Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khu chợ 500 tuổi chỉ có nữ giới ở Ấn Độ

Cách đây nhiều thế kỷ ở bang Manipur, khi toàn bộ đàn ông luôn phải sẵn sàng phục dịch nhà vua, phụ nữ là người chịu trách nhiệm toàn bộ về việc đồng áng và buôn bán.

Ima Keithel có nghĩa là "Chợ của Mẹ". Đây là khu chợ chỉ toàn phụ nữ lớn nhất ở châu Á, nơi toàn bộ sạp hàng đều chỉ có nữ giới đứng bán. Nằm ở trung tâm của Imphal, bang Manipur, Ấn Độ, chợ Ima Keithep ra đời gần 500 năm trước. Hiện có khoảng 4.000 phụ nữ bán hàng trong chợ mỗi ngày. Khu chợ còn là nơi thường xuyên tổ chức họp bàn các vấn đề chính trị - xã hội quan trọng của bang.



Ima Keithel là khu chợ nữ giới lớn nhất châu Á. Ảnh: com4tablydumb.


Khu chợ xuất hiện khi các vị vua còn thống trị bang Manipur. Suốt thời gian đó, một truyền thống có tên gọi "Lallup" buộc nam giới địa phương phải phục vụ nhà vua bất cứ khi nào được triệu tập. Bởi thế, phụ nữ sẽ chịu mọi trách nhiệm về việc đồng áng và buôn bán. Từ đó, việc kinh doanh chỉ có mặt của phụ nữ. Thú vị hơn nữa, đến nay, chỉ những phụ nữ có chồng mới được phép buôn bán trong chợ Ima Keithep.

Khu chợ nhiều lần bị các thế lực xâm lăng tấn công nhằm kiểm soát tình hình thương mại địa phương và giảm tính độc lập của phụ nữ ở Manipur. Nhưng những người phụ nữ kiên cường vẫn tồn tại để giữ vững vai trò truyền thống đặc biệt của mình tại đây. Điển hình là phong trào Nupi Lan (Chiến tranh Phụ nữ) những năm 1904 và 1939 khi những người phụ nữ Manipur đứng lên chống lại các chính sách kinh tế và áp bức mà người Anh áp đặt.

 

Thậm chí sau khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947, lực lượng nữ giới ở Ima Keithel liên tục bị đe dọa phải di dời nhưng họ luôn kiên quyết bảo vệ truyền thống khu chợ. Thời điểm duy nhất khu chợ hoàn toàn đóng cửa là trong chiến tranh thế giới thứ 2 khi Imphal trở thành chiến trường đẫm máu của quân đội Anh và Nhật Bản.



Phụ nữ bán hàng trong chợ phần lớn là được truyền lại từ đời các bà các mẹ. Ảnh: zehawk.


Năm 2003, chính quyền địa phương có kế hoạch di dời và thay thế khu chợ bằng kiểu chợ hiện đại nhưng hiệp hội nữ thương nhân ở đây đã biểu tình phản đối. Ngày nay, Ima Keithel nằm trong 4 tòa nhà mới được chính phủ xây dựng. Nơi đây bày bán đủ loại mặt hàng đa dạng, trở thành điểm đến hút khách du lịch trên khắp thế giới. 

Ở chợ Ima Keithel, một tòa nhà chuyên bán rau củ quả và trái cây, một khu khác chuyên bán đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức. Những phụ nữ bán đồ may mặc, mỹ phẩm bao gồm cả trang phục truyền thống Manipur, các tài liệu về tôn giáo, thậm chí cả đồ ăn vặt địa phương. Hầu hết cửa hàng đều được truyền từ đời mẹ sang con gái qua nhiều thế hệ để duy trì việc buôn bán ở Ima Keithel.



Chợ chia thành nhiều khu với các chủ đề khác nhau. Ảnh: com4tablydumb.


"Tôi đang ngồi ở nơi mà các bà các cụ 4 đời trước trong gia đình tôi đã buôn bán", Anoubi Devi, cụ bà 81 tuổi bán hàng trong chợ nói. "Đối với hầu hết phụ nữ ở đây, nó giống như việc kinh doanh của gia đình".

Các nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết người kinh doanh ở chợ có thể kiếm được từ 1.000 USD đến 3.000 USD một năm. "Mặc dù họ bán khá nhiều nhưng chẳng kiếm được mấy, bởi tiền đều phải trả cho chính hàng hóa họ bán, các nguyên vật liệu và công tác hậu cần", tiến sĩ Yumkhaibam Shyam Singh - Phó giáo sư Lịch sử tại Đại học Imphal cho biết. "Chi phí vận chuyển cũng rất cao, kết quả là những người phụ nữ hầu như chỉ thu lại lợi nhuận rất thấp". Theo nghiên cứu độc lập của ông, khu chợ vẫn hàng ngày bị đe dọa bởi "cuộc xâm nhập quy mô lớn của các sản phẩm giá rẻ và công nghệ mới từ các nơi khác ở Ấn Độ và trên thế giới".

 

Tác giả bài viết: Như Bình