Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những địa điểm nên đến khi đi du lịch Yên Bái (1)

Đã bao giờ bạn nghĩ mình sẽ đi du lịch tại các tỉnh miền núi phía Bắc chưa? Vậy những điểm du lịch tại Yên Bái sau đây sẽ không làm bạn thất vọng.

Những địa điểm du lịch nên đến khi đi du lịch Yên Bái (1)

Với nhiều người dường như du lịch Yên Bái chỉ có Mù Cang Chải, tuy nhiên liệu bạn đã bao giờ dành thời gian ngồi nghiên cứu xem ở Yên Bái có những địa điểm du lịch thú vị nào khác chưa? Hãy cùng khám phá những địa điểm đẹp đến hút hồn này nhé!

1. Mù Căng Chải

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, giáp với Thị xã Nghĩa Lộ, Mường La và Than Uyên của Lai Châu. Từ Hà Nội để đến với Mù Cang Chải bạn có thể lựa chọn đi theo hướng Quốc lộ 32 để cùng với đó khám phá đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Mù Cang Chải nổi tiếng nhất với khách du lịch bởi “đặc sản” ruộng bậc thang. Với hơn 700ha ruộng trong đó 50% tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ về đến trung tâm thị trấn bạn sẽ không thể cưỡng lại được sự quyến rũ mê người từ màu vàng óng của những dãy núi trồng toàn lúa. Năm 2007 ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.

 

Mù Căng Chài chụp bằng Flycam


Những Mù Cang Chải tháng 9, tháng 10, huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội chừng 300km, không chỉ là ngày hội thu hoạch của người dân bản xứ sống trên độ cao 2.000m so với mặt biển, mà luôn thu hút du khách khắp nơi bởi bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp được vẽ trên 2.200ha ruộng bậc thang kỳ vĩ nhuộm màu vàng rực của lúa chín, xen kẽ là sắc xanh của cỏ cây, hoa dại…

Không chỉ hút hồn bởi những "cánh đồng bậc thang" nhuộm màu vàng, vào những ngày hè oi bức, những "thắng cảnh nước" sau đây cũng làm bạn không thể cưỡng lại được.

2. Thác Pú Nhu

 

Thác Pú Nhu


Thác Pú Nhu nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10km về phía Tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (Lào Cai) đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc.

3. Thác Mơ

 

Thác Mơ là một trong những địa điểm du lịch nên đến khi đi du lịch Yên Bái


Thác Mơ nằm giữa hai ngọn đồi Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (Mù Căng Chải, Yên Bái).Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để bạn dừng chân, thưởng ngoạn. Từ quốc lộ 32, đi bộ khoảng 30′ vào đến chân thác, tiếp tục từ đây bạn sẽ tới điểm thác một tầng nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc. Để đến được điểm thác 4 tầng tiếp theo bạn cần tiếp tục đi bộ ngược dòng thác, đây cũng là nơi ấn tượng nhất để bạn có thể lưu lại những hình ảnh tuyệt đẹp về Thác Mơ.

4. Thác Kiên Thành

Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ bản Đồng Ruộng đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng trên 30m. Nằm giữa hai vách núi đá cao thẳng đứng, thác Kiên Thành tựa như một bức tranh thủy mặc giữa núi rừng hoang sơ.

 

Thác Kiên Thành


Những ngày nắng nóng, có hàng trăm lượt du khách từ khắp nơi đổ về thăm quan và trầm mình xuống dòng nước trong xanh, mát lạnh. Vào những ngày nắng đẹp, nhìn từ dưới lên đỉnh thác, hơi nước lấp lửng khiến thác như được bao bọc bởi một chiếc khăn voan trắng.

Khu vực chân thác, khí hậu trong lành, mát mẻ, lý tưởng cho những chuyến dã ngoại trong ngày, nước chảy êm đềm trên những mảng rong xanh sẽ để lại ấn tượng cho ai đã từng đến đây và thả hồn theo dòng nước.

5. Suối Giàng

Xã Suối Giàng huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái trên độ cao 1.371m so với mực nước biển, nằm sâu trên dãy núi Phan Xi Phăng hùng vĩ. Đây là quê hương của loại chè Shan cổ thụ với hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Khí hậu ở Suối Giàng bốn mùa se lạnh, tựa như Sapa, Đà Lạt. Chỉ mất chút ít thời gian thả hồn cùng những dải lúa cong cong theo vạt núi, từng nương ngô, nương cải xanh non trong sương bay bảng lảng là thấy mình như đứng trên mây.

Từ trên cao nhìn xuống là biển lúa rộng mênh mông vàng óng Mường Lò – vựa lúa lớn thứ hai của khu vực Tây Bắc và thị xã Nghĩa Lộ thanh bình cùng nhịp sống của 13 dân tộc anh em. Tại đây, du khách có thể lên những cây chè cổ thụ trên trăm tuổi, hái những búp chè xanh non cùng thiếu nữ Hmông mến khách, hay đi dạo dưới rừng Pơ mu hoặc phiêu du cùng thác Tập Lang rì rầm nước chảy

Suối Giàng nổi tiếng với những cây chè tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đường kính lên tới 100cm. Chè tuyết nơi đây phát triển tự nhiên trong tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, chẳng cần phân bón mà vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc. Lộc non sao lên, pha nước sôi, hương vị bốc lên thơm ngây ngất, uống vào thấy đượm vị ngọt lâu trên đầu lưỡi. Nhiều gia đình dân tộc Mông ở đây cũng nhờ những gốc chè này mà làm nên cơ nghiệp, cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống. Họ coi đó là cây chè của đất trời ban tặng cho người Mông của xứ sở này.

6. Hồ Thác Bà

Nằm ở phía Tây Bắc tổ quốc, hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái, nơi được ví như “Hạ Long trên núi” là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam hình thành khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà.

 

Hồ Thác Bà


Nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên,  Hồ Thác Bà rộng gần 23.500 ha với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình. Đi thuyền trên hồ Thác Bà, bạn không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận.

7. Bản văn hóa Ngòi Tu

Bản Ngòi Tu thuộc xã Vũ Linh, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái. Là một bản với nhiều dân tộc anh em sinh sống, nhưng phần lớn vẫn là dân tộc Dao (Dao Quần Trắng), bản cách Hà Nội 165km nằm ở khu vực phía Tây-Bắc Việt Nam, theo đường QL2, QL70.

 

Bản văn hóa Ngòi Tu


Với những đặc trưng riêng, Ngòi Tu hấp dẫn du khách không những bởi có một vị trí đẹp, 1 phần đất liền và một nửa còn lại tiếp giáp mặt hồ nước mênh mông mà còn bởi nơi đây là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Dao, Cao Lan, Nùng, trong đó chủ yếu là đồng bào Dao quần trắng.

Tác giả bài viết: Quỳnh Nguyễn

Nguồn tin: