Nói cười sao cho thanh, sạch?
- 10:10 18-05-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều đạo diễn, diễn viên kỳ cựu trong làng cười lên tiếng chia sẻ về vấn đề hài sao cho thanh, sạch và đọng lại trong lòng khán giả.
Diễn Tô Ánh Nguyệt Remix: Trấn Thành bị phạt 32,5 triệu đồng
Sự bùng nổ của nhiều gameshow, chương trình về hài làm nhiều người lo ngại bởi tiếng cười đôi khi quá dễ dãi, dung tục.
Nghệ sĩ hài cần có bộ lọc riêng
Trao đổi với TTO, nghệ sĩ Xuân Hương cho rằng muốn mang tiếng cười trong sáng đến khán giả, trước nhất, người nghệ sĩ phải có trình độ, cái tâm sáng và những trăn trở về các vấn đề mà khán giả đang quan tâm.
Từ đó mới vận dụng những thủ pháp nghệ thuật để tạo nên tiếng cười. Quan trọng nhất vẫn là làm sao để tiếng cười đó thể hiện văn hóa - trình độ của người nghệ sĩ.
Tác phẩm phản ánh trình độ của người nghệ sĩ. Vậy nên, người nghệ sĩ phải làm sao để trong lòng khán giả còn đọng lại điều đẹp đẽ về người nghệ sĩ cũng như thông điệp của tác phẩm.
“Thật đáng tiếc là hài nhảm, hài nói tục không đáp ứng được những yêu cầu như đã nói. Nhưng để nghĩ ra những điều trí tuệ để tạo nên tiếng cười thật không dễ nên rất nhiều người chọn cách gây hài theo cách ngược lại”, nghệ sĩ Xuân Hương bày tỏ.
Trong khi đó, nghệ sĩ Chí Trung chỉ ra những yếu tố quan trọng để tạo nên những tiếng cười trong sáng, đó là phông văn hóa, vốn tri thức tốt, thẩm mỹ tốt và tính công dân - điều sẽ chi phối hành động và kiểm soát lời ăn tiếng nói với mọi người.
“Để làm một ngôi nhà đẹp, trước hết nền móng phải vững chắc. Nền móng vững chắc trong nghệ thuật sẽ giúp người nghệ sĩ xây dựng được một bộ lọc tốt và tự tạo ra “kháng thể” cho mình”, nghệ sĩ Chí Trung nói.
Theo nghệ sĩ Chí Trung, kháng thể văn hóa là kháng thể khó nhất bởi chẳng có định lượng nào xác định kháng thể này có đúng không, bộ lọc của mình chuẩn hay chưa. Bộ lọc về văn hóa, tri thức, thẩm mỹ… sẽ lọc ra những điều vớ vẩn, quyết định được cái gì nên đùa, cái nào thôi…
"Từ đó mang đến một sản phẩm văn hóa vừa có thể nâng tầm mọi người, vừa không làm xấu hình ảnh người nghệ sĩ, thay vì chỉ giải quyết nhu cầu cười”, nghệ sĩ Chí Trung thẳng thắn.
Nghệ sĩ là người kiểm duyệt tác phẩm của mình đầu tiên
Nhấn mạnh hơn về vai trò của người nghệ sĩ trong việc chọn lọc nội dung nào nên truyền tải đến khán giả, đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM cho rằng người nghệ sĩ phải biết đối tượng của mình là ai để kể những câu chuyện sao cho phù hợp, đồng thời khi lên sân khấu cũng phải tiết chế để đừng chỉ bị cuốn theo hiệu quả gây cười.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, hài không chỉ có mục đích là gây cười mà hài còn là một hình thức truyền tải một nội dung, một thông điệp nào đó.
Nhiều nghệ sĩ lại quên đi khía cạnh nội dung mà chỉ chú ý đến hiệu quả gây cười, quá quan tâm đến việc làm sao để khán giả cười mà quên mất mục đích: khán giả cười để làm gì?
Bàn về vai trò của khâu kiểm duyệt, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng các cơ quan kiểm duyệt không thể theo sát từng show diễn của người nghệ sĩ. Cũng khó để đề ra một chuẩn mực nhất định và bắt các nghệ sĩ phải tuân theo.
"Vì thế chính người nghệ sĩ phải là người đầu tiên kiểm duyệt tác phẩm của chính mình, quyết định xem tác phẩm ấy có nên đưa ra trước công chúng không, đưa ra bằng cách nào. Ý thức của người nghệ sĩ luôn là điều yếu tố quan trọng hàng đầu" - NSND Trần Ngọc Giàu nói.
Trăn trở gửi các nhà sản xuất
Chia sẻ những trăn trở của mình, nghệ sĩ Xuân Hương cho biết chị “đau cho cái hài ngày nay” khi mà những giải thưởng, danh xưng… ngày một dễ dãi.
Tệ hơn nữa là có những cá nhân chưa đóng góp được nhiều trong nghề nghiệp, những chương trình hài, gameshow hài vô bổ, thậm chí phản giáo dục vẫn được vinh danh, trao giải thưởng.
Điều này, theo nghệ sĩ Xuân Hương, sẽ làm cho người nhận dễ ảo tưởng về mình, để từ đó trượt dài, không phanh lại được về đạo đức cũng như trong nghề nghiệp.
“Tôi thấy lạ là tại sao cứ cười “hềnh hệch” cả ngày, mở tivi lên là thấy gameshow, chương trình hài, trong khi cuộc sống ngoài kia có những góc rất thẩm mỹ, những tiếng cười nhẹ nhàng, thâm thúy thì không thấy đâu, nghệ sĩ Chí Trung trăn trở.
Nghệ sĩ Chí Trung lo rằng những chương trình, gameshow “vớ vẩn” đôi khi sẽ ru ngủ, làm người ta quên đi thực tại và quên đi những điều cần phải trau dồi, nhất là với lớp trẻ.
“Biết rằng sống muôn màu và không thể áp đặt nhưng những người mang trọng trách định hướng cũng nên lưu ý và cân bằng mọi thứ, không nên đuổi theo đồng tiền mà phải nghĩ đến hậu quả. Cũng giống như trong bữa cơm gia đình, bố mẹ có thể trò chuyện để hướng con đến một môi trường thẩm mỹ tốt, thay vì cứ lấy những cái cười “hềnh hệch” ra để nói mỗi ngày”- nghệ sĩ Chí Trung nói.
Cơ thể con người có 100 chỗ để cù, chỗ nào cũng có thể chọc cười được nhưng tôi chọn cù vào tri thức, cù vào những điều sạch sẽ và tiếng cười từ ngực trở lên. Những người khác có thể chọn cách gây cười khác, cù vào chỗ khác. Không nói ai hay ai dở, mỗi người có một gu khác nhau. Nghệ sĩ Chí Trung |
Tác giả bài viết: VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN