trong là hai vị chủ đạo của Cơm hến, ngoài ra không thể thiếu những thứ gia vị như: mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, ớt màu, đậu phụng nguyên hạt rang dầu, khế chua, rau thơm, bạc hà hay dọc mùng, bắp chuối thái chỉ, nước mắm, hạt tiêu, hành, muối mè, bì lợn rang giòn.

 

Cơm hến là món ăn mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu tại Huế. (Ảnh: Internet)


Cơm gà: Huế - Hội An – Quảng Nam

Cơm gà đơn giản là cơm nấu ăn với gà luộc nhưng cái đặc sắc là những yếu tố trong món ăn bình dị này như cơm, gà, nước chấm, đồ chua ăn kèm đều mang hương vị, phong cách ẩm thực rất riêng của miền Trung.

 

Mỗi một vùng miền cơm gà sẽ có hương vị hập dẫn khác nhau (Ảnh: Internet)


Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Quảng bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo “gu” miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.

Bún bò - Huế

Ai từng ăn bát bún bò Huế sẽ không quên được vị cay xé lưỡi của nó. Ớt được người bán cho một ít vào trong nước dùng, ngoài ra trên bàn ăn luôn có nhiều loại ớt cho bạn lựa chọn như: Ớt băm, sa tế, ớt trái thái lát.. Bát bún bò Huế nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà, ăn xong thì người đã toát mồ hôi hột.

 

Bát bún bò Huế ấn tượng với hương vị cay xè nơi đầu lưỡi. (Ảnh: Internet)


Nem nướng -  Khánh Hòa

Nem nướng được làm bằng thịt heo nạc, quết thật nhuyễn cho thêm tí mỡ hạt lựu và hương liệu tỏi, đường, muối,.. vò viên bằng đầu ngón tay. Người bán xiên hoặc kẹp gấp nhiều viên thịt trên chiếc đũa tre đặt trên vỉ than hồng, mỡ nhỏ giọt xèo xèo bốc khói thơm phức. Một lớp rau sống, gồm có: chuối  chát, khế, dưa leo, tía tô, húng, diếp cá,.. trải đều lên chiếc bánh tráng mỏng đã được thấm nước.

 

Làm nên sự thành công cho món nem nướng không thể không nhắc đến nước chấm đậm đà ngon tuyệt. (Ảnh: Internet)


Nem nướng chín gỡ ra sắp dài trên rau cuộc tròn chấm với nước tương ăn ngon tuyệt. Nước tương sền sệt có màu vàng ánh mỡ, chế bằng hỗn hợp: Thịt nạc băm, đường, mắm, tỏi, ớt, bột, mỡ,.. gia vị rất khéo. Chính nước chấm đóng vai trò thứ yếu làm tăng khẩu vị, tạo nên hương vị đậm đà khó quên.

Mì quảng -  Đà Nẵng Hội An

Đặc điểm của món ăn này là nước lèo phải sánh và rất ít chỉ đủ thấm và quyện vào từng sợi mì và làm mềm những món rau ăn kèm. Ăn kèm với bánh tráng (bánh đa) cùng các loại rau như xà lách, bắp chuối, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, mùi và một trái ớt sừng, những nguyên liệu đó hòa quyện vào nhau làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.

 

(Ảnh: Internet)


Gỏi mít -  Bình Định

Mít non để làm gỏi phải là mít có vỏ màu xanh non, gai chưa nở sờ vào thấy mềm, tức là lúc này mít chưa tượng hột. Gọt bỏ vỏ rồi xắt khúc đem luộc chín, xé hoặc xắt nhỏ mít đã luộc, trộn đều với một ít muối, ớt, nước cốt chanh, đường, rau thơm, đậu phụng rang giã dập. Gỏi mít tổng hợp đầy đủ các vị: chua, cay, mặn, ngọt, mùi thơm của rau thơm và đậu phụng rang, đặc biệt là vị bùi của mít non; xúc với bánh tráng nướng ăn đến no chứ không biết ngán.

Gỏi mít non hoặc kho cá với mít non là món ăn dân dã mà hầu hết người Bình Định đều thích ăn và biết chế biến.

 

Gỏi mít là món ăn tổng hợp đầy đủ các vị: chua, cay, mặn, ngọt và mùi thơm của rau mùi. (Ảnh: Internet)


Tré -  Bình Định

Nguyên liệu để làm nên món tré nức tiếng đều là những nguyên liệu quen thuộc của địa phương: thịt tai heo, thịt đầu heo, thịt ba chỉ cùng với gia vị mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi.

 

Tré được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt hoặc tương ớt. (Ảnh: Internet)


Khi ăn, người ta sẽ lột tré ra, dùng đũa đánh tơi các miếng thịt với nhau, rồi bày trên đĩa. Món này có thể cuốn với bánh tráng và  rau sống (rau thơm, dưa leo, chuối chát…), đồ chua (đu đủ, cà rốt thái sợi, củ kiệu…) chấm nước mắm ớt tỏi hoặc tương ớt.

Cháo và súp lươn – Nghệ An

Cháo lươn nghệ an là một trong những đặc sản của xứ Nghệ. Thịt lươn xào với nghệ, ớt, hành tăm. Xương sống lươn giã giập lọc lấy nước ninh cháo. Cháo lươn nóng ăn kèm với rau ngổ mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon, cay nồng hấp dẫn.

 

Cháo lươn là một trong những món ăn đặc sản của xứ Nghệ hương vị thơm ngon, cay nồng hấp dẫn. (Ảnh: Internet)


Với người nông dân, con lươn thật thân quen và giản dị. Ra đến chốn thị thành, xuất hiện tại các nhà hàng thì những chú lươn trở thành đặc sản với các cách chế biến cầu kỳ… Cháo lươn là một trong những món ăn đặc sản của xứ Nghệ. Không chỉ người dân xứ Nghệ yêu thích món cháo này, mà người ở nhiều vùng quê khác cũng đã biết tiếng và không bỏ lỡ dịp thưởng thức khi có điều kiện.

Cao Lầu – Hội An

Có hình thức giống với mì Quảng nhưng cao lầu là một món ăn có nhiều nét đặc trưng riêng biệt của mình. Một bát cao lầu đầy đủ gồm có sợi mì tươi, một ít sợi mì khô chiên giòn, thịt lợn thái lát và ít nước dùng.

 

Một bát Cao lầu với nước dùng đậm đà, thơm ngon. (Ảnh: Internet)


Nước dùng của cao lầu chính là nước tiết ra từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, đun trên bếp, nước dùng có vị hơi ngọt, đậm đà và thơm ngon. Không như những món ăn của miền Trung khi ăn kèm với rất nhiều loại rau, đĩa rau sống của cao lầu đơn giản với cải non và rau đắng.

Bánh xèo – Toàn miền

Bánh ngon và chinh phục thực khách trước hết là vì được đổ trong những khuôn đất nung, khác hẳn so với cách đổ bằng chảo của các người miền Nam vốn cũng sở hữu vị bánh xèo ngon trứ danh.

 

Điểm đặc biệt của Bánh xèo miền Trung là được đổ bằng khuôn đất. (Ảnh: Internet)


Nước chấm ăn kèm không phải là nước mắm chua ngọt thông thường như bạn hay gặp, nó là loại nước chấm hỗn hợp chế biến cũng khá công phu gồm có chút mắm nêm, cà chua, đậu phụng giã nát kèm theo các gia vị thông dụng khác là tỏi ớt.

Bánh ướt, thịt nướng – Huế, Hội An

Cách thưởng thức truyền thống là bánh ướt tráng mỏng, cuộn lại, thịt luộc thái mỏng để cạnh bên, chấm cùng nước mắm nguyên chất. Về sau, người ta biến tấu thành các món cuốn kết hợp với rau và thịt nướng. Lúc này bánh ướt phải tráng dày hơn sao cho khi cuốn thì ôm trọn phần nhân, khi chấm không bị bung ra.

 

Món bánh ướt thịt nướng được cải tiến dần theo thời gian. (Ảnh: Internet)


Bánh ướt ram – Quảng Nam

Một món ăn cực kỳ bình dân, mộc mạc nhưng lại đậm đà và gắn bó với người dân Quảng Nam biết mấy. Chẳng cần mặt bằng để mở tiệm, bánh ướt ram đa phần chỉ bày bán trên vỉa hè hoặc tại các khu bán thức ăn trong chợ.

Bạn có thể tìm thấy món ăn bình dị này ở hầu hết các chợ miền Trung. (Ảnh: Internet)


Người bán thường ngồi trên chiếc sạp gỗ nhỏ, quanh sạp được xếp vài chiếc ghế gỗ để ai ghé ăn thì ngồi cho tiện. Bình dân thế đấy mà cứ sáng sớm hay xế chiều là đầy người ngồi quanh sạp, nhóm khác thì đứng đợi để mua mang về. Các bà, các dì cuốn bánh liền tay mà khách cứ hối thúc mãi.

Bánh tráng đập – Quảng Nam

Món bánh tráng đập ở phố cổ Hội An trông có vẻ “nho nhã, phong lưu” hơn so với các vùng khác vì chiếc bánh nhỏ và mỏng, hơi thanh. Ngược lại, ở khu vực nông thôn, người ta “đúc” những chiếc bánh lớn, dày nhưng không kém phần “khoái khẩu”.

 

(Ảnh: Internet)


Loại bánh dân dã này, ngoài để ăn chơi ra, bánh còn để dùng cho nông dân ăn nửa buổi khi làm đồng, làm rẫy… Trong tất cả các mâm cơm cúng từ cao xuống thấp, bao giờ bánh tráng nướng cũng nằm ở vị trí trang trọng trên mâm cỗ. Khai tiệc, người lớn tuổi cầm chiếc bánh tráng bẻ thành từng miếng như một nghi thức bắt đầu bữa tiệc.

Bánh mì – Hội An

Trước khi du lịch Việt Nam, Cameron Stauch đã từng thử một vài loại bánh mì Việt tại các quầy hàng bánh mỳ ở nước ngoài do người Việt làm chủ sở hữu, nhưng hương vị đó không làm người đầu bếp Canada cảm thấy thỏa mãn. Một số điều độc đáo khác tạo nên chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam được người đầu bếp Canada khám phá ra đó là bánh mì tại Hội An.

 

Đến Hội An, bạn đừng quên thử ổ bánh mì nổi tiếng này nhé. (Ảnh: Internet)


Các loại nguyên liệu chính như thịt, chả lụa được đặt vào bánh; phủ lên trên là chút tương ớt hoặc thêm một chút nước sốt tự chế. Đầu bếp Cameron Stauch chia sẻ, ông tin rằng quy trình phân lớp đặc biệt đó đã tạo nên hương vị hài hòa dễ gây nghiện cho chiếc bánh mì ở đây.

Bánh căn – Khánh Hòa, Phan Thiết

Nguyên liệu chính là từ gạo ngâm với cơm nguội phơi khô rồi xay thành bột, pha chế cùng nước, thêm chút dầu lạc hoặc mỡ heo cho ngậy. Bánh muốn ngon, phải làm từ loại gạo từ mùa cũ, trộn ít cơm nguội phơi khô để có độ xốp, giòn và dậy mùi thơm.

 

(Ảnh: Internet)


Để làm bánh căn quan trọng phải có một bộ khuôn nướng bằng đất nung với các lỗ tròn và nắp đậy. Đặt khuôn lên bếp than rực hồng cho đủ nhiệt, xoa chút dầu mỡ cho bánh không dính rồi đổ bột vào.

Bánh bột lọc – Huế

Đi du lịch ở bất cứ vùng miền nào, khi khám phá ẩm thực, du khách đều cảm nhận được những điểm thi vị rất riêng.

Đến Huế cũng thế, thưởng thức bánh bột lọc ở các quán ăn bình dân, hay nơi nhà hàng của các khách sạn Huế sang trọng, thì bánh bột lọc đều làm cho thực khách cảm nhận được đủ hương vị tuyệt vời của nó – hương vị giản dị nhưng đậm chất Huế không thể nhầm lẫn với các nơi khác.

 

Bánh bột lọc - Hương vị giản dị nhưng đậm chất Huế không thể nhầm lẫn với các nơi khác. (Ảnh: Internet)


Bánh bột lọc ở Huế xưa nay nổi tiếng là một trong những món bánh rất ngon được xem là biểu tượng dân gian của ẩm thực Huế, nhưng lại có cách làm khá đơn giản, bất kể ai yêu thích cũng có thể thực hiện được món bánh này.

Bánh bèo – Toàn miền

Đến với cố đô Huế, du khách không thể bỏ qua những món bánh nổi tiếng ở đây. Có thể kể ra đây tên một vài loại bánh quen thuộc như: bánh bèo chén, bánh ram ít, bánh phu thê, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh ướt...

 

(Ảnh: Internet)

Tác giả bài viết: Ba lô con con