Con trâu “hái ra tiền” của cụ ông 83 tuổi
- 10:14 14-04-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cụ ông có con trâu đặc biệt này là Trần Hữu Vi, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi lúc vắng khách, cụ Vi cho biết đã làm nghề này được 3 - 4 năm nay.
Cụ Vi bên con trâu "mẫu ảnh"ngồi chờ khách trong khuôn viên di tích cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Ở Trường Yên, người làm nghề như cụ Vi được coi là hiếm vì không phải ai cũng thích hợp với công việc này. “Con trâu này vợ chồng tôi nuôi được 9 năm rồi. Trước kia tôi thường cho trâu đi cày cả ruộng nhà và ruộng thuê để kiếm thu nhập. Nhưng giờ tuổi cao sức yếu không cày bừa được nữa nên làm cái nghề "chẳng giống ai" này để kiếm bó rau, cân gạo sống qua ngày” - cụ Vi tâm sự.
Nhà cụ Vi cách đền thờ vua Đinh, vua Lê khoảng 100m. Hơn 3 năm trước trong một lần cho trâu đi ăn cỏ gần đền, bên quảng trường Hoa Lư, khách du lịch nước ngoài nhìn thấy cảnh cụ vừa chăn trâu vừa cắt cỏ thích thú vô cùng. Một vài người tiến đến gần tỏ ý muốn chụp ảnh cùng con trâu nhà cụ.
Con trâu quý được cụ Vi trang trí rất sặc sỡ, đẹp mắt để thu hút khách du lịch đến chụp ảnh.
Sau nhiều lần như vậy, cụ Vi nghĩ ra cách để con trâu quý của mình “hái ra tiền” mỗi ngày bằng nghề làm “mẫu ảnh”. “Với chúng tôi, con trâu không những là “đầu cơ nghiệp” mà còn là bạn thân tình, dù không làm ruộng nữa tôi cũng không nỡ bán nó đi. Nhờ có cái nghề mới này mà tôi mới nuôi được nó mãi trong nhà" – cụ Vi nói.
Để làm được nghề, cụ Vi nghĩ cách làm sao cho con vật nuôi của mình phải đặc biệt và sạch sẽ. Thế rồi cụ đi thiết kể đồ trang trí để trâu đội lên đầu và ra tiệm may cho nó một chiếc áo mặc trên lưng. “Lúc đầu nó không chịu làm đẹp với mặc áo vì nó sợ, nhưng làm nhiều lần thì nó quen, giờ thì ngoan ngoãn lắm. Nhưng không phải con trâu nào cũng thích hợp để làm “mẫu” được. Chỉ những co được chủ nuôi lâu, nghe hiểu tiếng người, mình yêu cầu đứng, đi, hay ngẩng mặt lên cho khách chụp ảnh nó mới hiểu được” – cụ Vi chia sẻ.
Du khách thích thú cưỡi trâu, phất cờ lau "xông trận".
Mỗi ngày cứ 5 giờ sáng là cụ lại dậy đi cắt cỏ cho trâu. Trưa đến cụ tắm rửa, kỳ cọ cho trâu thật sạch sẽ, cho ăn no nê, mặc áo cẩn thận và dắt trâu ra đứng gần cổng đền Đinh Tiên Hoàng để bắt đầu một ngày làm việc. Thường thì khi tối trời hẳn, không còn khách tham quan Khu di tích cố đô Hoa Lư nữa cụ mới dắt trâu về.
Đang kể chuyện về con “trâu vàng” của mình, có đoàn du khách từ Hà Nội đến hỏi chuyện, cụ Vi lại nhiệt tình giới thiệu du khách ngồi lên lưng trâu, phất cao ngọn cờ lau như hình ảnh anh hùng Đinh Bộ Lĩnh xưa kia dẹp loạn 12 xứ quân. Qua lời giới thiệu hóm hỉnh của cụ Vi, hai du khách nam đã thích thú đồng ý để cưỡi lên lưng trâu, cầm cờ lau, chụp ảnh lưu niệm.
Giá cho một lần cưỡi trâu chụp ảnh là 5 - 10 nghìn đồng. Khách có thể ngồi thoải mái trên lưng trâu cho đến khi nào chụp được bức ảnh đẹp nhất. Nghề thú vị này giúp cụ mỗi ngày kiếm được 50 – 100 nghìn đồng.
Để trâu không phóng uế bữa bãi làm ảnh hưởng đến vệ sinh chung của khu di tích, cụ Vi phải thường xuyên dắt trâu đi vệ sinh.
Khi không có khách, cụ Vi lại chăm sóc cho con trâu quý. Gần chục năm nay, con trâu này là người bạn thân thiết của vợ chồng cụ.
Du khách nước ngoài thích thú với con trâu đặc biệt của cụ Vi.
Ngày nào cụ Vi cũng dắt trâu đi làm "mẫu ảnh".
Tác giả bài viết: Thái Bá