Bí ẩn thành cổ, dinh thự xưa: Đường hầm bí mật trong biệt điện Bảo Đại
- 07:07 28-04-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Biệt điện số 1 Bảo Đại sau khi sửa chữa
Thời gian làm quốc trưởng, Bảo Đại cho mua lại một dinh thự cổ kính, uy nghi của một viên chức người Pháp tên là Robert Clément Bourgery (xây dựng vào những năm 1940, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 4 km về hướng đông nam), để làm tổng hành dinh và nơi làm việc cho các quan chức trong “Hoàng triều cương thổ”, ngày nay hay được gọi là biệt điện số 1 Bảo Đại.
Biệt điện có kiến trúc đậm phong cách tân cổ điển châu Âu, tọa lạc trên một ngọn đồi cao 1.550 m so với mực nước biển, có khuôn viên rộng tới hàng chục héc ta, xung quanh là rừng thông xanh thẳm trập trùng. Trong khuôn viên biệt điện, dưới thung lũng sâu bên rừng thông có hồ tắm thiên nhiên, nguồn nước chảy từ lòng núi ra trong lành nhưng không quá lạnh, vẫn được vua Bảo Đại và gia đình làm nơi thư giãn. Người dân địa phương vẫn thường gọi hồ tắm thiên nhiên này là “ao vua”. Trong khuôn viên biệt điện số 1 còn có khu nhà dành cho Ngự lâm quân và vườn Ngự uyển dẫn vào khu vực săn bắn.
Sau năm 1975, biệt điện số 1 được đưa vào khai thác du lịch nhưng không hiệu quả, đơn vị chủ quản bỏ bê khiến biệt điện bị xuống cấp và trở nên hoang phế. Từ tháng 12.2014, UBND tỉnh Lâm Đồng bàn giao dinh thự này cho Công ty cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt (thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu) trùng tu, nâng cấp trở thành khu tham quan, nghỉ dưỡng. Trung tuần tháng 9.2015, việc trùng tu, nâng cấp các hạng mục hiện hữu trong dinh đã hoàn thành. Các phòng làm việc, hội họp và phòng nghỉ của quốc trưởng Bảo Đại được khôi phục, một chiếc trực thăng tựa như máy bay Bảo Đại sử dụng trước đây được đặt tại bãi đáp máy bay (sau dinh) phục vụ du khách tham quan chụp hình.
Lối xuống hầm bí mật được ngụy trang bằng kệ sách xoay được (trái) và một góc đường hầm Ảnh: Lâm Viên - Hà Hữu Nết
Đường hầm thoát thân bí mật
Khi còn sống, ông Nguyễn Đức Hòa, hầu cận thân tín của vua Bảo Đại từng kể với người viết, khi sửa sang biệt điện số 1, ông và vài người khác phát hiện ra đường hầm bí mật và báo với Bảo Đại. Quốc trưởng căn dặn phải giữ kín chuyện này, không ai được hé răng.
Sau đó, Bảo Đại cho xây dựng bãi đáp máy bay trực thăng ở phía sau dinh, nơi cửa hầm bí mật thông ra để nhanh chóng thoát thân nhỡ khi xảy ra bất trắc. Cũng tại biệt điện số 1 này, một nhánh của hệ thống đường hầm bí mật được đào xuyên qua nhiều quả đồi để ăn thông đến tận biệt điện số 2 (Dinh toàn quyền Đông Dương). Đường hầm bí mật này có chiều dài khoảng 3 km và có các nhánh rẽ vào một số biệt thự trên đường Paul Doumer (nay là Trần Hưng Đạo). Độ cao trung bình của đường hầm trên toàn tuyến khoảng gần 2 m, rộng hơn 1 m; tuy nhiên cũng có một số đoạn tương đối thấp nên phải đi khom; những nơi có ngã ba thường được mở rộng hơn, đủ chỗ cho 5 - 6 người trú ẩn.
Năm 1955, sau khi phế truất Bảo Đại và lên làm tổng thống, Ngô Đình Diệm chọn biệt điện số 1 làm nơi nghỉ dưỡng. Tổng thống đã cho đổ bê tông gia cố đường hầm đồng thời là lối thoát hiểm đã có từ trước. Đường hầm cách mặt đất hơn 10 m, thông từ phòng ngủ của tổng thống ra bãi đáp của máy bay trực thăng. Cửa hầm được ngụy trang bằng một giá sách, chỉ cần dịch chuyển nhẹ giá sách là có thể lách người qua cửa để xuống đường hầm kiên cố. Trong hầm bí mật có bố trí phòng riêng của tổng thống, phòng bảo vệ và phòng điện đài cơ yếu...
Sau khi dự án được trùng tu, chúng tôi đã có dịp vào quan sát một đoạn đường hầm từ phòng họp nội các của nhà vua dẫn ra bãi đáp trực thăng phía sau đồi thông. Đường hầm được xây dựng bằng đá và đúc bê tông kiên cố dày khoảng 70 cm, dọc đường hầm có các lỗ châu mai có thể quan sát ra bên ngoài, nhưng từ bên ngoài không thể nhìn vào bên trong đường hầm.
Dinh thự mùa hè
|
Tác giả bài viết: Lâm Viên