Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sốc với chân dung thật của “thần y” thu bộn tiền nhờ chữa vô sinh

Khoe mình từng là bác sĩ của một bệnh viện uy tín, “thần y” khiến nhiều cặp vợ chồng vô sinh cả tin. Thế nên, mọi người sẽ sốc nặng khi biết chân dung thật của vị “bác sĩ” này.
 Diện kiến “thần y” đang khiến chị em hiếm muộn phát cuồng

LTS: Mong muốn có mụn con, cả ngàn người đã đến cậy nhờ “thần y” Nguyễn Văn Luấn ở Yên Mỹ, Hưng Yên này bắt bệnh, bốc thuốc. Không biết khả năng của ông ta đến đâu nhưng giờ, trên các mạng xã hội, “thần y” này tiếng nổi như cồn…

Kiếm bộn tiền

Như đã thông tin ở bài báo trước, trong vai người xây dựng gia đình đã hơn chục năm mà chưa có con, chúng tôi đã đến phòng khám của “bác sĩ” Nguyễn Văn Luấn để thực mục sở thị “tài năng” của “thần y” đang nổi như cồn này.

Từ những kết quả xét nghiệm mà chúng tôi mang tới, “thần y” đã mặc sức phán nhăng cuội về bệnh tình của đồng nghiệp tôi, người vào vai anh chồng hiếm muộn.

Sau màn chẩn đoán bệnh khiến bất cứ ai cũng phải phì cười ấy, kê đơn vào cuốn sổ phô tô có ghi rõ tên “BS- Lương y Nguyễn Văn Luấn”, “thần y” đề nghị chúng tôi lấy thuốc.
 

Sổ khám bệnh của "bác sĩ, lương y" Nguyễn Văn Luấn.

Theo “bác sĩ” này thì ông ta có hai đơn thuốc, tùy chúng tôi lựa chọn. “Đơn bình thường để cháu đẻ mấy đứa thì 140 nghìn/thang, uống trong thời gian dài.

Nếu cần cấp tốc có em bé, uống trong 3 tuần, loại đó phải 150 nghìn/thang. Tuy nhiên, loại cấp tốc này chỉ đẻ được 1 đứa, sau này muốn đẻ tiếp lại phải uống thuốc. Như của anh phải uống mất khoảng tháng rưỡi, tương đương 45 thang.

Thế nha, nộp tiền khám 100, tuần sau quay lại. Nhưng phải cấm rượu bia, thuốc hút thoải mái”, “thần y” nói.

Nhẩm tính nếu chấp nhận lấy thuốc thì chỉ riêng “đức ông chồng hiếm muộn”, chúng tôi sẽ phải bỏ ra số tiền trên 6 triệu đồng. Nếu lấy cho cả hai vợ chồng thì hơn chục triệu đi toi.
 

Vào vai cặp vợ chồng hiếm muộn, phóng viên đã được "thần y" phán đủ loại bệnh khó tin. (Ảnh từ Clip)

Trước đó, khi bắt mạch “khám bệnh” cho đồng nghiệp chúng tôi, “thần y” đã luôn miệng: “Hôm nay không phải lịch tiếp khách nên mới có thời gian ngồi nói chuyện với các anh đấy chứ hôm qua thì khám xong là ra ngay.

Hôm qua hơn 100 đôi đến đấy, không có thời gian mà nói chuyện đâu!”.

Lấy lý do tuần sau sẽ đưa vợ từ Nghệ An ra thăm khám cụ thể rồi mới lấy thuốc, đồng nghiệp của chúng tôi đã chào “thần y” ra về.

Thầy bói xem voi

Hơn tuần sau như đã hẹn, chúng tôi lại tìm về tư dinh “bác sĩ” Luấn. Lần này chúng tôi về đúng ngày phòng khám của ông ta mở cửa.

Đúng như lời “thần y” nói hôm trước, phòng khám của “thần y” lố nhố kẻ đứng người ngồi. Ngoài đường, ô tô, xe máy đỗ, dựng ngổn ngang.

Ngoài phòng chờ, nhiều cặp vợ chồng ngó vào buồng trong, nơi “thần y” khám bệnh bằng ánh mắt tràn đầy hi vọng.
Lần này, đồng nghiệp của chúng tôi, người đã vào vai ông chồng hiếm muộn khi trước có thêm “bạn đồng hành”.

Một nữ đồng nghiệp của chúng tôi đã vào vai người vợ đang khao khát có mụn con nên phải lặn lội từ Nghệ An ra những mong nhờ “thần y” trị bệnh.

Cần phải nói rõ thêm rằng, nữ đồng nghiệp vào vai người vợ hiếm muộn ấy đời thực đã có 2 mặt con và chỉ cần nhìn vóc dáng bề ngoài cũng thừa biết là người đang nuôi con nhỏ.

Sau thời gian vật vã ở phòng chờ thì cũng đến lượt “vợ chồng” đồng nghiệp của chúng tôi thăm khám.
 

Người nhà của "thần y" Luấn đang rửa thuốc (Ảnh cắt từ Clip)

Vào phòng, vẫn lần giở tập hồ sơ chúng tôi mang theo nhưng có vẻ như đã… quên mất những lời mình đã phán lần trước nên khi bắt mạch cho “vợ” đồng nghiệp của chúng tôi, “bác sĩ” Luấn không đả động gì đến chuyện “tử cung thủng lỗ chỗ” nữa.

“Sao tử cung lại bị nhiều điểm vấp thế!? Khám nhiều tây y quá! Buồng trứng trái có vấn đề. Con kinh không đều từ khi chưa lấy chồng.

Lỗi này bẩm sinh nhé, không phải lỗi do… người sử dụng đâu!”, vừa bắt mạch cho “vợ” đồng nghiệp của tôi, “thần y” vừa phán như… thầy bói!

Thấy “thần y” nói vậy, nữ đồng nghiệp của tôi đã gật đầu họa theo: “Đúng ạ, vòng kinh của cháu không đều đâu, bác xem chữa giúp cháu ạ”.

“Buồng trứng trái của con không bao giờ chửa được, lấy thai khó đấy. Của con bây giờ chỉ còn buồng phải. Cứ uống thuốc một kỳ thì xuống đây bác kiểm tra lại.

Bây giờ uống thuốc để nuôi bên phải, bên trái suy rồi. Nội tiết kém, hai vòi trứng không tắc, viêm nội tuyến…”, “bác sĩ” Luấn phán một tràng dài.

Kê đơn thuốc nữ đồng nghiệp của chúng tôi xong, “thần y” lại vời “anh chồng hiếm muộn”- nam đồng nghiệp của chúng tôi vào khám. Vẫn là những cái nắn cổ tay hờ hững.

“Cả kỳ vừa rồi lấy thuốc về mà anh chỉ sinh hoạt có hai lần thôi à, ít quá! Lần sau trước khi xuống gặp bác thì vợ chồng không quan hệ để tôi kiểm tra cho chính xác nhé!”, vừa nắn cổ tay đồng nghiệp tôi, mặt tỉnh bơ, “bác sĩ” Luấn nói.

Miệng nói, một tay bắt mạch, một tay “thần y” hí hoáy kê đơn. Không biết có phải vì quá đông khách hay bởi chẳng buồn để tâm đến bệnh nhân mà “thần y” đã quên mất rằng, lần trước, đồng nghiệp của tôi đã không hề lấy thuốc.

Lần này xuống “khám bệnh”, “thần y” Nguyễn Văn Luấn vẫn không quên… quảng cáo về bản thân mình. Như nhiều lần giới thiệu trước đấy thì “thần y” tự nhận mình là bác sĩ từng công tác ở Bệnh viện Quân y 103 và mới về hưu năm ngoái.

“Năm 1976 tôi công tác ở Viện 4 Nghệ An đấy (Bệnh viện Quân y Khu 4- PV). Tôi tăng cường ở đó 2 năm, sau đó vào quân khu 7 đến năm 1982 mới về Bệnh viện 103. Năm nay tôi 60 rồi”, “thần y” Luấn giới thiệu về bản thân.
"Thần y" từng là thầy bói, "trạng đề"...

Rời dinh thự của “thần y” nổi tiếng, chúng tôi về lại thôn Chi Long, xã Ngọc Long, (Yên Mỹ, Hưng Yên) đại bản doanh, nơi “thần y” Luấn từng sinh sống và khám bệnh trước đây.

Xã Ngọc Long nằm ngay giáp thị trấn. Người chúng tôi tìm gặp là ông Luyện Minh Thêm, Trưởng thôn Chi Long.


Thôn Chi Long, nơi "thần y" Luấn... "thành danh".

Hỏi chuyện về “bác sĩ” Luấn, ông Thêm tỏ vẻ ngại ngần. Ông Thêm bảo, ông và ông Luấn bằng tuổi nhau và giờ đang sinh hoạt chung ở hội đồng tuế của thôn.

“Tôi đoán được là các nhà báo muốn hỏi gì nhưng thật ra bởi là chỗ quen biết nên nói về ông Luấn thì tôi rất ngại”, ông Thêm chia sẻ.

“Tôi không biết ông ấy nói với các anh như thế nào nhưng ông ấy chưa bao giờ công tác ở đâu cả. Không có chuyện ông ấy từng là bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đâu!”, ông Thêm khẳng định.

Theo lời của vị trưởng thôn này thì trước đây gia đình ông Luấn ở giữa thôn Chi Long. Ông Luấn có thời gian đi bộ đội, đóng quân ở bên Lào. Hết nghĩa vụ thì về quê làm nông nghiệp như bao người ở làng.

Chừng năm 1992-1993, nạn đề đóm bùng nổ ở Chi Long, chẳng biết ai cho “ăn lộc” mà ông Luấn bỗng dưng thành… “trạng đề”. “Ông ấy phán số, cho số để người dân đánh đề”, ông Thêm kể.

“Ngày ấy dân làng tôi đánh đề kinh lắm, có bận còn tưởng là chết đói vì đề cơ. Cứ chiều đến là cả làng nháo nhác, có người còn xúc cả thóc để đi ghi số đề”, ông Thêm kể tiếp.

Nhờ nghề “trạng đề” mà ông Luấn phất lên nhanh chóng. Tuy nhiên, nghề ấy cũng chẳng thịnh được lâu bởi người dân ngộ ra không thể kiếm sống bằng trò chơi may rủi.

Vẫn theo lời kể của ông Thêm, thấy nghề “trạng đề”, “thần đề” suy, ông Luấn chuyển hướng sang làm thầy địa lý, chuyên xem chuyện mồ mả, đất cát cho người dân trong vùng.


Trưởng thôn Chi Long khẳng định ông Luấn trước đây là "trạng đề", thầy bói chứ không phải là bác sĩ.

Tuy nhiên, khi dân trí cao lên, biết là không kiếm ăn được với nghề này thì ông Luấn chuyển hướng sang… bốc thuốc cứu người.

“Tôi nghe nói ông ấy có đi học đông y ở đâu đó, nhưng là học kiểu bổ túc thôi chứ tuổi như ông ấy thì học chính quy sao được”, ông Thêm chia sẻ.

“Không biết ông ấy học đông y chuyên về cái gì nhưng ở đây ông ấy thường nhận mình có khả năng chữa những bệnh liên quan đến vô sinh, hiếm muộn.

Nhà ở giữa làng nhưng trước đây, khi chưa chuyển về thị trấn thì ông ấy mở phòng khám ở ngay cạnh nhà tôi. Đông khách đến tìm ông ấy lắm!”, vị trưởng thôn này cho biết thêm.

“Ông ấy nổi tiếng như thế thì ở làng có ai đến chữa vô sinh chỗ ông ấy không?”, chúng tôi hỏi.

“Không, ở đây không ai khám bệnh chỗ ông ấy cả, vô sinh thì phải đến bệnh viện chứ!”, ông Thêm trả lời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Phú, Trưởng phòng y tế huyện Yên Mỹ cho biết, ông Luấn có giấy phép hành nghề y nhưng không phải là bác sĩ. “Dân ở đây cũng ít người đến chỗ ông Luấn chữa bệnh”, ông Phú khẳng định.

Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên