Du lịch Việt tìm ra bản sắc mới phát triển thương hiệu hiệu quả
- 15:40 27-04-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Câu hỏi trăn trở nói trên của ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch nêu ra tại Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội VITM 2016.
Thương hiệu phải đi đầu
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thương hiệu là vấn đề vô cùng quan trọng đối với du lịch Việt Nam khi hội nhập và trong cạnh tranh. Thương hiệu phải đi đầu, định hướng cho tất cả các chương trình hành động về sản phẩm, quảng bá. Cần định vị ta ở đâu? Là ai? Đi đến đâu? Có giá thế nào? Thể hiện tính thương mại, tên tuổi của du lịch Việt Nam chỗ nào trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu…? Mục tiêu mà ngành du lịch Việt Nam đặt ra: đến năm 2025, thương hiệu du lịch Việt Nam phải được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm.
"Thương hiệu phải là vấn đề đi đầu, định hướng cho tất cả các chương trình hành động về sản phẩm, quảng bá", ông Hà Văn Siêu nói.
Ảnh minh họa
Ông Lê Tuấn Anh trăn trở: “Thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh của điểm đến du lịch trong nhận thức của các thị trường mục tiêu; thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến du lịch so với các điểm đến du lịch khác”.
Vì vậy theo ông Lê Tuấn Anh, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu phải thực hiện được mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò, yêu cầu, các biện pháp phát triển thương hiệu; phải đánh giá, kiểm soát được hình ảnh thương hiệu; nhận thức về phát triển thương hiệu phải thống nhất; quản lý phát triển thương hiệu phải triển khai chuyên nghiệp, đồng bộ.
Ông Colin Pine, Thành viên Hội đồng tư vấn chiến lược cho Tổng cục Du lịch Việt Nam, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm, đánh giá cao việc Tổng cục Du lịch Việt Nam đã rất quyết liệt và tích cực trong việc phân tích và đưa ra những phương án để đạt được hiệu quả về xây dựng thương hiệu cho du lịch tại Việt Nam. Theo ông Pine, du lịch Việt Nam cần tìm ra được một thương hiệu nói lên bản chất của Việt Nam, song khi đối thoại hay đưa ra cho người nước ngoài, họ cũng phải cảm nhận được đó là một thương hiệu du lịch hấp dẫn.
Thương hiệu còn thiếu điểm nhấn
Đánh giá về hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam hiện nay, ông Lê Quốc Vinh Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê - LeBros cho rằng, việc quảng bá du lịch Việt đang mắc khá nhiều sai lầm.
Thứ nhất, du lịch Việt đang dùng một phương thức quảng bá truyền thông cũ kỹ của những năm 80-90 thế kỷ trước và vẫn “mải miết” theo phương thức đó. Thứ hai, quảng bá du lịch không trọng tâm. Thông điệp quảng bá chung chung, không rõ ràng, không có điểm nổi bật khác biệt so với các quốc gia khu vực và lân cận. Thứ ba, nội dung đang làm hời hợt, không đi vào giá trị cốt lõi mà du lịch Việt Nam có thể có.
Theo ông Colin Pine, việc tổ chức thành công các sự kiện và hoạt động kết nối trong nước và quốc tế có quy mô lớn rất có tác động tích cực tới việc tăng cường nhận biết và đẩy mạnh giá trị thương hiệu của ngành du lịch. "Năm 2015, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm tổ chức Giải Hồ Tràm mở rộng, với sự tham gia của hàng loạt các golf thủ nổi tiếng thế giới như: Sergioe Garcia, Darren Clarke, Geoff Ogilviy, Thomas Bjorn... Ngay sau đó, hàng trăm bài báo về sự kiện được đăng tải trên báo chí trong nước và quốc tế, nhiều chương trình về Hồ Tràm Open lên sóng truyền hình quốc tế trực tiếp, nâng ước tính giá trị truyền thông lên tới tương đương 57 triệu USD. Tuy nhiên, để làm được điều này, sự kiện cần phải được tổ chức ở mức quy mô, có sức hút thực sự và được tổ chức trên một nền tảng cơ sở đáp ứng được. Đơn cử, riêng Giải Hồ Tràm Open đầu tiên đã được tổ chức với tổng mức đầu tư lên tới 4,5 triệu USD tại khu nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm, được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế”, ông Colin Pine chia sẻ.
Ngoài ra, còn có rất nhiều phương pháp tiếp thị khác rất hiệu quả. “Có thể tích hợp thương hiệu vào trong các hoạt động marketing thông qua các công cụ và kênh tiếp thị như kênh tiếp thị trực tiếp: tham gia các hội chợ thương mại, hội nghị và sự kiện, hợp tác với các đại lý du lịch, hãng hàng không và các đối tác trong ngành khác; kênh tiếp thị số: quảng cáo trực tuyến, các mạng xã hội như facebook, twitter ...; tổ chức các sự kiện và hoạt động kết nối trong nước và quốc tế nhằm thu hút khách du lịch”, ông Pine cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác tại hội thảo cũng đồng tình cho rằng, quảng bá du lịch Việt Nam hiện tại vẫn còn đưa tới quá nhiều thông điệp cho khách hàng. "Cách tuyên truyền về mảng này đang ở tình trạng tham hình ảnh, thông tin, thể hiện ở việc “nhồi” quá nhiều cảnh đẹp, văn hóa, hình ảnh ẩm thực vào cùng một video tuyên truyền", một đại biểu nhận xét.
Theo ông Lê Tuấn Anh, thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến du lịch so với các điểm đến du lịch khác. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ hướng tới việc đánh giá và đo lượng, kiểm soát hình ảnh thương hiệu du lịch thông qua việc duy trì và cải thiện xếp hạng của du lịch Việt Nam trên các hệ thống đánh giá độc lập, có uy tín.
Tác giả bài viết: Hoàng Mỹ