Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lễ cầu mưa độc đáo của người Chăm H’Roi

Hiện nay, người Chăm H’Roi tại thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh (Bình Định) vẫn giữ được lễ cầu mưa độc đáo. Khi trời hạn hán kéo dài, nắng nóng, không có nước để tưới lúa, tưới cây, đồng bào sẽ làm lễ cầu mưa.

Hiện nay, người Chăm H’Roi tại thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh (Bình Định) vẫn giữ được lễ cầu mưa độc đáo. Khi trời hạn hán kéo dài, nắng nóng, không có nước để tưới lúa, tưới cây, đồng bào sẽ làm lễ cầu mưa. Từng hộ gia đình có thể làm lễ riêng trên rẫy của mình hoặc cùng nhau đóng góp lễ vật để cả làng làm chung.



Trong lúc thầy cúng làm lễ, dân làng cùng đánh trống, nhảy múa để cầu xin thần linh. (ảnh: S.N)


Theo già làng Lê Văn Ru ở làng Hiệp Hội (Vân Canh), cầu mưa là một nghi lễ rất quan trọng. Tuỳ vào mức độ hạn hán và điều kiện của từng nhà, từng làng, lễ vật có thể nhiều hay ít, nhưng nhất thiết phải có đầy đủ một đôi gà trống, hai ché rượu, một vòng sáp ong, một chén gạo và trầu cau... để dâng lên các vị thần ban sức khỏe (PoTang PôYa), thần mưa (PôNai), thần thủy lợi (PôYang). Việc tiến hành nghi lễ cúng cầu mưa được tổ chức tại trung tâm của làng. Tất cả người dân trong làng phải có mặt, đại diện cho mỗi gia đình đến chạm tay và khấn trước món đồ cúng. Người Chăm H’Roi quan niệm phải làm như vậy thì mới được thần biết đó là người của làng và thần sẽ phù hộ cho.

“Đàn cúng, cây nêu được đồng bào Chăm làm từ cây tre và gỗ được trang trí với hai màu chủ đạo là màu đen, đỏ. Đây là hai màu đặc trưng của đồng bào Chăm H’Roi, xung quanh là những sợi chỉ treo những hình thù độc đáo, mô phỏng lại những hình tượng, dụng cụ thường xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của dân tộc Chăm. Sau khi đất nước giành độc lập, cây nêu của đồng bào Chăm H’Roi có thêm lá cờ Tổ quốc thể hiện lòng biết ơn với Đảng, với Bác Hồ” – già làng Lê Văn Ru cho hay.

Trong nghi thức cúng của người Chăm H’Roi, dân làng sẽ chọn một người có uy tín mặc trang phục truyền thống của dân tộc, tượng trưng cho người của Yàng (còn gọi là Oi quai) cử xuống nghe lời khấn nguyện và nhận lễ vật của dân làng. Thầy cúng phải do dân làng chọn ra từ các già làng, thường là 3 - 5 người (hay 7 - 9 người), lễ vật cũng vậy đều phải là số lẻ vì người Chăm H’Roi quan niệm đồ lễ là số lẻ, thần cho một phần nữa là đủ. Trong lễ cúng người Chăm H’Roi cầu chỉ vừa đủ không bao giờ xin nhiều vì họ sợ lòng tham sẽ làm thần nổi giận không cho nữa.

Cầu mưa là hình thức nghi lễ nhưng cũng là dịp để đồng bào Chăm H’Roi mọi nơi hội tụ, trao đổi kinh nghiệm trong đời sống tín ngưỡng cũng như cuộc sống hàng ngày./.

Tác giả bài viết: San Nguyễn (DV)