Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trải nghiệm ở xứ sở tuần lộc

Lần đầu tiên trong đời tôi được đặt chân tới vùng băng giá Salekhard, trung tâm hành chính của Khu tự trị Yamalo - Nenets (Yamalo - Nenetsky Avtonomny Okrug), thuộc Liên bang Nga. Nơi này cách thủ đô Moscow hơn 2.000km, mất chừng 3h10 phút bay.

Trong cái lạnh âm 16 độ C, băng tuyết trắng xóa trải dài ngút tầm mắt. Nơi này có người du mục Nenets sinh sống. Tổ tiên của họ từng săn bắt cả gấu Bắc Cực. Cả vùng Bắc Cực có khoảng 40.000 người Nenets, phần lớn họ làm nghề chăn nuôi tuần lộc truyền thống. Họ là những chuyên gia sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và có khả năng chịu lạnh tới âm 34 độ C vào ban đêm. Họ nổi tiếng với việc vẫn duy trì tập tục ăn thịt sống và uống máu tươi tuần lộc, nguồn dinh dưỡng giúp cho họ duy trì thể lực để chống chọi lại thời tiết chết chóc. Ở đâu có thức ăn cho tuần lộc là dừng lại dựng lều, cắm trại.

Đến xứ băng tuyết cũng như một quá trình hành hương qua các trạng thái tinh thần, “thiện căn ở tại lòng ta” trỗi dậy một cách hết sức mạnh mẽ. Giữa tứ bề tuyết phủ nhưng cư dân ở đây sống rất hạnh phúc. Hạnh phúc không hẳn là do giàu có, có cảm giác rằng vật chất không tác động được gì đến đời sống tinh thần của họ.

Đến đây, tôi có cảm giác như được gột rửa bản thân.


  Mô hình voi Ma mút với kích cỡ như thật, mô phỏng loài động vật hoang dã khổng lồ trên cạn từng tồn tại cách đây cả triệu năm.



Trước khi vào thăm khu trưng bày, theo tục lệ, khách sẽ được mời ăn một miếng cá khô, một loại quả cũng khô ở trong rừng. Sau đó, mỗi người sẽ được phát một dải băng nhỏ. Mọi người sẽ buộc lên cây bạch dương trong vườn, vừa buộc vừa ước mong những điều tốt lành. Ước xong thì ném một đồng xu xuống đất. Lời ước mong sẽ thành hiện thực.


 
 Xe tuần lộc kéo của người Nenets.


Thịt tuần lộc chăn thả tự nhiên được hun khói, làm xúc xích. Thái lát mỏng uống bia thì chưa thấy thịt nào ngon bằng. Thịt mềm, thơm đậm đà và ngọt tự nhiên. Tất nhiên, không có chất bảo quản.


  Câu cá ở sông băng.
 

Tiếp theo là phải làm thanh sạch bản thân trước khi vào trong khu của bộ tộc. Cái chậu này được đốt lửa suốt ngày đêm. Khách dùng tay xin khói hơ lên mặt, hơ hai chân lên chậu lửa và đi vòng quanh chậu 3 vòng.


 Người phụ nữ này là hướng dẫn viên trong khu bảo tàng của bộ tộc Nenets. Bà thường mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.



Trước khi đi, các bạn tôi đã gửi lịch kỹ lưỡng đến từng ngày và dặn: Chỉ mang theo quần áo đủ mặc, còn lại các bạn sẽ lo hết. Sang đến nơi, mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận đến tận hộp kem bôi nẻ, cái bấm móng tay... Ảnh: Tác giả (phải) và một người phụ nữ Nenets trong trang phục cổ truyền.



Đi thêm 10km nữa thì đến khu ở của một nhóm người trong bộ tộc. Dựng nhà, bổ củi, nấu ăn, làm xe kéo do đàn bà và trẻ em phụ trách, đàn ông chỉ đi chăn đàn tuần lộc. Nhà dựng hoàn toàn bằng những cây gỗ dài 6m, to không quá bắp chân. Làm kín ngôi nhà là 76 bộ da của 76 con tuần lộc.


 
Sau khi ăn tối với thịt nai săn trong rừng thì đoàn được uống trà với quả Ma rốt ca, loại quả có khả năng chống ung thư rất tốt, chữa sỏi thận, thay đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể và tăng khả năng miễn dịch. Đây là loại quả chỉ có ở xứ tuyết Bắc Cực. Mỗi năm chỉ kết trái trong khoảng hơn 1 tháng. Mùa quả chín, nông dân trong vùng được huy động (có trả công) để vào rừng sâu hái về. Quả sau khi thu hoạch được bảo quản để ăn dần trong cả năm. Lá của cây Ma rốt ca dùng để cầm máu hoặc trộn hỗn hợp lá với mỡ cá để chống nhiễm trùng.



Xe chuyên dụng chạy trên băng tuyết. Đường đi xuyên rừng cỡ 15km, bốn bề xung quanh là tuyết phủ trắng xoá, dày cả mét. Tôi ôm chặt 2 tay nắm bên hông xe, tim đập loạn xạ. Thần hồn nát thần tính. Thỉnh thoảng xe lao đi nhanh rồi nghiêng hẳn sang bên như sắp đổ, chỉ biết nhắm tịt mắt... chả còn tâm trí đâu mà kêu. Dừng xe cởi mũ lông trên đầu ra thì chao ôi, lạnh như thế mà mồ hôi vã ra đầm đìa vì sợ...

Tác giả bài viết: Lê Hòa