Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trăm khe đổ về suối 'chết'

Từ Châu Quang, theo tỉnh lộ 532, chúng tôi ngược về Châu Cường, Châu Thành, Châu Hồng, Châu Tiến. Dòng Nậm Huống cũng uốn lượn theo con đường rải nhựa nham nhở “ổ trâu, ổ gà” này đến tận Châu Cường.
1 912315
Dòng Nậm Huống cạn kiệt và ô nhiễm

Các ngọn núi chúng tôi đi qua, hoạt động khai thác đã diễn ra hàng chục năm, nguồn nước thải thẩm thấu qua các hang cát tơ, ngấm vào lòng đất hoặc chảy trực tiếp ra các suối nhỏ. Một nửa chia nước cho Nậm Huống, một nửa đổ về Nậm Tôn. Hai dòng suối “chết” này tạo thành “gọng kìm” ôm trọn Châu Quang.

Trên tuyến tỉnh lộ 532, Châu Tiến là xã nằm xa trung tâm huyện Quỳ Hợp nhất. Trên địa bàn xã có 16 doanh nghiệp được cấp phép khai thác, chế biến và thăm dò với tổng diện tích là 312 ha, chiếm hơn 1/10 diện tích tự nhiên của toàn xã. Thời gian gần đây, hoạt động khai thác, chế biến lắng xuống do giá quặng lao dốc, hiện chỉ có 5 công ty đang hoạt động.

Ông Hoàng Quang Tiệp, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, cho biết: “Hoạt động của các doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường không đáng kể cho địa phương bởi tất cả các mỏ, cơ sở chế biến đều nằm ở hạ lưu suối Bàn Hạt. Từ suối Bàn Hạt, lượng nước thải ra từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản sẽ theo dòng Nậm Tôn, qua xã Liên Hợp, đổ về Châu Quang".

Từ Châu Tiến, quay trở lại theo TL 532 về phía UBND huyện Quỳ Hợp khoảng 4 km là trung tâm xã Châu Hồng. Đây được coi là “thủ phủ” của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Thế nhưng, trong số 22 đơn vị được cấp phép cũng chỉ có 14 doanh nghiệp đang hoạt động.

Theo đại diện UBND xã Châu Hồng thì mức độ ô nhiễm của hoạt động khai thác chế biến khoáng sản tại địa phương... cũng không đáng kể. Dù vậy, hằng năm, Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh, Công ty Khoáng sản Lạng Sơn đều hỗ trợ người dân nạo vét bùn trên các kênh mương, khơi thông dòng chảy xuống các hang.

Hiện Châu Hồng có 2 ha lúa tại bản Công bị vùi lấp sau các trận mưa lớn. Nước thải trong quá trình khai thác, chế biến của một số doanh nghiệp chủ yếu thẩm thấu qua các hang cát tơ, chảy về Châu Tiến, Liên Hợp rồi đổ về Châu Quang. Một số công ty thải vào các thung núi, sau đó thì… đi đâu không biết (?).

Thế nhưng, khi một số doanh nghiệp đang ngừng hoạt động thì việc khai thác quặng thổ phỉ lại tái diễn và đang có chiều hướng gia tăng. Thung Bốn, thuộc bản Công, xã Châu Hồng, được cấp phép cho Công ty Khoáng sản Lạng Sơn, nay hết hạn nên công ty dừng sản xuất.

Thời gian gần đây, trước tình trạng người dân dựng lều khai thác thổ phỉ trên đỉnh thung Bốn, UBND xã Châu Hồng đã phải tổ chức một đợt truy quét, dẹp 4 lán trại, đẩy đuổi người dân xuống thung. Thế nhưng, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép dường như chưa có dấu hiệu dừng lại.

Khi chúng tôi xuất hiện tại thung Bốn, một người đàn ông to cao, tự nhận mình tên Dương, bảo vệ cho công ty Lạng Sơn, xuất hiện. Thấy chúng tôi quan sát địa điểm bị đào xới nham nhở, dây điện, ống nước giăng mắc chằng chịt như mạng nhện từ chân đến đỉnh thung Bốn, Dương nói như để cản chúng tôi lên thung: “Muốn lên Thung phải vòng ra phía sau, leo núi chừng 2-3 km chứ thung dựng đứng thế này không leo lên được. Mà trên đó cũng không còn ai khai thác nữa đâu. Bữa trước bị xã đẩy đuổi, họ bỏ về hết rồi”.

 
2 832007
Những dòng nước đỏ lừ, đất đá vẫn trào xuống từ trên đỉnh thung Bốn

Tuy nhiên, trước hiện trường dòng nước đỏ lừ liên tục trào xuống chân núi, khi vặn hỏi, người đàn ông tên Dương thanh minh: “Trên đó chỉ còn vài người thôi, họ đi mót ít quặng thôi mà!”.

Theo quan sát của PV, tính từ chân đến đỉnh, thung Bốn cao đến bảy tám chục mét. Trên đỉnh thung, có ít nhất 3 điểm tạo thành dòng chảy của nước, đất đá xuống sườn thung đỏ lừ. Đó có thể là những điểm khai thác quặng trái phép của người dân.

Cạnh chân thung Bốn, một xưởng chế biến đá trắng đang hoạt động, tiếng máy cưa đá rít xé từng hồi. Cán bộ xã Châu Hồng cho biết, đây là xưởng hoạt động của Công ty TNHH Tuấn Hà, hiện đã cho một chủ khác thuê, không biết là ai (?).

Toàn bộ nước thải của cơ sở này được tuồn trực tiếp ra phía sau xưởng, bồi lấp gần hết một hố sâu. Dòng nước trắng đục, sủi bọt hòa với dòng nước đỏ lừ chảy từ thung Bốn xuống, cùng đổ về phía khu dân cư bản Công. Nước thải này sẽ theo các con mương nhỏ, ra dòng suối, đến Nậm Tôn, Nậm Huống đổ về Châu Quang.

Rời Châu Hồng, chúng tôi đến Châu Thành. Đây là điểm đầu, nơi nhận nước từ các dòng suối nhỏ, chảy về Nậm Nhôn, đổ về phía Châu Cường. Tại đây, Nậm Nhôn sẽ hợp lưu với Nậm Huống, chảy về Châu Quang.

Ông Hà Đăng Ninh, Chủ tịch UBND xã Châu Thành, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có xí nghiệp thiếc bản Cô thuộc Công ty kim loại màu Nghệ Tĩnh hoạt động. Hồ chứa của đơn vị chế biến quặng thiếc trên địa bàn xã xả thải ra dòng Nậm Nhôn rồi đổ về Châu Cường, Châu Quang. Vài chục năm trước, nước Nậm Nhôn vẫn còn sâu, trong vắt, tôm cá rất nhiều nhưng nay thì dòng nước hầu như cạn kiệt quanh năm. Có 2 bản của xã sử dụng nguồn nước này với diện tích khoảng 10 ha nhưng nhìn chung lúa phát triển kém, năng suất thấp”.

Từ Châu Thành, chúng tôi quay về Châu Quang để tiếp tục quan sát dòng Nậm Huống. Nậm Huống trơ đáy, dòng nước thiếu sức sống vẫn chảy về, đục đen, bẩn thỉu. Nhiều đoạn, dòng Nậm Huống chỉ cần vài bước chân là có thể nhảy qua, lũ trẻ đang ngồi trên xe, đạp ngang qua suối.

Một cán bộ UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Tất cả các doanh nghiệp đều có bản cam kết bảo vệ môi trường nhưng nhiều doanh nghiệp không làm đúng cam kết, thậm chí lợi dụng trời mưa để xả thẳng nước thải ô nhiễm ra các dòng suối.

Giải pháp căn cơ bảo vệ môi trường vẫn là yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc cam kết, nếu vẫn cố tình vi phạm phải đề nghị thu hồi mỏ, đình chỉ hoạt động.

Tại Châu Quang, nguồn nước như vậy là không bình thường nhưng ô nhiễm môi trường ở mức độ nào thì phải có hội đồng khoa học phân tích, kết luận, không thể nói bừa”.

Báo cáo Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản năm 2015 của UBND huyện Quỳ Hợp nêu rõ: “Hầu hết các DN chưa quan tâm chăm lo thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu về BVMT trong khai thác…

 
3 873243
Phía sau một xưởng chế biến đá trắng dưới chân thung Bốn

Hầu hết các mỏ được cấp trước đây từ 3 đến 5 năm nay đang trong giai đoạn nâng cấp trữ lượng để xin cấp mới từ 20 năm trở lên nên về phục hồi môi trường sau khai thác chưa có nhiều. Một số mỏ trong thời kỳ đóng cửa, đưa mỏ về trạng thái an toàn hoặc trả một phần diện tích đã khai thác buộc phải thực hiện đề án phục hồi môi trường nhưng vẫn chưa thực hiện nghiêm túc (Công ty KS Lạng sơn Thung Bốn Châu Hồng...)”.

Năm 2015, UBND huyện Quỳ Hợp đã tổ chức 55 đợt kiểm tra 57 trường hợp, tạm giữ 5 máy xúc, 4 máy nổ, 3.500kg bột màu đen nghi quặng thiếc; xử lý vi phạm hành chính 25 trường hợp với số tiền 407.750.000 đồng. UBND tỉnh Nghệ An cũng ra Quyết định xử lý 4 trường hợp, nộp ngân sách 64 triệu đồng; tịch thu 1 máy nổ, 1 buồng hút, 3 búa khoan tay.

Tác giả bài viết: Võ Văn Dũng