Vì sao đại gia ngoại bơm tiền chiếm thị trường bán lẻ Việt?
- 15:25 18-05-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại diễn đàn “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” do Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng nay (18/5), các chuyên gia kinh tế đã cùng nhau phân tích cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt, thị trường bán lẻ Việt trước việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị phần.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận thực tế các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đang bán hàng bị mất thị phần, mất doanh số. Nhiều mặt hàng được xem là thế mạnh của Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn.
“Năng lực quản lý yếu kém, doanh nghiệp Việt không chỉ đối diện với mất thị phần mà còn lo ngại khả năng bị thâu tóm”, ông Hải nhấn mạnh.
50% thị phần đã nằm trong tay người Thái
TS Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương. Ảnh: Kiều Vui
TS Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, các nhà bán lẻ nước ngoài có thị phần tại Việt Nam là nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Trong khi đó, TS. Ngô Tuấn Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc cả hai hệ thống bán lẻ lớn là Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam về tay các nhà đầu tư Thái Lan, cũng có nghĩa 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái.
Ông Ngô Tuấn Anh nhận định, sự tham gia của "đại gia" Thái Lan lần nữa khẳng định, thị trường bán lẻ trong nước đang là mảnh đất béo bở cho các “đại gia” ngoại.
Đồng quan điểm, TS Phan Thế Công - Đại học Thương mại và Ths Phan Thế Thắng (Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương) đánh giá, bên cạnh các doanh nghiệp lớn có tên tuổi của Việt Nam tham gia vào thị trường bán lẻ và đang trên đà phát triển mạnh như Sài Gòn Co.op, Vingroup, Hapro… thì chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm trở lại đây, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đã đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Có thể kể đến những cái tên như Metro, Big C, Lotte Mart, Aeon, Family Mart, Central, Auchan (Simply Mart)… Điều đó cho thấy tiềm năng cũng như cuộc đua giành thị phần của thị trường bán lẻ Việt Nam rất “khốc liệt”.
Mổ xẻ nguyên nhân thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài, TS Lê Huy Khôi nói, nguyên nhân là bởi Việt Nam có dân số đông (trên 91 triệu người), thu nhập bình quân đầu người đạt 1.890 USD năm 2015, dân số đang trong độ cơ cấu dân số vàng (trong đó có tới 60% là tiêu dùng trẻ), tốc độ đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu ngày càng đông…
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được nhìn nhận sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020, từ 12 triệu người năm 2014 lên 33 triệu người năm 2020. Tỷ lệ chi tiêu tăng, cùng với việc người tiêu dùng sẵn sàng chi trả để có chất lượng dịch vụ, sản phẩm cao.
Các chuyên gia khác cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng, bởi quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 đạt 102 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% trong giai đoạn 2010-2015), thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010 - 2015.
Hơn nữa, theo quy hoạch cả nước đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Dự báo, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9%, quy mô thị trưởng khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%.
Những lý do trên khiến thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang là miền đất hứa và là điểm dừng chân của hàng loạt các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Lối thoát nào cho DN Việt?
Doanh nghiệp Việt đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao.
Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng bởi thị trường của các quốc gia TPP đã bị chính các doanh nghiệp của họ khai thác rất nhiều và khi thị trường trong nước bão hòa, các doanh nghiệp nước họ buộc phải mở rộng thị trường sang các nước khác tiềm năng hơn.
Nói cách khác, sức ép cạnh tranh của các nhà phân phối nước ngoài đang ngày càng lớn cùng với lộ trình mở cửa lĩnh vực phân phối.
Để tồn tại được, theo TS Lê Huy Khôi, các doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu, tận dụng, khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường mà chúng ta có lợi thế so với các doanh nghiệp nước ngoài như phát triển loại hình siêu thị chuyên doanh.
Cùng với đó cần tập trung nghiên cứu và phát triển chiến lược kinh doanh theo hướng phát triển chuỗi các cửa hàng tiện ích, tiện lợi phục vụ cho từng khu vực dân cư, từng khu vực thị trường.
“Nếu không có một nền sản xuất nội địa tốt thì không có cơ hội nào để phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tốt. Vì thế, cần liên kết chuỗi sản xuất – cung ứng thật chắc chắn ngay ở thị trường nội địa, tạo sự liên kết vùng, liên kết sản xuất – phân phối, phân phối – phân phối, bán buôn – bán lẻ…”, TS Lê Huy Khôi nhấn mạnh.
Ông Khôi cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam như dành vị trí thuận lợi kèm chính sách giá thuê hợp lý, các loại thuế, vốn và lãi suất phù hợp, điều chỉnh cơ chế chính sách thông thoáng…
Đối với nhà bán lẻ nước ngoài, ông Khôi cho rằng, trong việc giao đất, cho thuê đất, Nhà nước cần ràng buộc cụ thể với nhà bán lẻ nước ngoài. Doanh nghiệp hoạt động có lãi, nộp thuế ít nhất 3 năm mới được chuyển nhượng và trong trường hợp bán lại cần ưu tiên bán cho Việt Nam.
Tác giả bài viết: Kiều Vui